05/12/2017 12:07 GMT+7

Ai nên đo mật độ xương?

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)

Chỉ nên đo mật độ xương ở những người có nguy cơ cao bị loãng xương hay người nghi bị loãng xương. Khi đó đo mật độ xương mới phát huy hết tác dụng của nó.

Ai nên đo mật độ xương? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: yhoccongdong.com

Ai nên đo mật độ xương?

Phụ nữ sau mãn kinh hoặc mãn kinh sớm, người già, mất xương tăng theo tuổi, những người có ông, bà, bố, mẹ bị loãng xương, những người có cuộc sống tĩnh tại, ít vận động. Bệnh nhân điều trị bằng corticoides kéo dài và thuốc chống co giật. Phụ nữ trẻ chán ăn do mắc chứng tâm thần. Nam giới uống nhiều rượu hoặc hút nhiều thuốc lá, những người thấp bé nhẹ cân hay chỉ số khối cơ thể dưới 19 (kg/m2). Mất chất khoáng và biến dạng đốt sống, những người mắc các bệnh nội tiết như suy giảm nội tiết tố, cường giáp hoặc điều trị bằng thuốc thyroxine, bệnh nhân mắc các bệnh khớp viêm mạn tính như viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp, bệnh nhân trước đó bị gãy khớp háng.

Trong điều trị loãng xương ở người cao tuổi cần lưu ý điều gì?

Phụ nữ thời kỳ sau mãn kinh, do giảm các hormon sinh dục nên hay mắc chứng bệnh loãng xương. Ở nam giới ngoài tuổi 60 cũng có hiện tượng giảm nồng độ hormon gây ra bệnh loãng xương. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, loãng xương là một bệnh xương toàn thân do giảm sức chống đỡ của hệ xương và làm tăng nguy cơ gãy xương. Khả năng chống đỡ của xương được đánh giá bởi mật độ khoáng của xương và chất lượng xương. Để đánh giá mật độ xương, ngày nay ở Việt Nam đã có nhiều máy đo được mật độ xương ở cổ xương đùi, cột sống thắt lưng và đo toàn thân. Các nhóm tuổi cần chú ý khi điều trị loãng xương: Nhóm tuổi 50-60, đây là nhóm tuổi sau mãn kinh đối với nữ. Nhóm tuổi 60 - 80 cả nam và nữ. Nhóm tuổi trên 80 cả nam và nữ.

Tại sao phải điều trị loãng xương?

Sự mất xương diễn ra từ từ, loãng xương được coi là bệnh thầm lặng. Bởi vậy khi bệnh nhân xuất hiện cơn đau cấp ở vùng lưng hay mạn sườn và đau tăng khi thay đổi tư thế, trên phim chụp cột sống đoạn lưng/ hay đoạn thắt lưng thấy xẹp lún đốt sống gọi là tình trạng loãng xương nặng. Loãng xương thường dẫn đến gãy xương. Trong cộng đồng, người ta thấy tần suất gãy xương do loãng xương rất thường gặp, đặc biệt ở phụ nữ sau mãn kinh thường hay bị xẹp lún đốt sống.

Ở nam giới thường hay bị gãy cổ xương đùi. Ngoài ra, gãy đầu dưới xương quay. Ngày nay , tuổi thọ được nâng cao tuy nhiên tuổi gãy xương thường gặp sau 65 tuổi. Gãy xương chi phí điều trị tốn kém, đối với gãy cổ xương đùi tăng tỷ lệ tử vong trong năm đầu tiên và để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng chất lượng sống, tiên lượng rất xấu. Ở bệnh nhân loãng xương đã gãy xương không chỉ gãy một lần mà còn gãy nhiều lần, đồng nghĩa việc tái phát gãy xương rất cao. Điều trị với mục đích giảm đau nhanh cho bệnh nhân trong trường hợp đau cấp do gãy xương và tăng khả năng vận động, phòng ngừa gãy xương mới.

Các yếu tố nào gây nguy cơ gãy xương?

Ở nhiều gia đình người ta thấy có yếu tố di truyền về loãng xương và gãy xương. Phụ nữ sau tuổi mãn kinh, hay mãn kinh sớm trước 45 tuổi. Chế độ ăn nghèo canxi và vitamin D. Nam giới hút thuốc lá và uống quá nhiều rượu. Những người có cơ thể bé nhỏ, những người ít hoạt động thể lực và có yếu tố nguy cơ ngã cao.

Ðiều trị loãng xương cần chú ý điều gì?

Điều trị loãng xương có sự khác biệt giữa nữ so với nam và ở các lứa tuổi khác nhau, lứa tuổi 50 - 60, tuổi 60 - 80 và trên 80 tuổi; điều trị loãng xương không gãy xương và loãng xương có gãy xương. Để cho hệ vận động được tốt, các hoạt động thể lực thường xuyên rất cần thiết như đi cầu thang bộ, vì tổ chức xương là một mô sống luôn luôn được đổi mới. Cung cấp đủ vitamin D, ngoài chế độ dinh dưỡng và phơi nắng khoảng 30 phút mỗi ngày trước 9 giờ sáng, kiểm tra lượng vitamin D của bản thân có đủ hằng số sinh lý. Thiếu vitamin D có thể gây nên nhiều bệnh đi kèm không chỉ bị loãng xương, nhuyễn xương, mà còn giảm khối lượng cơ nên nguy cơ té ngã cao.

Việc cung cấp đủ canxi và protein là rất bổ ích cho người mắc chứng loãng xương. Thầy thuốc chọn lựa thuốc điều trị loãng xương tùy thuộc các đặc điểm riêng của từng người bệnh. Khi điều trị, người bệnh cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ như: Uống thuốc hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm. Thầy thuốc và người bệnh nên có sự liên hệ để theo dõi đáp ứng của thuốc và tác dụng không mong muốn do thuốc gây ra. Thuốc uống hàng tuần ví dụ fosamax mỗi tuần uống 1 viên và kéo dài trong nhiều năm từ 4 - 5 năm. Thuốc truyền tĩnh mạch ví dụ aclasta mỗi năm truyền tĩnh mạch 1 lần (truyền thuốc ở bệnh viện) và điều trị liên tục trong 3 năm. Các thuốc nhóm này ở ngày đầu uống thuốc hay truyền thuốc có thể gây sốt, đau cơ, hội chứng giả cúm, đau đầu gặp và đau khớp làm cho bệnh nhân thấy khó chịu. Để giảm bớt các triệu chứng trên bệnh nhân cần uống đủ nước, uống đủ canxi và vitamin D khi điều trị.

Ở người già ngoài 80 tuổi, việc luyện tập cần chú ý đề phòng té ngã vì nguy cơ gãy xương rất cao ở người cao tuổi. Để tránh giảm khối lượng cơ và mật độ xương, ngoài việc đi bộ chú ý cung cấp đủ thực phẩm giàu protein, đủ canxi, vitamin D. Điều trị loại thuốc ức chế hủy xương như biphosphonat (fosamax hoặc aclasta). Ở người già không sử dụng loại raloxifene vì không phòng được gãy cổ xương đùi và thuốc này làm tăng nguy cơ huyết khối. Điều trị loãng xương cho người già ngoài 80 tuổi không những sử dụng các thuốc làm giảm nguy cơ gãy xương cột sống, gãy cổ xương đùi và gãy cổ tay, mà cần chú ý dự phòng nguy cơ té ngã.

Liên quan đến việc đo loãng xương, hiện nay có hiện tượng ai cũng sợ mình bị loãng xương và ồ ạt đi đo độ loãng xương. Tuy nhiên chúng ta cần phải nhận thức được rằng bất kỳ phương pháp chẩn đoán nào cũng có hạn chế của nó và có thể còn mang lại sự tốn kém về thời gian, tiền bạc và mua thêm sự lo lắng. Loãng xương là tình trạng bệnh lý của hệ thống xương được đặc trưng bởi sự giảm khối lượng xương (tức là giảm mật độ chất khoáng của xương, chủ yếu là canxi), kết hợp với sự hư biến vi cấu trúc của tổ chức xương, làm cho xương trở nên giòn và có nguy cơ gãy xương. Về lý thuyết, để chẩn đoán được loãng xương phải đánh giá được đồng thời cả hai yếu tố: mật độ khoáng hóa của xương và vi cấu trúc xương.

Có nhiều phương pháp để chẩn đoán loãng xương. Đầu tiên là các phương pháp đánh giá cấu trúc của xương trực tiếp (qua sinh thiết xương), hay gián tiếp (dùng phương pháp cộng hưởng từ hạt nhân để đánh giá cấu trúc xương trong không gian ba chiều). Sinh thiết xương để chẩn đoán loãng xương gây đau đớn, chỉ thực hiện được ở xương cánh chậu, nên không thể phổ cập được. Phương pháp cộng hưởng từ hạt nhân rất đắt tiền nên chưa thể có ứng dụng trong lâm sàng, mà chỉ mới dừng lại trong các nghiên cứu khoa học.

Chẩn đoán lâm sàng thường muộn do loãng xương tiến triển một cách thầm lặng, không có triệu chứng và chỉ thể hiện ra ở giai đoạn muộn, khi đã có biến chứng. Đó là đau cột sống do lún xẹp đốt sống, kèm theo giảm chiều cao, gù hay gãy các xương đùi, cổ tay, xương chậu, xương sườn. Các biến chứng này đòi hỏi chạy chữa lâu dài, tốn kém, với tỷ lệ tử vong cao.

Phương pháp chẩn đoán bằng chụp X-quang cũng chỉ cho phép chẩn đoán khi mật độ xương đã bị mất từ 30-50%. Do vậy, X-quang không được chỉ định để chẩn đoán xác định loãng xương. Các xét nghiệm sinh hóa để đánh giá chu chuyển xương (quá trình tạo xương và hủy xương) rất tốn kém và lại không cho phép đánh giá được mật độ xương cũng như không tiên lượng được nguy cơ gãy xương. Chính vì vậy, người ta không khuyên sử dụng các chất đánh dấu chu chuyển xương để chẩn đoán và theo dõi điều trị.

Hiện nay Tổ chức Y tế thế giới quy định dùng phương pháp đo mật độ khoáng hóa của xương để chẩn đoán loãng xương. Đo mật độ xương còn cho phép chẩn đoán loãng xương ở giai đoạn sớm, khi chưa có những biến chứng nặng nề như gãy xương. Do vậy đo mật độ xương được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán loãng xương. Không cần phải đo mật độ xương ở tất cả phụ nữ sau mãn kinh. Chỉ cần đo mật độ xương ở những phụ nữ mãn kinh sớm trước 40 tuổi hay những phụ nữ mãn kinh bình thường nhưng có tiền sử bệnh lý có thể gây loãng xương thứ phát (suy sinh dục kéo dài, cường giáp tiến triển không được điều trị, cường vỏ thượng thận và cường giáp tiên phát). Tiếp theo là cần đo mật độ xương ở những người có biểu hiện lâm sàng nghi ngờ lún xẹp đốt sống, giảm chiều cao, gù, hay bị gãy xương tay, chân, xảy ra không do chấn thương nặng nề nào.

Nếu như không có chỉ định điều trị sau khi đo mật độ xương, chỉ nên lặp lại đo mật độ xương sau 2-3 năm, thận chí 4 năm. Để phát hiện thay đổi mật độ xương 2-3% cần phải 1-1,5 năm nếu như sai số đó là 1%, và 5 năm nếu sai số của máy là 5%. Khi đo lại, cần đo ở cùng một máy trên cùng một vị trí. Trong trường hợp điều trị, có thể đo lặp lại mật độ xương ở cột sống thắt lưng vì tác dụng của thuốc ở vị trí này khá rõ rệt.

Ngoài đo mật độ xường còn phải chú ý đến yếu tố nào nữa?

Còn có nhiều yếu tố khác gây ngã xương chứ không chỉ là mật độ xương. Đó là các yếu tố nguy cơ gây gãy, rất dễ dẫn đến gãy xương đùi như: thị lực yếu, giảm vận động do bất động, môi trường không thích hợp (tất cả những đồ gây ngã ở nhà), giảm cơ lực (khó khăn leo cầu thang, giảm sức duỗi gối, hay lực cơ tứ đầu đùi), điều trị thuốc an thần hay ảnh hưởng đến khả năng giữ cân bằng. Kiểu ngã, chiều cao, chiều dài xương đùi cũng là yếu tố nguy cơ không phụ thuộc vào mật độ xương. Tóm lại, chỉ nên đo mật độ xương ở những người có nguy cơ cao bị loãng xương hay nghi người bị loãng xương. Chỉ khi đó đo mật độ xương mới phát huy hết tác dụng của nó.

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên