Phóng to |
Vụ biểu tình ngày 27-8 tiếp nối hai vụ tuyệt thực rầm rộ của nhà hoạt động chống tham nhũng nổi tiếng Anna Hazare và chuyên gia yoga Baba Ramdev. AFP mô tả hàng trăm người là thành viên của Tổ chức Chống tham nhũng Ấn Độ, do nhà hoạt động Hazare dẫn đầu, đã xuống đường ở thủ đô New Delhi để bày tỏ sự tức giận trước những sự mờ ám trong việc bán rẻ mỏ than không thông qua đấu thầu công khai, minh bạch. Tâm điểm của vụ bê bối này là Thủ tướng Manmohan Singh, người từng nắm giữ vai trò bộ trưởng ngành than từ năm 2004 đến 2009 - thời điểm tập trung nhiều vụ mua bán loại này.
Cảnh sát đã sử dụng dùi cui, hơi cay để giải tán những người biểu tình và dùng vòi rồng giải tán đám đông đang cố bao vây tư dinh Thủ tướng Singh và Chủ tịch Đảng Quốc đại Sonia Gandhi. Cảnh sát cũng bắt giữ nhiều người nằm dài trên con đường dẫn vào nhà các quan chức.
Thiệt hại 34 tỉ USD
Dư luận Ấn Độ sôi sục kể từ tuần trước, khi một báo cáo của các kiểm toán viên nhà nước tiết lộ Ấn Độ bị thiệt hại ít nhất 34 tỉ USD từ việc bán rẻ những mỏ than cho các công ty tư nhân. Reuters dẫn nguồn Cơ quan Tổng kiểm toán (CAG) cho biết những mỏ than được bán rẻ đã không được khai thác hoặc bị sang nhượng lại để kiếm lợi. Trong một báo cáo bị rò rỉ hồi đầu năm, số tiền mà các công ty tư nhân kiếm được từ các vụ mua bán hời này lên đến 211 tỉ USD.
Trong nhiều năm, Ấn Độ đã trực tiếp sang nhượng các mỏ than cho những công ty sử dụng nhiều năng lượng như sản xuất sắt thép hay ximăng, theo đề xuất của chính quyền địa phương. Từ năm 2004, chính phủ tuyên bố sẽ áp dụng các hình thức đấu giá để tăng cường minh bạch, nhưng đến nay vẫn chưa áp dụng. Tổng cộng 195 khu mỏ với trữ lượng 44,23 tỉ tấn đã được giao cho nhiều dự án công nghiệp. Nhưng đến nay chỉ có 28 dự án đang hoạt động với tổng công suất đầu ra khoảng 38 triệu tấn mỗi năm.
Dù sở hữu trữ lượng than dồi dào, ước tính thuộc hàng lớn nhất thế giới, song nguồn cung ứng than lại không thể đáp ứng được nhu cầu của nước này vốn sử dụng than để tạo ra 2/3 năng lượng toàn quốc. Việc thiếu hụt đã đẩy Ấn Độ tìm đến nguồn than từ Úc, Nam Phi... Tháng trước, hơn một nửa dân số Ấn Độ đã sống trong bóng tối sau khi mạng lưới điện bị quá tải.
Theo CNN, Thủ tướng Singh tuyên bố sẽ chịu mọi trách nhiệm về quyết định cấp các mỏ than của mình, nhưng cho rằng báo cáo của CAG là “không chắc chắn”, “thiếu căn cứ” và bác bỏ yêu cầu từ chức. Bộ trưởng ngành than Shriprakash Jaiswal cũng tuyên bố “không làm gì sai trái”. Cục Điều tra trung ương Ấn Độ đã vào cuộc để làm sáng tỏ nghi vấn cho rằng các quan chức nhà nước đã đồng lõa với các công ty tư nhân để bán rẻ mỏ than. Báo cáo điều tra dự kiến được cục này đưa ra vào đầu tháng 9.
Ngăn cản quốc hội hoạt động
Phe đối lập đã gây sức ép buộc Thủ tướng Singh từ chức. Đảng đối lập chính Bharatiya Janata Party (BJP) tuyên bố sẽ tiếp tục ngăn cản quốc hội hoạt động trở lại cho đến khi ông Singh ra đi. “Ông ta chỉ đưa ra những lời biện hộ để che giấu sự thật” - người phát ngôn Prakash Javdekar của BJP nhận định.
Trong khi đó, lãnh đạo đảng Arun Jaitley cho rằng nếu chỉ đối chất trong nội bộ quốc hội thì sẽ làm “chìm xuồng” một trong những vụ bê bối nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Theo báo The Hindu, ông Arvind Kejriwal, lãnh đạo phong trào biểu tình, yêu cầu công bố tên của những thủ hiến và các công ty liên quan đến vụ bê bối bán rẻ mỏ than.
Người dân Ấn Độ đang rất bức xúc sau hàng loạt bê bối tham nhũng gần đây. Một trong những vụ nghiêm trọng nhất là ngành viễn thông năm ngoái làm thiệt hại 40 tỉ USD và khiến bộ trưởng ngành này ngồi tù 15 tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận