26/05/2015 12:22 GMT+7

Ẩn họa từ những khu chợ dưới dốc cầu

KTS LÊ CÔNG SĨ
KTS LÊ CÔNG SĨ

TT - Việc tồn tại khu chợ ngay dốc cầu và các công trình công cộng bám các trục giao thông huyết mạch là ẩn họa có thật đe dọa nghiêm trọng sự an toàn giao thông.

Người đàn ông ngồi thất thần bên xác người thân - Ảnh: Đức Thành

Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vào buổi sáng 7-5 vừa qua ngay dốc cầu Ba Si trên quốc lộ 53 (thuộc xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, Trà Vinh) khiến bốn người tử nạn tại chỗ, một nạn nhân tử vong sau đó tại một bệnh viện ở TP.HCM.

Nguyên do ban đầu được xác định hai xe khách giường nằm tranh vượt nhau trên cầu dẫn đến tai nạn.

Theo cơ quan điều tra, lời khai của một tài xế cho biết do phát hiện một người băng ngang dưới dốc cầu nên xe này phải thắng gấp, đó là nguyên do khiến xe đang chạy phía sau đánh tay lái sang trái theo quán tính để không phải đụng đuôi xe vừa thắng gấp, dẫn đến việc tông vào dòng xe máy đang lưu thông chiều ngược lại gây ra tai nạn thương tâm nói trên.

Ở đây xin không bàn luận chi tiết tài xế phát hiện có người băng ngang đường có thật hay không bởi đó là việc của cơ quan chức năng, nhưng việc tồn tại khu chợ ngay dốc cầu này là ẩn họa có thật đe dọa nghiêm trọng sự an toàn giao thông.

Lý do là đã hình thành những nút giao nguy hiểm giữa đường chính và các đường nhánh rẽ vào khu vực chợ, trong khi xe lưu thông qua cầu (đổ dốc) thường với tốc độ khá lớn và dễ gây tai nạn.

Có dịp trải nghiệm trên các tuyến xe khách khắp các cung đường miền Tây, không khó nhận ra “phức hợp” chợ - cầu như cầu Ba Si không phải là duy nhất.

Đơn giản chỉ cần ngồi xe khách từ TP.HCM về Trà Vinh hẳn không khó đếm có đến hàng chục cây cầu “bầu bạn” với những khu chợ cả tự phát lẫn chính quy rải rác khắp quốc lộ 53.

Miền Tây lắm sông rạch, vì thế có không ít cây cầu trên các tuyến giao thông huyết mạch và những khu chợ bám sông.

Tuy vậy, ngoại trừ các chợ nông sản mang tính truyền thống, tư duy chợ phải bám sông nhằm thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa ngày nay đã không còn phù hợp, bởi thực tế cho thấy hàng hóa tiếp cận chợ bằng rất nhiều phương thức.

Chợ bám sông ngày nay không chỉ gây nên sự ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường thủy mà còn là ẩn họa đe dọa nghiêm trọng an toàn giao thông đường bộ, đặc biệt đối với những khu chợ họp ngay dưới chân cầu.

Ngoài ra, trên các cung đường không riêng miền Tây, ẩn họa không chỉ đến từ những “phức hợp” chợ - cầu như đã nói. Trong khi Nhà nước đã đầu tư nâng cấp rất nhiều tuyến đường đáp ứng đáng kể nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông thì vẫn còn đó nhiều tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng với mặt đường nhỏ hẹp.

Trong bối cảnh đó rất dễ bắt gặp tình trạng hàng loạt công trình công cộng như trường học, bệnh viện, nhà văn hóa, sân vận động... thi nhau bám sát trục đường, đe dọa nghiêm trọng sự an toàn giao thông đường bộ.

Không khó bắt gặp tình trạng học sinh nhan nhản đạp xe trên quốc lộ, phụ huynh đưa rước học sinh trước cổng trường tràn ra cả quốc lộ trong khi nơi đây không hề có bất kỳ bộ phận phân cách hay đường gom nào theo quy chuẩn, tai nạn rõ ràng đang rình rập.

Cần những giải pháp trước mắt

Tình trạng chợ bám cầu, công trình công cộng bám các trục giao thông huyết mạch tạo ra những ẩn họa giao thông rình rập là hệ quả của quá trình phát triển tự phát hoặc tư duy quy hoạch lỗi thời.

Trong khi chờ đợi những giải pháp căn cơ về quy hoạch, thiết nghĩ cần có những giải pháp trước mắt nhằm hạn chế tối đa tai nạn thương tâm mà việc tổ chức hệ thống đường gom, những dải phân cách cứng “cách ly” các công trình công cộng khỏi trục đường giao thông hiện hữu là một trong những giải pháp đơn giản, hiệu quả.

KTS LÊ CÔNG SĨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên