10/02/2017 11:07 GMT+7

An Nam đại quốc họa đồ dưới mắt học giả Mỹ

TRẦN ĐỨC ANH SƠN
TRẦN ĐỨC ANH SƠN

TTO - An Nam đại quốc họa đồ là tờ bản đồ có kích thước 84x45cm, phụ bản của cuốn Dictionarium latino-anamiticum (Từ điển Latin-An Nam), do Oriental Lith. Press xuất bản ở Calcutta (Ấn Độ) vào năm 1838.

Học giả Harold E. Meinheit và tác giả tại Mỹ - Ảnh do Trần Đức Anh Sơn cung cấp
Học giả Harold E. Meinheit và tác giả tại Mỹ - Ảnh do Trần Đức Anh Sơn cung cấp

Đây là một bản đồ hiếm hoi về Việt Nam vào thế kỷ 19, là một trong những dẫn chứng ủng hộ cho tuyên bố của Việt Nam về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, nhưng ý nghĩa của nó còn vượt xa giá trị chứng lý của Việt Nam trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc về chủ quyền trên quần đảo này

Học giả HAROLD E. MEINHEIT

Tác giả cuốn từ điển này là Jean-Louis Taberd (1794 - 1840), giám mục đại diện Tông tòa ở Nam kỳ dưới triều vua Minh Mạng (1820 - 1841).

Mới đây, The Portolan, tạp chí của Hội bản đồ Washington (Mỹ), số 97, ấn hành cuối năm 2016 đã đăng tải bài khảo cứu rất công phu về An Nam đại quốc họa đồ có tựa là “The Bishop’s Map Vietnamese and Western Cartography Converge” (Tấm bản đồ Việt Nam của vị giám mục và sự hội tụ ngành bản đồ học phương Tây).

Tác giả bài khảo cứu này là Harold E. Meinheit, cựu viên chức ngoại giao Mỹ, người đã dành phần lớn sự nghiệp của mình ở châu Á, trong đó có Việt Nam, hiện là thư ký của Hội bản đồ Washington.

Tấm bản đồ đặc biệt

Đây là một bản đồ đặc biệt, trước tiên là bởi tên của nó. Bản đồ do một giám mục người Pháp thực hiện, nhưng tên của bản đồ được viết bằng 3 ngôn ngữ: 安南大國畫圖 (chữ Hán), An Nam đại quốc họa đồ (chữ Quốc ngữ) và Tabula Geographicaimperii Anamitici (chữ Latin), trong khi tất cả địa danh trên bản đồ, kể cả các địa danh thuộc Trung Hoa, Lào và Campuchia, đều được viết bằng chữ Quốc ngữ, còn chú dẫn (legenda) thì sử dụng cả chữ Quốc ngữ, chữ Latin và chữ Pháp.

Điều đặc biệt thứ hai là trên bản đồ có vẽ hình một cụm đảo ở giữa Biển Đông, nằm ở phía bắc vĩ tuyến 160 Bắc, phía đông kinh tuyến 1100 Đông, có dòng tiêu danh: “Paracel seu Cát Vàng” (Paracel hoặc Cát Vàng).

Dòng chữ này đã khẳng định nhóm đảo Paracel theo cách gọi của người phương Tây chính là (nhóm đảo) Cát Vàng (hay Hoàng Sa) theo cách gọi của người Việt đương thời.

Ngoài dòng chữ “Paracel seu Cát Vàng” ghi trên An Nam đại quốc họa đồ, trong bài viết “Note on the Geography of Cochin China” (Ghi chép về địa lý Nam Kỳ) in trên The Journal of the Asiatic Society of Bengal (vol. 6, part II, p.745), xuất bản tại Calcutta vào năm 1837, giám mục Jean-Louis Taberd còn chỉ rõ: “The Pracel or Paracels is a labyrinth of a small islands, rocks, and sand-banks... The Cochin Chinese called them Cón Váng... In 1816, he (king Gia Long) went with solemnity to plant his flag and take formal possession of these rocks, which it is not likely any body will dispute with him”. [Pracel hay Paracels là một mê cung của những hòn đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cát...

Những người dân xứ Cochin China (Đàng Trong) gọi là Cồn Vàng... Năm 1816, vua (Gia Long) đã (cho người) đến long trọng cắm cờ và chính thức tuyên bố chủ quyền ở các bãi đá này, mà chắc chắn là sẽ không có một ai tìm cách tranh giành với ông].

Dòng chữ “Paracel seu Cát Vàng” ghi trên An Nam đại quốc họa đồ cùng với những chú giải trong bài nghiên cứu nói trên của giám mục Jean-Louis Taberd đã khiến cho tờ bản đồ này trở nên nổi tiếng ở Việt Nam, đặc biệt là trong những năm gần đây.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, đó chính là bằng chứng chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, được một giáo sĩ phương Tây công bố với thế giới từ nửa đầu thế kỷ 19.

Tuy nhiên, học giới Việt Nam từ trước đến nay dường như chỉ mới chú ý đến khía cạnh “chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa” được phản ánh trên An Nam đại quốc họa đồ, mà bỏ qua những chi tiết quan trọng và thú vị khác có trên tờ bản đồ lừng danh này.

An Nam đại quốc họa đồ do giám mục Jean-Louis Taberd xuất bản năm 1838. Bản đang lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Pháp ở Paris 
- Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
An Nam đại quốc họa đồ do giám mục Jean-Louis Taberd xuất bản năm 1838. Bản đang lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Pháp ở Paris - Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Phân tích của một học giả người Mỹ

Trong bài khảo cứu dài 13 trang với nhiều hình ảnh minh họa, học giả Harold E. Meinheit đã phân tích và đánh giá toàn diện về An Nam đại quốc họa đồ.

Mượn lời tự nhận xét của chính giám mục Jean-Louis Taberd về bản đồ này: “Mặc dù bản đồ này không phải là không sai sót, nhưng tôi nghĩ rằng nó là, và có thể... là tốt nhất và chi tiết nhất mà trước nay chưa hề xuất hiện” để làm đề dẫn cho bài khảo cứu của mình.

Meinheit khẳng định: “Đây là một bản đồ hiếm hoi về Việt Nam vào thế kỷ 19, là một trong những dẫn chứng ủng hộ cho tuyên bố của Việt Nam về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, nhưng ý nghĩa của nó còn vượt xa giá trị chứng lý của Việt Nam trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc về chủ quyền trên quần đảo này”.

Theo ông, bản đồ này là một thành tựu nổi bật trong sự kết hợp giữa bản đồ hành chính truyền thống của Việt Nam với bản đồ học phương Tây.

Không chỉ là một bản đồ hành chính đơn thuần, An Nam đại quốc họa đồ đã cung cấp một “bản chụp nhanh” (snapshot) về toàn xứ Đông Dương trong những thập niên đầu của thế kỷ 19, khi mà vương triều Nguyễn đã xác lập vị thế của mình trong một đất nước Việt Nam thống nhất, trước khi đương đầu với cuộc xâm lược của người Pháp.

Bản đồ này đã được các nhà thực dân người Pháp coi là nguồn thông tin chính về địa lý và hành chính của toàn xứ Đông Dương, với độ chính xác và tin cậy cao nhất, do vậy bản đồ đã được tái bản tại Paris vào năm 1862, khi người Pháp ký với triều đình Huế bản Hòa ước Nhâm Tuất, buộc nhà Nguyễn công nhận sự hiện diện của người Pháp ở Nam kỳ.

Sau đó, nó được tái bản theo chỉ thị của Prosper de Chasseloup-Laubat, bộ trưởng Bộ Hàng hải và thuộc địa Pháp, để phục vụ cho các doanh nghiệp thuộc địa ở Đông Dương.

Và bây giờ, “trong thế kỷ 21, bản đồ của giám mục Taberd lại đảm nhiệm một vai trò chính trị mới trong các cuộc đụng độ triền miên bởi các tuyên bố về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông” như nhận định của Harold E. Meinheit về An Nam đại quốc họa đồ.

Harold E. Meinheit cho rằng: “Các cuộc xung đột về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông đã mang lại một danh tiếng mới cho bản đồ của Đức giám mục, mà hiện nay được coi là bằng chứng củng cố yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đã bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974”.

Ông đã mô tả vị trí của quần đảo Paracel trên bản đồ, cùng với dòng chữ “Paracel seu Cát Vàng”, khẳng định người Việt đã đặt tên cho quần đảo này là Cát Vàng từ rất sớm, đồng thời trích dẫn những đoạn quan trọng trong bài “Note on the Geography of Cochin China” của giám mục Taberd in trên The Journal of the Asiatic Society of Bengal vào năm 1937, cũng như dựa vào hồi ký Le mémoire sur la Cochinchine của Jean-Baptiste Chaigneau xuất bản ở Paris năm 1820 để xác thực việc vua Gia Long đã cho người ra Hoàng Sa cắm cờ và tuyên bố chủ quyền vào năm 1816.

Trong bức thư gửi kèm cuốn tạp chí The Portolan có in bài viết của mình cho người viết bài này, học giả Meinheit cho biết tại Hội chợ bản đồ quốc tế Chicago diễn ra vào tháng 10-2016, một ấn bản của An Nam đại quốc họa đồ (in năm 1838) đã được bán với giá 13.000 đôla Mỹ.

Có lẽ đó là một “giá trị khác” mà giám mục Jean-Louis Taberd cũng “không nghĩ đến” khi xuất bản tấm bản đồ này vào năm 1838.

Một tấm bản đồ “nhiều mục đích”

Bài khảo cứu của Meinheit đề cập nhiều nội dung: lai lịch tấm bản đồ; thân thế của tác giả bản đồ là giám mục Taberd và chính sách “cấm đạo” dưới triều Minh Mạng; quá trình mở rộng lãnh thổ Việt Nam và chính sách của triều Nguyễn đối với hai láng giềng là Campuchia và Lào;

Đánh giá của Taberd về kỹ thuật vẽ bản đồ của người Việt và nỗ lực sử dụng chữ Quốc ngữ để định danh và chú giải trên tấm bản đồ vẽ theo kỹ thuật phương Tây của mình; dịch các địa danh bằng chữ Hán sang chữ Quốc ngữ trên các bản đồ hành chính thời Nguyễn để định danh cho các địa điểm ở Việt Nam, Lào, Campuchia và vùng lãnh thổ phía Nam Trung Hoa; định vị các khu vực cư trú của các sắc dân thiểu số ở Việt Nam lúc bấy giờ trên bản đồ này, như người H'Rê ở phía tây Quảng Ngãi, người Stiêng ở miền đông Nam kỳ và các bộ tộc thiểu số ở Tây nguyên.

Meinheit đánh giá đây là “một bản đồ nhiều mục đích” (a map of many purposes) và cho rằng dù giám mục Taberd đặt ra mục đích cao nhất là “phục vụ cho lợi ích khoa học”, thì dù muốn hay không bản đồ này cũng được các giáo sĩ phương Tây coi là một phương tiện trong hành trình truyền giáo ở Đông Dương.

TRẦN ĐỨC ANH SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên