17/11/2022 11:07 GMT+7

Âm nhạc xoa dịu nỗi đau trẻ khiếm khuyết

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Bằng tình yêu và sự thấu hiểu, sau gần chục năm làm nghề, thầy Lê Quang Hải (33 tuổi), giáo viên bộ môn âm nhạc tại Trường chuyên biệt Tương Lai cơ sở 2 TP Đà Nẵng, đã có những sáng tạo và đóng góp tích cực cho việc dạy và học trẻ khiếm khuyết.

Âm nhạc xoa dịu nỗi đau trẻ khiếm khuyết - Ảnh 1.

Tiết học âm nhạc của thầy Hải luôn hào hứng với học sinh - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Thầy Hải đã sáng tạo nhiều loại nhạc cụ mới lạ để dạy học cho trẻ và luôn chú ý những chi tiết nhỏ nhất của học sinh để phát hiện năng khiếu đặc biệt của trẻ khiếm khuyết.

"Cú sốc"

Tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm âm nhạc Huế năm 2010, Lê Quang Hải làm việc ở phòng văn hóa - văn nghệ tại một công ty. Đến năm 2013, anh tình cờ đọc được tin Trường chuyên biệt Tương Lai đang tuyển giáo viên trên một tờ báo và nộp đơn ứng tuyển, rồi gắn bó với trường đến tận bây giờ.

Đa số học sinh của trường là trẻ khuyết tật trí tuệ nên liên tục quấy và không chịu hợp tác, có em có hành vi đập cửa kính, ngửi mùi tất, lục thùng rác, thậm chí có em đi vệ sinh ngay trong lớp. "Tất cả đối với tôi - một thầy giáo trẻ là cú sốc lớn, vượt xa những tưởng tượng ban đầu của tôi" - thầy Hải nhớ lại.

Từ sự động viên của gia đình và giúp đỡ của đồng nghiệp, lãnh đạo nhà trường, thời gian chật vật, khó khăn nhất của thầy Hải trong nghề dạy học cũng sớm qua. 

Từ xa lạ, thầy dần thấy yêu, thấy thích và cảm thương với hoàn cảnh của các em. Các bạn học sinh cũng mến thầy. Đâu đó sâu trong trái tim thầy Hải chợt nhen lên quyết tâm sẽ ở lại nơi này và gắn bó với các em.

Không mong học trò nhớ

Không mong học trò nhớ, không mong học trò của mình sẽ làm được những điều quá lớn lao, thầy Hải tâm niệm chỉ cần đối với các em, mỗi ngày đến trường là một ngày vui, thầy được giúp các em vận động, cho các em cười, các em nói là cuộc sống đã hạnh phúc rồi.

Vui vì niềm vui của trò

Học sinh Trường chuyên biệt Tương Lai độ tuổi trung bình từ 12-15, cũng có em nhỏ nhất chỉ mới 6 tuổi, em lớn nhất đã tuổi 22 nhưng tuổi trí tuệ của các em còn cách xa tuổi thực. Nhiều em đã lớn nhưng trí tuệ vẫn như đứa trẻ lên 3.

Thầy Hải cho biết với những em tuổi còn nhỏ, các em sẽ học nhiều về những kỹ năng tự phục vụ như xúc cơm ăn, mặc áo, đi giày, đội mũ bảo hiểm... lớn hơn mới bắt đầu tham gia lớp âm nhạc của thầy.

Cách dạy học cho trẻ khuyết tật cũng khác biệt so với dạy học thông thường bởi khả năng tiếp thu của các em khác nhau. Trong tiết học môn âm nhạc, thầy Hải thường chọn những bài hát gần gũi với các em nhất, chẳng hạn như Cả nhà thương nhau, Đi học về, Mẹ yêu không nào...

"Một bài hát nếu ở trường ngoài chỉ học có một tiết và một tiết ôn lại, nhưng trường chuyên biệt thì phải dạy gần chục tiết. Sau bài học có những em hát được nhưng cũng có một số em không nhớ gì, vì vậy phải dạy đi dạy lại" - thầy Hải chia sẻ.

Trong quá trình dạy học, thầy Hải đã có những sáng tạo thu hút học sinh chú ý và yêu thích âm nhạc hơn. Các phím đàn được thầy tô màu, dán lên những hình thù dễ nhớ để trẻ dễ nhận biết. 

Thầy cũng tự chế nhiều nhạc cụ độc đáo và dễ dùng với học trò khiếm khuyết như lấy hai thanh tre vót nhẵn làm thanh phách gõ nhịp, cắt lon bia làm đôi bỏ ít gạo vào rồi gắn lại tạo thành nhạc cụ cho các em... Chính những sáng tạo nhỏ ấy khiến tiết âm nhạc của thầy Hải trở nên thu hút học trò.

Trong gần 10 năm đứng lớp, học sinh mà thầy Hải đã giúp đỡ thay đổi nhiều nhất có lẽ là em Nguyễn Đức Minh Khang (13 tuổi). Khang mắc chứng tự kỷ nhẹ và bàn tay của em rất yếu. 

Ban đầu thầy cho bạn tập đàn organ vì muốn giúp bạn rèn luyện đôi tay vững, từ đó mới phát hiện ra Khang có năng khiếu về âm nhạc. Qua hai năm luyện tập, bây giờ Khang đã có thể đàn được hàng chục bài hát với nhiều bài khó.

Dù nói chưa rành mạch nhưng khi hỏi có yêu người thầy của mình không, Khang cười và đáp ngay: "Con thương thầy Hải lắm, thầy rất thương con. Thầy dạy con nhiều bài đàn Ka chiu sa, Con bướm xuân nữa".

Niềm vui lớn nhất của một người thầy dạy âm nhạc cho trẻ khiếm khuyết cũng giản đơn lạ thường. Mỗi lần có cuộc thi văn nghệ, nhìn thấy học trò của mình trên sân khấu nở nụ cười và hoàn thành bài hát, bản đàn là tim thầy lại rộn ràng.

Nhà giáo tiêu biểu

Với những đóng góp của mình, thầy Hải đã nhận được nhiều giải thưởng như Chiến sĩ thi đua cơ sở năm học 2020-2021; đạt thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2020; đoạt giải thưởng "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác" năm 2020. Thầy Hải là một trong 24 tấm gương nhà giáo tiêu biểu của TP Đà Nẵng năm 2021.

Nghề khác có thể bỏ việc đi kiếm sống, nhưng nghề giáo rất thiêng liêng! Nghề khác có thể bỏ việc đi kiếm sống, nhưng nghề giáo rất thiêng liêng!

TTO - Cô giáo đã có 36 năm gắn bó với nghề xúc động chia sẻ dù những ngành nghề khác có thể bỏ việc để kiếm sống, nhưng nghề giáo rất thiêng liêng!

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên