Toàn cảnh 2 điểm sạt lở sát nhau trên quốc lộ 91 cũ năm 2019 (bên phải) và điểm sạt lở mới xảy ra vào ngày 27-5-2020 - Ảnh: BỬU ĐẤU
Đó là tình cảnh người dân sống ven quốc lộ 91 cũ, bên cạnh dòng sông Hậu, đoạn qua tỉnh An Giang.
Ăn ngủ không yên
Từ khi xảy ra sạt lở tuyến quốc lộ 91 cũ (sáng sớm 27-5-2020), hàng trăm hộ dân ở ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang đã ăn ngủ không yên. "Hà bá" ngoạm một đoạn đường quốc lộ dài hơn 40m, ăn sâu vào 1/3 mặt đường. Đêm cũng không dám chợp mắt vì phập phồng lo sợ, sáng thức dậy, nhiều người lại chạy ra thăm vết nứt trên đường ngoài bờ sông có thay đổi gì không.
Sống ở căn nhà cặp quốc lộ 91 từ khi cha sanh mẹ đẻ, hiện giờ nhà ông Lê Bá Truyền (70 tuổi) nằm trong khu vực nguy cơ đặc biệt xảy ra sạt lở. Dù nhà ông cách tim đường quốc lộ 91 khoảng 16m nhưng bây giờ phía trước nhà đã sụp 1/3 mặt đường, cả nhà như "ngồi trên đống lửa".
"Nói thiệt là tôi và mấy đứa con đêm ngủ không yên, chợp mắt vậy rồi khi nào giật mình cũng chạy ra trước cửa xem đường còn không hay đã sụp rồi. Lo lắng lắm vì toàn bộ gia sản dành dụm được mới cất được căn nhà hơn 900 triệu đồng, ngày nào đó nhà rớt xuống sông thì khổ nữa!" - ông Truyền lo lắng.
Ông cũng là người chứng kiến cảnh sạt lở xảy ra vào rạng sáng 27-5 vừa qua. "Bữa đó, khoảng 5h20, tui với 2 thằng cháu ra thăm coi đường thì thấy nó nứt thêm 3cm. Tui nói mấy thằng cháu bữa nay nó hơi "nở" nhiều hơn hôm qua, khòm xuống thì thấy nó hơi nghiêng. Vừa nói dứt tiếng thì bờ quốc lộ 91 sụp, sụp từ từ xuống sông Hậu, ngay trước mắt. Tôi hoảng quá chạy đi ra không dám đứng đó nữa" - ông kể lại giọng vẫn còn lo sợ.
Còn ông Nguyễn Văn Mỹ buồn bã: nhà bị phong tỏa vì sạt lở, ai cũng đều lo sợ vì không biết đường sụp khi nào, chỗ nào nữa. Nhà nào kiên cố càng lo rầu vì di dời càng khó khăn.
"Bản thân tui hoang mang lo sợ chứ, lần này sụp ít, không nghiêm trọng như những lần trước nên cứ thầm mong nó sụp tới đây thôi, đừng sụp thêm nữa để bà con được ở yên ổn. Nếu đất sụp lở thêm nữa thì phải đi chỗ khác ở thôi. Nhà nước hỗ trợ nhưng đó chỉ là một phần thôi, cuộc sống sẽ xáo trộn lắm. Di cư đến chỗ khác rồi làm ăn sinh sống đi lại... ai ở trong tình cảnh này mới thấu hiểu nỗi lo, cái khó" - ông Mỹ tâm sự.
Một đoạn rào chắn ôm hết phần lòng đường quốc lộ 91, chỉ còn khoảng hẹp là lối đi an toàn cho người và xe qua đây - Ảnh: B.ĐẤU
Âu lo sinh kế trên đất mới
Cuộc sống đổi thay từ chuyện đi lại hằng ngày. Hàng trăm hộ dân nơi đây muốn đi chợ hay đi về TP Long Xuyên, Châu Đốc đều phải chạy ngoằn ngoèo vào con đường tắt giữa ruộng đồng rồi mới ra đường tránh quốc lộ 91 được.
Và những lo lắng về thay đổi chỗ ở, lo công ăn việc làm, cái khó hiển hiện trước mắt với nhiều hộ đang chuẩn bị di dời nhà cửa đến nơi ở mới. Gia đình ông Lê Thanh Hùng, một trong những hộ "chạy" sạt lở, đang chuẩn bị dọn nhà đi nơi khác, chia sẻ vợ chồng ông và đứa con trai sống ven sông Hậu, quanh năm làm thuê làm mướn, giờ bắt buộc phải di dời đi nơi mới cách nơi này từ 3-5km (tùy nơi được bố trí).
"Cũng không biết mai mốt sống sao. Tôi sống ven quốc lộ 91 thì dễ làm thuê mướn kiếm tiền, bây giờ đến nơi xa lạ, chưa biết làm gì để kiếm tiền lo cho vợ con nữa".
UBND tỉnh An Giang vừa ban bố tình trạng khẩn cấp sau vụ sạt lở mới 27-5 ở Bình Mỹ (huyện Châu Phú). Cách đó vài trăm mét, năm 2019 từng xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng hơn. Cơ quan chức năng địa phương đang đo đạc, thống kê số hộ dân còn lại ven con đường sạt lở này để tỉnh có phương án hỗ trợ nếu sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp.
Cùng với đó là ngổn ngang tâm trạng của người dân đang sinh sống ở vùng nguy hiểm. Ở thì lo lắng, đi thì không đành và cũng chưa thể tìm được phương kế sinh nhai ổn định ngay được. Có người được bố trí nơi ở khác vẫn tìm về chốn cũ trong khi nhiều người chọn cách bỏ quê đi xa, tìm cuộc sống mới khi nhà xưa nay không còn nữa. Câu chuyện an cư lạc nghiệp cho người dân mất chỗ ở vì sạt lở sẽ còn là nỗi niềm, khó khăn dài lâu ở vùng đất này.
Sẽ có thêm mặt bằng tái định cư
Theo ông Trần Thanh Nhã - bí thư, chủ tịch UBND huyện Châu Phú, khu vực sạt lở có 29 hộ dân và 16 lều trại cần di dời khẩn cấp. Mức hỗ trợ di dời là 40 triệu đồng/hộ dân theo quy định. "Về lâu dài, huyện kiến nghị tỉnh sớm hỗ trợ 50 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng khoảng 13ha để làm khu tái định cư cho người dân mất chỗ ở do sạt lở".
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - bí thư Đảng ủy xã Bình Mỹ - cho biết hiện đã di dời được 8/29 hộ dân đến nơi an toàn, riêng lều trại thì lập biên bản yêu cầu bà con tháo dỡ gấp. Đa số bà con đều khó khăn, hộ nào không có đất thì chính quyền hỗ trợ về khu dân cư (còn nền đất trống). Địa phương có thuê đội cất nhà từ thiện rồi sau đó đưa bà con về ở. Có nhiều hộ thông báo có đất hoặc tự tìm mua nền nhà không chịu vào khu dân cư được xã bố trí.
"Các hộ "chạy" sạt lở thì sau khi dỡ nhà sẽ được xã hỗ trợ 20 triệu đồng, chi cho các đội từ thiện cất nhà. Sau khi nhà hoàn chỉnh, địa phương sẽ giao thêm 20 triệu đồng còn lại cho bà con. Còn ai tự di dời và cần hỗ trợ, xã sẽ hỗ trợ lực lượng và phương tiện cho bà con di dời".
BỬU ĐẤU ghi
Liên tiếp sạt lở nghiêm trọng
- Ngày 22-4-2017, 16 căn nhà ở ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới đã trôi xuống dòng sông Hậu. Sạt lở đã cắt đứt tuyến đường giao thông liên xã Mỹ Hội Đông - Nhơn Mỹ. Chính quyền phải sơ tán khẩn cấp 108 hộ dân...
- Khoảng 0h30 đến 3h rạng sáng 1-8-2019, một đoạn 80m quốc lộ 91 đã đổ sụp xuống sông Hậu, vách sạt lở thẳng đứng, lấn sâu về phía bờ 25m. Sạt lở đã nhấn chìm một nửa mặt đường quốc lộ, phải di dời khẩn cấp 26 hộ dân.
- Đến 5h30 ngày 27-5-2020, một đoạn quốc lộ này sụp xuống sông Hậu. Chính quyền ban bố khẩn cấp để di dời 29 hộ dân và lều trại đến nơi an toàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận