22/05/2019 11:01 GMT+7

Ăn đất, ăn tất, ăn như xáng xúc

Tuổi Trẻ Cười
Tuổi Trẻ Cười

TTO - Về chuyện ăn (hiểu theo nghĩa bóng), hiện nay có câu nói quen thuộc, phổ biến: “Ăn giày, ăn tất, ăn cả đất xung quanh”. Một khi nói đến tất/ ăn tất, tất nhiên ta nghĩ đến hành động ăn tất cả, ăn tất tần tật, không bỏ sót mảy may.

Ăn đất, ăn tất, ăn như xáng xúc - Ảnh 1.


Trước năm 1975 ở miền Nam, nhằm chỉ những kẻ ăn hối lộ cỡ gộc có câu "Ăn như hạm". Hạm, nếu tra Đại từ điển tiếng Việt (1999), kể cả Việt Nam tự điển (1931), ta chỉ thấy có nghĩa: Tàu chiến loại lớn như hàng không mẫu hạm, tuần dương hạm... Do tàu có sức chứa lớn, thừa sức "nuốt chửng" vũ khí lẫn binh lính; từ đó mới có cách nói vay mượn như vậy chăng?

Thật ra, hạm là thứ cọp lớn, từ 1895, Đại Nam quấc âm tự vị đã ghi nhận. Tục ngữ có câu "Khỏi hùm phải hạm", ta thấy hùm/ hạm đều là danh từ cùng loại. "Ăn như hạm" nói cách khác là ăn như cọp.

Đặc biệt ở miền Nam còn có cách nói ấn tượng: "Ăn như xáng xúc, làm như lục bình trôi". Hai từ xúc và trôi "đối chọi" nhau đã cho thấy sự tréo ngoe giữa ăn và làm.

Thử hỏi, xáng là gì?

"Máy trang bị cần cẩu gắn cái gàu to để cạp xúc lượng bùn đất lớn, nạo vét kinh rạch sông ngòi" (Bùi Thanh Kiên - Phương ngữ Nam bộ). Với giải thích này, ta hiểu "Xáng: phương tiện di chuyển dưới nước, dùng để đào kênh, vét bùn" (Huỳnh Công Tín - Từ điển từ ngữ Nam Bộ); tuy nhiên, tại sao gọi là xáng, ai có thể trả lời chắc cú? Do tò mò, tôi đã tra nhiều sách vở nhưng rồi vẫn không thể tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Chỉ dám quả quyết xáng chỉ mới xuất hiện từ nửa cuối thế kỷ 19 tại vùng đất phương Nam.

Theo nhà văn Sơn Nam, "Sau khi đánh chiếm ba tỉnh miền Đông, từ năm 1860, người Pháp đã dùng hai chiếc xáng máy vét lại lòng rạch Bến Lức và sông Bảo Định (Mỹ Tho)".

Từ đó trở về sau, ta quen gọi kinh Xáng là con kinh do xáng đào chứ không phải đào bằng tay như trước kia. Từ xáng, còn có các từ phái sinh như xáng cạp, xáng múc/ xáng thổi, xáng xúc... "Kinh Xáng mới đào, tàu Tây mới chạy/ Thương em thương đại, đừng ngại gần xa".

Nhà văn Sơn Nam còn cho rằng xáng đã tạo ra "Văn minh kinh xáng", chứng tỏ trong thời đại mà đường bộ, đường hàng không phát triển mạnh, các con đường thủy vẫn đóng vai trò quan trọng" (Tìm hiểu đất Hậu Giang, tạp chí Văn Hóa Á Châu số 1-1959 - tr.87).

Thế nhưng, do đâu lại có từ xáng, liệu có phải là từ vay mượn? Việt Nam tự điển (1970) của Lê Văn Đức cho biết xáng là từ tiếng Pháp "chaland" mà ra, ta quen đọc sà lan - tức "Tàu lớn không mui để chở đồ, đưa người qua sông..." (Việt Nam tân từ điển - 1965). Từ điển Việt - Hoa - Pháp của Eugène Gouin (1957) lại giải thích: "Xáng: canot (xuồng)". Xét ra, chaland và canot không phản ánh được tính cách của xáng như ta đã biết.

Trong khi đó, nhà ngôn ngữ Lê Ngọc Trụ lại cho rằng xáng là từ nôm: "máy vét bùn, sông đào: hãng xáng, kinh xáng", không liên quan gì đến sự vay mượn. Nếu thế, tôi lại phân vân vì sao quyển từ điển tiêu biểu nhất cho lời ăn tiếng nói của Nam Bộ như Đại Nam quấc âm tự vị (1895) lại bỏ sót? Và tự điển do người Bắc soạn như Việt Nam tự điển (1931) của Hội Khai trí tiến đức, chỉ có "xán" hiểu theo nghĩa "ném, quăng" cũng na ná cách giải thích của Đại Nam quấc âm tự vị: "Đập xuống, đánh bể", chứ cả hai đều không có từ mục "xáng". Nhân đây xin nói luôn với nghĩa trên, hiện nay nhiều từ điển chấp nhận cả hai cách ghi xán/xáng.

Rõ ràng, để hiểu ngọn ngành mỗi từ "xáng" cũng không dễ dàng.

Ta hãy trở lại với ăn như hạm/ ăn như cọp. Ừ, với con cọp mọi thứ đều ăn tuốt/ ăn tuốt luốt/ ăn tuốt tuồn tuột - thế nhưng trong ngữ cảnh "Ăn giày, ăn tất" thì tất ở đây chính là vớ, tất thường được sử dụng khi mang giày, mang cho ấm chân. Thông thường đã đi giày thì phải mang thêm tất. Trong một bài phú, nhà thơ Tú Xương cho biết: "Ra phố nghênh ngang, quần tố nữ, bít tất tơ, giày Gia Định bóng". Vậy, xin hỏi luôn tất/ bít tất có phải từ vay mượn?

Theo Việt ngữ chính tả tự vị của Lê Ngọc Trụ: "Bít (tất) là bí tất đọc trại - chánh chữ là tế tất, (chữ tế, giọng Trung Hoa đọc là pí) là đồ che đầu gối khi quỳ lạy; đồ mang dưới chưn; đôi vớ". Trong khi đó, Việt Nam tân từ điển (1965) của Thanh Nghị lại cho rằng bít tất vay mượn từ tiếng Pháp: "(bas, chaussette), vớ, tất". Cách giải thích của Lê Ngọc Trụ hợp lý hơn chăng?

Lê Minh Quốc

Tuổi Trẻ Cười
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên