Theo Hãng tin AFP, tên lửa siêu vượt âm có khả năng bay ở độ cao thấp, khó bị phát hiện hơn so với tên lửa đạn đạo thông thường, tốc độ tiếp cận mục tiêu nhanh chóng, và có khả năng đổi mục tiêu giữa chừng.
Ngoài Ấn Độ, các quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc và Triều Tiên đã thử nghiệm công nghệ vũ khí tiên tiến này, trong khi nhiều quốc gia khác vẫn đang phát triển.
"Ấn Độ đã đạt được cột mốc quan trọng khi thử nghiệm thành công tên lửa siêu vượt âm tầm xa", Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh tuyên bố trong thông cáo báo chí ngày 17-11.
Khoảnh khắc lịch sử: Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa siêu vượt âm đầu tiên
Cuộc thử nghiệm diễn ra tại đảo Abdul Kalam, ngoài khơi bờ biển phía đông Ấn Độ vào ngày 16-11. Theo hình ảnh từ Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO), tên lửa với thiết kế thon gọn đã rời bệ phóng, tạo nên luồng sáng rực trên bầu trời đêm.
"Đây là một khoảnh khắc lịch sử, đánh dấu bước tiến lớn đưa Ấn Độ vào nhóm các quốc gia sở hữu công nghệ quân sự tiên tiến và quan trọng bậc nhất", Bộ trưởng Quốc phòng Singh nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, thông tin chi tiết về loại tên lửa này chưa được công bố.
Cuộc thử nghiệm của Ấn Độ diễn ra ngay sau khi Trung Quốc phô diễn năng lực quân sự hàng không tại một triển lãm lớn. Sự kiện này có sự xuất hiện của máy bay chiến đấu tàng hình J-35A và các thiết bị bay không người lái tấn công.
Đáng chú ý, Trung Quốc còn lần đầu ra mắt hệ thống tên lửa đất đối không HQ-19, được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo và phương tiện bay siêu vượt âm.
Trong bối cảnh khu vực ngày càng căng thẳng, Ấn Độ đã tăng cường hợp tác quốc phòng với các quốc gia phương Tây, đặc biệt trong nhóm Bộ tứ (Quad) với Mỹ, Nhật Bản và Úc.
Song song đó, Ấn Độ vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga, đối tác cung cấp khí tài quân sự lớn. Gần đây, Ấn Độ đã mua hệ thống phòng không S-400 của Nga với giá trị hàng tỉ USD, bất chấp nguy cơ bị Mỹ trừng phạt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận