16/09/2022 08:10 GMT+7

Ai kiểm tra an toàn cho hệ thống điện trong nhà?

NGUYỄN HUỲNH ĐẠT
NGUYỄN HUỲNH ĐẠT

TTO - Theo số liệu từ Bộ Công an, gần 52% số vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống điện. Vậy với vấn đề an toàn điện ở nhà, ai lưu tâm, kiểm tra và giám sát? Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời đáp...

Ai kiểm tra an toàn cho hệ thống điện trong nhà? - Ảnh 1.

Hệ thống dây điện chằng chịt tại một chung cư cũ ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Cháy do chập điện rất khó chữa, nhất là khi cháy lan đến nơi đặt cầu dao tổng.

Khoảng trống hiểm họa

Khi cơ quan quản lý điện được báo tin thì sẽ mất một thời gian đáng kể mới có người đến tận nơi xác minh và cắt điện. 

Muốn cắt điện diện rộng, cần phải có thông tin đáng tin cậy (thường thì từ yêu cầu của cảnh sát PCCC). Nếu không, có thể vì một thông tin không chính xác mà cắt điện tràn lan thì sẽ ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự xã hội nhất là ở khu vực trung tâm.

Theo tôi được biết, ngành điện lực chỉ quản lý cho đến công tơ điện của khách hàng, hệ thống điện nội bộ họ không có thẩm quyền. 

Vậy đơn vị nào mới có chức năng thực hiện việc kiểm tra đó? Và căn cứ quy định nào để xác định hệ thống điện là an toàn? Đây là một khoảng trống trong việc ngăn hiểm họa cháy nổ có nguyên do từ hệ thống điện.

Khi thiết kế xây dựng nhà, thông thường hệ thống điện được tính toán đúng theo công năng. Đơn vị xây dựng sẽ lắp đặt theo bản vẽ hoặc theo yêu cầu. Sự an toàn phải được đảm bảo từ đầu: chất lượng vật tư, thiết bị lắp đặt. Vì nếu không đạt chuẩn, không đáp ứng theo thiết kế đã được tính toán chặt chẽ thì hệ thống điện sẽ không đảm bảo an toàn.

Thực tế nhà ở của chúng ta, mỗi khi muốn lắp đặt thêm thiết bị có công suất tương đối lớn thì nên xem xét lại tổng thể hệ thống điện hiện hữu chứ không chỉ nối vào hệ thống cũ cứ thế mà sử dụng. 

Khi chuyển từ nhà ở thành cơ sở kinh doanh, cần phải lắp đặt thêm nhiều hệ thống chiếu sáng, âm thanh, điều hòa… nên nhu cầu dùng điện khác hẳn ban đầu. 

Liệu có bao nhiêu người, bao nhiêu cơ sở lưu tâm tính toán thiết kế lại? Thêm nữa, cách lắp đặt có đáp ứng theo các quy chuẩn hiện hành hay chỉ dựa vào kinh nghiệm sao cho ít tốn kém nhất? Các hệ số dự phòng có bảo đảm không?

"Chuồng sơ sài, lại mất trâu"

Sử dụng hệ thống điện có sẵn đòi hỏi phải hiểu rõ: ổ cắm nào có thể sử dụng cho bếp điện, cho máy điện…, vị trí nào có thể nối dây của dàn thiết bị mới vào. Nếu một người được yêu cầu kiểm tra an toàn hệ thống điện thì chắc chắn phải xuất phát từ bản vẽ thực trạng của hệ thống. 

Từ bản vẽ này mới kiểm tra thực tế có đúng theo bản vẽ không? Tiếp theo là những hướng dẫn sử dụng có hợp lý không. Một ổ cắm thông thường mà cắm vào đó nhiều thiết bị công suất lớn cùng lúc dễ bị quá tải và đường dây dẫn đến ổ cắm đó chắc chắn bị ảnh hưởng.

Những thí dụ vừa nêu chỉ là một phần nhỏ trong việc đánh giá mức độ an toàn của hệ thống điện dân dụng. Có những tác động tưởng chừng không có liên quan cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ lão hóa làm suy giảm độ an toàn của hệ thống như nhiệt độ, độ ẩm, chuột bọ phá hoại... 

Về nguyên nhân xảy ra cháy, hệ thống và thiết bị điện cũ, thời gian sử dụng lâu có thể dẫn tới các sự cố gây chập, cháy.

Thế nhưng cơ quan đơn vị nào chịu trách nhiệm đánh giá việc này? Cách nào nhắc nhở, tuyên truyền hay kiểm tra, xử phạt? Biện pháp chữa cháy, sử dụng hệ thống thoát hiểm ở quán karaoke, nhà hàng... ngay cả khi được diễn tập thường xuyên mà năm nào cũng có sơ suất, huống chi trong cơn hoảng loạn đa số khách hàng ít nhiều gì đều có chút hơi men, mất tỉnh táo. 

Dù "mất trâu mới lo làm chuồng", nhưng chuồng mới làm sơ sài thì trâu lại mất. Rất cần thiết phải xác định quy trình kiểm tra và phân công cụ thể đơn vị nào chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn phòng cháy cho hệ thống điện, nhất là tại những nơi tụ tập đông người như chợ búa, bệnh viện, cơ sở karaoke…

Cẩn trọng hết mức

Cần có quy định và hướng dẫn quản lý an toàn điện trong phòng cháy chữa cháy. Các ngành cấp phép xây dựng nên có chuyên môn, đưa bản vẽ cấp phép sang bên điện lực để cùng kiểm tra xem xét đạt độ an toàn hay chưa trước khi cấp phép xây dựng.

Công trình sửa chữa, thay đổi công năng cũng phải lưu tâm đến hệ thống điện. Mọi hoạt động có liên quan đến điện (như hàn điện chẳng hạn) ở những nơi có người phải cẩn trọng hết mức.

Việc này phải có quy định và chấp hành nghiêm để cùng thay đổi nhận thức về an toàn điện nhà và cơ sở dịch vụ, cũng là cách góp phần giảm các vụ cháy nổ có nguyên nhân từ điện.

Bộ Công an: Có khoảng 52% số vụ cháy liên quan sự cố điện Bộ Công an: Có khoảng 52% số vụ cháy liên quan sự cố điện

TTO - Bộ Công an cho biết trong tổng số hơn 27.500 vụ cháy giai đoạn 2012-2020, có khoảng 14.200 vụ cháy xảy ra có nguyên nhân do sự cố hệ thống điện, chiếm 51,9%.

NGUYỄN HUỲNH ĐẠT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên