15/02/2011 06:10 GMT+7

Ai là "người thi hành công vụ"?

THÚY CÀI
THÚY CÀI

TT - Một người dân vì tranh chấp tài sản với công ty đã bị tổ bảo vệ của công ty bắt giữ và còng tay. Sau đó người này còn bị quy kết có hành vi chống người thi hành công vụ.

y2tFh5w9.jpgPhóng to

Ông Phương tại thửa đất đang tranh chấp - Ảnh: P.T.Q.

Ông Dương Đình Phương là nhân viên của Công ty cao su Việt - Trung (nay là Công ty TNHH một thành viên Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) từ năm 1973, đến năm 2005 nghỉ hưu. Năm 1993, ông Phương đã khai hoang thửa đất nằm xen kẽ giữa lô đất trồng cao su của Công ty Việt Trung để trồng cà phê và đào ao nuôi cá. Năm 2002, Công ty Việt Trung đã thu hồi thửa đất để trồng tràm hoa vàng, chỉ để lại phần ao cá cho ông Phương. Khi ông Phương khai hoang trồng cà phê Công ty Việt Trung không có ý kiến gì và khi công ty tiến hành trồng cây tràm, ông Phương cũng không có phản ứng gì - vì ông Phương nói rằng lúc đó đang là nhân viên của công ty nên ông không dám phản đối.

Tranh chấp tài sản...

Tháng 3-2010, Công ty Việt Trung bán số cây tràm trồng trên thửa đất này để trồng cây cao su. Việc khai thác diễn ra bình thường, đến ngày 23-5-2010 khi bên mua khai thác số cây tràm còn lại xung quanh ao cá thì ông Phương ngăn cản vì cho rằng số cây này (khoảng 40 cây) là do ông trồng để tạo bóng râm cho ao cá. Sáng 24-5-2010, tổ bảo vệ của công ty đến hỗ trợ cho bên mua khai thác, ông Phương tiếp tục ngăn cản, dùng rựa đe dọa người khai thác nên tổ trưởng tổ bảo vệ đã dùng còng số 8 còng tay ông Phương vào gốc cây, đến khi bên mua khai thác xong mới tháo còng cho ông Phương về.

Bất bình trước hành động của tổ bảo vệ, ông Phương (đang là tiểu khu trưởng, phó bí thư chi bộ tiểu khu 5 thị trấn Nông trường Việt Trung) làm đơn yêu cầu công an điều tra xử lý. Ngày 25-8-2010 Công an huyện Bố Trạch ra thông báo số 686/TB kết luận: tổ bảo vệ của Công ty Việt Trung vi phạm quy định về áp dụng biện pháp ngăn chặn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng chưa đến mức xử lý hình sự mà chỉ xử phạt hành chính, còn ông Dương Đình Phương có hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ. Trước khi có kết luận này, ngày 6-8-2010 Công an huyện Bố Trạch đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử phạt ông Phương 1,5 triệu đồng về hành vi nói trên.

Bị xử phạt hành chính

Mặc dù Bộ luật hình sự và các văn bản về xử lý vi phạm hành chính không có khái niệm giải thích trường hợp nào gọi là thi hành công vụ, nhưng tại nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29-11-1986 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự năm 1985 đã ghi như sau: “Người thi hành công vụ là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình và cũng có thể là những công dân được huy động làm nhiệm vụ (như tuần tra, canh gác...) theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền, phục vụ lợi ích chung của Nhà nước, của xã hội”. Tại khoản 1 điều 3 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước quy định: “Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, ...hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính...”.

Như vậy, để xác định người thi hành công vụ phải xét ở hai khía cạnh: thứ nhất về chủ thể, người thi hành công vụ phải là cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội hoặc cũng có thể là một công dân bất kỳ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền huy động, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Thứ hai về phạm vi nhiệm vụ thực hiện, chỉ có thể coi là thi hành công vụ khi công việc mà họ làm là thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, các tổ chức nhằm phục vụ lợi ích chung của Nhà nước, của xã hội. Tóm lại, thi hành công vụ tức là làm nhiệm vụ công.

Hiện nay, chức năng quản lý nhà nước về kinh tế đã được bóc tách khỏi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhà nước tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh. Tất cả các loại chủ thể: cơ quan, tổ chức, các loại hình doanh nghiệp, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân đều bình đẳng trong quan hệ sở hữu tài sản và việc bảo vệ quyền sở hữu.

Trở lại vụ việc nêu trên để thấy rằng tổ bảo vệ của Công ty Việt Trung không có chức năng quản lý nhà nước về trật tự xã hội mà chỉ có nhiệm vụ bảo vệ tài sản và trật tự trong phạm vi công ty, vì lợi ích riêng của công ty - một chủ thể cụ thể. Như vậy, xét trên cả hai phương diện thì hành động của tổ bảo vệ Công ty Việt Trung không thể coi là thi hành công vụ.

Đến nay ông Phương vẫn chưa chấp hành quyết định xử phạt hành chính của Công an huyện Bố Trạch.

Các cơ quan có thẩm quyền chưa giải quyết đơn khiếu nại của ông Phương vì cho rằng phải chờ kết quả giải quyết của UBND tỉnh Quảng Bình đối với vụ tranh chấp đất giữa ông Phương và Công ty Việt Trung.

THÚY CÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên