![]() |
Những tiệm bán heo quay, gà quay nay chỉ còn bán heo quay |
Từ các quán phở gà đổi sang bò
Cả khu phố chuyên bán các món ăn từ gà trên đường Bàu Cát (Q.Tân Bình, TP.HCM) vắng vẻ đìu hiu. Chủ các quán lấy băng keo dán gạch chéo lên tên những món ăn gà trên bảng hiệu: gà ác tiềm thuốc bắc, xúp gà, gỏi gà, cơm gà quay... Một chủ quán than thở: “Trước đây mỗi ngày bán trên trăm con gà ác tiềm thuốc bắc, giờ chỉ bán tim, óc, cật heo tiềm thuốc bắc. Món này cũng ngon nhưng không mấy người ăn!”.
Quán cơm gà Hồng Phát, Nam Phát trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình) cũng rất vắng khách. Ai cũng biết cơm gà ngon nhờ nấu bằng nước luộc gà, xối thêm mỡ gà vào cơm. Nay những chú gà béo vàng treo trong tủ kính của các quán cơm này đã thay bằng vài miếng thịt heo quay lèo tèo nên quán vắng teo!
Khách tạt ngang nhìn vào quán, nhân viên đã chạy vội ra mời: “Không có cơm gà, có cơm heo quay, xá xíu với phá lấu ngon lắm!”, nhưng vẫn không có mấy khách vào ăn. Thu nhập của các quán cơm gà đã giảm đến 70-80%.
Các quán phở gà cũng điêu đứng không kém. Những quán phở gà nổi tiếng giờ phải chuyển sang bán phở bò.
Quán phở gà Hương Bình nằm trên đường Võ Thị Sáu (Q.3) nay buộc phải chuyển sang bán phở bò, phải tăng giá phở bò từ 13.000đ lên 15.000đ/tô vì giá thịt bò ở chợ vẫn đứng cao, khoảng 100.000-110.000đ/kg”.
Nhiều quán phở bình dân ở các quận vùng ven cũng tăng giá phở bò từ 6.000đ lên 7.000đ/tô, hoặc giữ nguyên giá nhưng tô phở “teo” hẳn lại vì “phải rút bớt bánh phở và thịt bò thì mới có lời”.
Các phố bán gà nướng, gà vịt quay ngon nổi tiếng ở vòng xoay Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh) và đường Tạ Uyên (Q.5) trước kia nườm nượp khách đặt mua gà vịt quay, nay dù heo quay đỏ giòn treo đầy tủ nhưng khách vắng hẳn. Một chủ tiệm lo lắng: “Người ta ăn gà quay nhiều hơn heo quay. Cứ tình hình dịch bệnh thế này làm sao buôn bán?”.
Đến KFC thành... KFF
Sau 13 ngày đóng cửa, sáng 31-1 chín cửa hàng bán thức ăn nhanh chuyên gà của KFC (tại TP.HCM) đã đồng loạt mở cửa trở lại, với bảng thực đơn trên đó ở món ăn liên quan đến gà đều có ghi dòng chữ “temporary unavailable” (tạm thời ngưng phục vụ).
Các món gà rán, hamburger gà nay đã thay thế bằng cá lăn bột chiên, burger cá, hotdog xông khói, các loại spaghetti dùng chung với nước xốt thịt heo, thịt bò hoặc nấm. Có thể nói KFC (Kentucky fried chicken - gà rán Kentucky) đã tạm đổi là KFF (Kentucky fried fish - cá rán Kentucky.
Tổng giám đốc KFC VN Pornchai Thuratum cho biết: “Trước đây mỗi ngày trung bình KFC tiêu thụ khoảng 1.000 con gà. Không có gà, thoạt đầu chúng tôi không biết phải dùng món gì để phù hợp với tiêu chuẩn của KFC và phải nhận được sự chấp thuận của franchiser (tạm dịch là người chủ thương hiệu)”. Theo ông Thuratum, KFC VN dự kiến ảnh hưởng của dịch cúm gà còn kéo dài nên đã đề nghị franchiser tăng thêm một số món ăn khác để phục vụ người tiêu dùng.
Các cửa hàng fastfood khác tại TP.HCM như: Chicken town, Manhattan, Lotteria và chuỗi ba cửa hàng thức ăn nhanh Jolibee (Philippines) không đóng cửa mà vẫn hoạt động cầm chừng.
Giám đốc điều hành nhãn hiệu Jolibee Vũ Xuân Chính cho biết thực đơn được chế biến từ gà chiếm hơn 30% trong tổng thực đơn của nhãn hiệu này nên việc không dùng thịt gà cho khách đã phần nào ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Hiện nay Jolibee tập trung cho các món burger bò, ragu bò, spaghetti, càri... chế biến với thịt bò hoặc thịt heo.
Và các khách sạn cũng phải đổi mới thực đơn
Tại khách sạn Bông Sen, toàn bộ món ăn từ thịt gà, trứng gà, chim cút, bồ câu... trong menu đã được thay bằng những món ăn được làm từ thịt bò, heo, hải sản... Tuy nhiên, ông Trần Kim Long - giám đốc khách sạn - cho biết khó khăn nhất vẫn là loại thức ăn được làm từ trứng gà: “Với khách châu Âu, bữa ăn sáng thì trứng gà hết sức quan trọng bởi họ thường ăn sáng với các món như trứng gà ốp la..., nay chúng tôi phải chuyển sang các món ăn thuần túy VN như phở, bún bò...”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các khách sạn lớn tại TP.HCM, trong toàn bộ món ăn chính trước đây món ăn có sử dụng thịt gà đang chiếm 15-30%, đó là chưa kể những món ăn có sử dụng trứng.
Nhiều đầu bếp cho rằng đây là một tỉ lệ khá lớn trong hệ thống menu của các khách sạn, đặc biệt là với nhiều thực khách quốc tế, thịt gà được xem là một trong những món ăn không thể thiếu. Ông Trần Kim Long kể: “Mặc dù chúng tôi không đưa các món gà vào thực đơn nhưng nhiều vị khách vẫn cứ gọi theo thói quen ẩm thực, báo hại nhân viên phải liên tục đứng ra giải thích!”.
“Giá thịt bò, cá, hải sản trong mấy ngày qua lên cao đã khiến giá thành các món ăn hiện nay tăng khoảng 20%. Nhưng để giữ khách chúng tôi đã không tăng giá bán, đồng thời cho họp các bộ phận bếp của các khách sạn để thống nhất đưa ra những món ăn mới hợp khẩu vị với đa số thực khách từ nhiều quốc tịch khác nhau!”, trưởng phòng nghiệp vụ ẩm thực cụm các khách sạn Quê Hương, ông Nguyễn Vinh Toàn, cho hay.
Một số khách sạn khác hiện nay còn đưa thêm các loại thịt được mệnh danh là “thịt gà đồng quê” như: ếch, lươn... vào chế biến và đã được nhiều thực khách từ các nước châu Á nhiệt tình ủng hộ.
Tại khách sạn Bông Sen, ông Trần Kim Long cho biết các đầu bếp ở đây đang chuẩn bị cho ra loại thức uống để phòng chống lại bệnh cảm, cúm. “Nguồn nguyên liệu làm cho loại thức uống trên có thể sử dụng từ gừng, chanh, tỏi... chắc chắn khi sử dụng thực khách sẽ an tâm hơn rất nhiều!” - ông Long nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận