08/01/2018 16:24 GMT+7

Ám ảnh thi giáo viên giỏi không được 'đi không trở về không'

TIÊU NHI
TIÊU NHI

TTO - Phiên họp hội đồng đầu năm 2018, giáo viên chúng tôi nức lòng khi được thông báo Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thị xã tạm dừng.

Ám ảnh thi giáo viên giỏi không được đi không trở về không - Ảnh 1.

Dù thông báo nói "Phòng giáo dục sẽ thông báo thời gian thi sau", chúng tôi vẫn thấy như trút đi được một gánh nặng. 

Bởi thời điểm này học sinh vừa mới thi kết thúc đợt thi học kỳ 1, giáo viên đang lu bu không biết nhiêu là việc: nào chấm bài, nhập điểm, vào điểm sổ điểm lớn… Giáo viên chủ nhiệm thì càng "tối mặt tối mày hơn".

Tôi là một giáo viên với 13 năm trong nghề, nhưng không hề biết nguồn gốc của hội thi giáo viên giỏi bắt nguồn từ đâu, chỉ biết sau khi về trường công tác được 5 năm thì tôi có tên trong danh sách đi đầu tiên.

Hồi đó tôi chưa có gia đình, nhiệt huyết, sinh lực tràn trề. Khao khát được thể hiện mình, được cống hiến và quan trọng là được lập thành tích cho bản thân, cho tổ, cho nhà trường.

Phải nói mỗi giáo viên đi thi thật sự rất áp lực. Đầu tiên phải dạy hai tiết dạy ở trường có sự dự giờ của tổ để tổ trưởng góp ý, đồng nghiệp bổ sung. 

Khi được công nhận giáo viên giỏi cấp trường, có giấy chứng nhận của Ban giám hiệu, mới được lên thi cấp thị xã. Sau khi đoạt giải cao nhất ở cấp thị xã mới được chọn lên thi cấp tỉnh.

Nhớ lại chuyện tham gia hội thi giáo viên giỏi cấp thị xã, tôi không khỏi rùng mình. 

Có lần tôi đi thi, gặp một chị, chị hỏi to làm ai cũng bật cười: "Em mượn áo dài của ai vậy? Sao hai bên nách áo cư thùng thình ra thế?". Tôi tá hỏa nhìn lại, hóa ra do lo lắng và áp lực thi cử, tôi gầy sọp đi lúc nào không hay. Bây giờ nhớ lại vẫn cảm thấy buồn cười.

Tiêu Nhi

Một thời gian dài, tôi không ngủ ngon giấc vì phải suy nghĩ các ý tưởng cho tiết dạy, đặc biệt đặc thù của bộ môn ngữ văn, hai tiết dạy không được trùng một phân môn (bao gồm một văn bản, với một tiếng Việt hoặc một văn bản với một tập làm văn) và đòi hỏi ứng dụng công nghệ thông tin một 100%.

Mục tiêu đặt ra đối với giáo viên dự thi chúng tôi là thấp nhất phải được công nhận là giáo viên giỏi chứ không phải "đi không trở về không", nếu được giải cao hơn thì càng tốt.

Vì mục tiêu này mà làm khổ hầu hết giáo viên chúng tôi. Mải đầu tư cho hai tiết dự thi, việc dạy trên lớp bỏ bê, tổ trưởng phân công giáo viên dạy giúp và thế là tiết được tiết mất. Giáo viên đi thi vừa lo nơm nớp cho cuộc thi vừa lo cho các tiết dạy chính thức ở trường bị bỏ ngỏ.

Cách đây 5 năm, sau khi vượt qua kỳ thi lý thuyết, trước khi dạy một tiết dự thi, giáo viên chúng tôi phải vượt mấy mươi cây số đến một trường trong thị xã, làm quen với các em trong một lớp mới, hoàn toàn xa lạ.

Đây là điều thật sự khó khăn với giáo viên chúng tôi vì qua 1-2 buổi làm quen, cho dù có giỏi và nắm bắt tâm lý học sinh đến đâu cũng không tài nào biết được học lực của các em như thế nào và thế là chúng tôi trông chờ vào vận may. 

Câu nói "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò" quả không sai, vì đồng nghiệp của tôi gặp phải hoàn cảnh dở khóc, dở cười khi học sinh thỏa thuận với nhau: "Không phát biểu trong giờ dự thi của thầy đó".

Thế là trong suốt giờ dạy, đồng nghiệp của tôi "live show" một mình trên bục giảng. Đến giờ nhớ lại gương mặt thầy vẫn còn dấu vết của sự thê thảm.

Thi đậu, chúng tôi được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp thị xã. Nghe qua thì hoành tráng, nhưng trong lòng mỗi giáo viên chúng tôi rất sợ các cuộc thi. Vì chỉ qua 1-2 tiết dạy mà đánh giá cả một quá trình công tác của một giáo viên là không hợp lý. 

Hơn nữa giáo viên chúng tôi trước khi qua tuyển dụng đã có bằng cấp về chuyên môn và nghiệp vụ. Chúng tôi đến với nghề bằng lương tâm, nghề nghiệp với cả một quá trình lâu dài.

Tôi thiết nghĩ thời gian sẽ tôi luyện thêm kinh nghiệm, phương pháp, chuyên môn của mỗi giáo viên chúng tôi chứ không cần những cuộc thi tức thời như vậy.

TIÊU NHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên