25/08/2019 09:37 GMT+7

Âm nhạc - 'món ngon' trên bàn tiệc của Quentin Tarantino

HIỀN TRANG
HIỀN TRANG

TTO - Bên cạnh những cốt truyện phi tuyến tính, những cảnh bạo lực không ghê tay và sự mê say với văn hóa đại chúng, âm nhạc là món không thể thiếu trên bàn tiệc điện ảnh ngồn ngộn của Tarantino.

Âm nhạc - món ngon trên bàn tiệc của Quentin Tarantino - Ảnh 1.

Âm nhạc cũng là một nhân vật chính trong các tác phẩm điện ảnh của Quentin Tarantino. Trong ảnh: Brad Pitt trong phim Once upon a time in... Hollywood - Ảnh: IMDb

Once Upon a Time... in Hollywood (Chuyện ngày xưa ở... Hollywood, đang chiếu tại VN) không chỉ có một danh sách diễn viên toàn sao, mà còn có cả một danh sách nhạc phim dài dằng dặc toàn sao nữa.

Còn nhớ trong Kill Bill: Volume 2 - một siêu phẩm của Quentin Tarantino, có một cảnh nữ sát thủ muốn hoàn lương Beatrix Kido khi gặp lại người tình cũ Bill ngay trước thềm đám cưới của mình. Bill hỏi Beatrix rằng người chồng mới của cô làm nghề gì, Beatrix say mê kể về Tommy - một chủ hiệu bán đĩa nhạc nơi cô đang làm nhân viên, và cô mỉm cười: "Anh ấy rất mê nhạc". Bill đáp lại cạnh khóe: "Ai mà chẳng thế".

Không biết có phải ai cũng thế hay không, nhưng Tarantino thì chắc chắn là thế.

Once Upon A Time in Hollywood - Official trailer

"Chuyện ngày xưa" trong âm nhạc

Once Upon a Time... in Hollywood không phải ngoại lệ. Thậm chí có lẽ đây là bộ phim với liều lượng âm nhạc đậm đặc hơn bất cứ bộ phim nào trước đó của ông. Người ta nói đó là một bộ phim riêng tư nhất của Tarantino, hay có thể diễn dịch lại đó là bộ phim trưng bày những gì Tarantino thích và thích không kiềm chế được.

Như cảnh sau khi Cliff Booth (Brad Pitt) chở ông bạn Rick Dalton (Leonardo DiCaprio) về, gã quay đầu xe và đánh võng một quãng đường dài để đi về nhà.

Chẳng có chuyện gì diễn ra trong phân cảnh dài phải tới ba, bốn phút đó, ngoài việc âm nhạc trên đài cứ lần lượt nổi lên như một điệu jazz đậm chất Los Angeles, bản Hector của nhóm nhạc địa phương The Village Callers, rồi là một bản rock điển hình của thập niên 1960, Ramblin, gamblin’ man của Bob Seger, tiếp đó là vài giây The house that Jack built - mà theo Tarantino, đã ngốn không ít kinh phí làm phim - của Aretha Franklin.

Đến mức mà ngay cả khi Cliff đã về đến nhà, mở tivi lên thì cũng là danh ca Robert Goulet đang hát nghêu ngao.

Âm nhạc - món ngon trên bàn tiệc của Quentin Tarantino - Ảnh 3.

Cảnh phim Once Upon A Time in Hollywood

Và nếu ai đó phàn nàn nàng minh tinh nửa mùa Sharon Tate (Margot Robbie) dường như chẳng có vai trò trong cả tuyến truyện, thì từ từ đã, nếu không có cô mở Good thing của Paul Revere & the Raiders trong khi Cliff đang sửa ăngten trên mái nhà, thì làm sao mà giai điệu ấy có thể trôi đến tai Cliff, khiến gã chợt nhớ về cái thời xưa toàn "điều tốt đẹp" khi gã cho Lý Tiểu Long "ăn hành"?

Và cảnh Cliff tẩn Lý Tiểu Long, chẳng nghi ngờ gì nữa là một trong những cảnh đã đời nhất phim.

Hay một cảnh nhỏ thôi, sau khi dọa cho tay hippie sợ tóe khói và bắt y sửa cái lốp xe xịt ngóm của mình, Cliff thong thả lên xe lái đi. Tiếng California Dreamin vang lên, bản của Jose Feliciano du dương và mơ màng: "Tất thảy lá đã ngả nâu. Và bầu trời màu ghi xám. Tôi dạo bộ trong một ngày đông. Nếu ở L.A lúc này tôi đã an toàn và ấm áp".

Còn trên màn hình thì ngược lại, Cliff đang ở đâu ngoài Los Angeles, lái xe dưới cái nắng vàng rộm ấm áp của một mùa hè, có thể không an toàn lắm nhưng chẳng ai làm gì được gã?

Và khi xem tới cuối, cái kết mang tính trả thù cá nhân của Quentin Tarantino lên sự thật lịch sử phũ phàng khiến cho Once Upon a Time... in Hollywood, xét cho cùng cũng là một giấc mơ California.

Cho nên, có lẽ không hề thậm xưng khi cho rằng âm nhạc cũng là một nhân vật chính trong tác phẩm. Và bộ phim không chỉ là chuyện ngày xưa ở Hollywood mà còn là chuyện ngày xưa trong âm nhạc.

Âm nhạc - món ngon trên bàn tiệc của Quentin Tarantino - Ảnh 4.

Hai diễn viên Uma Thurman và Lucy Liu đấu kiếm dưới một bản flamenco rộn ràng trong Kill Bill - Ảnh: IMDb

"Có âm nhạc, rồi mới có phim"

Mỗi đạo diễn lớn đều có một kiểu làm phim "dị" của riêng mình. Với Tarantino, sự dị nằm ở chỗ ông thừa nhận mình không làm phim rồi mới nghĩ đến âm nhạc, mà là có âm nhạc rồi mới có bộ phim. Khi bắt đầu một dự án điện ảnh, ông thường rà lại đống đĩa nhạc của mình, nghe chúng và từ đó định hình tính cách của tác phẩm.

Quentin Tarantino chẳng từ một thể loại nào, chẳng cứ gì jazz hay rock. Ông dí dỏm mở bản nhạc pop thời thượng Girl, you'll be a woman soon - Cô bé, em sẽ sớm thành một người đàn bà - khi cô vợ duyên dáng của một tay gangster trong Pulp Fiction lên cơn sốc thuốc, máu mũi đầm đìa.

Ông bắt đầu Inglourious Basterds bằng Fur Elise của Beethoven. Trong Kill Bill, ông để Uma Thurman và Lucy Liu đấu kiếm trong khu vườn Nhật Bản tuyết rơi, dưới một bản flamenco rộn ràng của Santa Esmeralda, và khi Lucy Liu bị cắt phăng phần thùy não, bản tình ca Đóa hoa tàn sát của Meiko Kaji cất lên buồn bã và bi thương.

Với ông thì một bản nhạc phim có thể được xử lý tốt đến mức mà bạn không còn có thể sử dụng bài ấy vào bất cứ chỗ nào khác. Lúc này bài hát đã thuộc về bộ phim. Như cách Quentin Tarantino đã làm với Stuck in the middle with you của Stealers Wheel - một ban nhạc Scotland gần như đã rơi vào quên lãng.

Cụ thể đó là ở bộ phim đầu tay của ông - Reservoir Dogs, khi viên cảnh sát Marvin Nash bị nhốt trong căn phòng tối, bị trói chặt trên một chiếc ghế, miệng dán băng keo. Và tay tội phạm Blonde mở đài, đang chơi tới bài Stuck in the middle with you hết sức rộn ràng, Blonde tay cầm con dao cạo, nhảy theo điệu nhạc, và một cách man rợ gã cắt đi cái tai của viên cảnh sát.

Thú vị là sau khi Blonde rời khỏi căn phòng, tiếng nhạc ngưng bặt, chỉ còn tiếng lũ trẻ con đang chơi ngoài đường, và khi gã bước vào để tẩm xăng với ý định thiêu sống Nash, tiếng nhạc lại vang lên, như thể bài hát ấy chỉ tồn tại trong căn phòng ấy. Nash và Blonde bị "mắc kẹt" trong căn phòng với nhau, còn Stuck in the middle with you cũng bị "mắc kẹt" mãi mãi với Reservoir Dogs.

Nhân vật trôi trong âm nhạc

Trong Once Upon a Time... in Hollywood, toàn bộ những gì tinh túy nhất của thập kỷ 1960 - thời đại vàng trong âm nhạc - được Tarantino "nhồi nhét" vào từng ngóc ngách của bộ phim: The Rolling Stones, Simon & Garfunkel, Neil Diamond, Deep Purple, cả tay sát nhân kiêm nhạc sĩ thất bại Charles Manson nữa, không thiếu một ai.

Các nhân vật, dù tuyến truyện có phân kỳ đến đâu, đều có điểm chung: họ như trôi lơ lửng trong âm nhạc.

Once Upon a Time in... Hollywood: Đáng xem từng phút hay quá chán? Once Upon a Time in... Hollywood: Đáng xem từng phút hay quá chán?

TTO - Bộ phim được khán giả yêu điện ảnh chờ đợi của đạo diễn Quentin Tarantino, với dàn sao Leonardo DiCaprio, Brad Pitt và Maggot Robbie gần như gây chia rẽ trong khán giả khi rời rạp chiếu.

HIỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên