05/04/2004 22:45 GMT+7

Ai để Zuellig Pharma thao túng thị trường thuốc tây?

LAN ANH
LAN ANH

TT - Cục Quản lý dược đã có công văn thông báo “thời hạn chót” cho hoạt động trực tiếp phân phối thuốc nhập khẩu vào VN của Công ty Zuellig Pharma VN là 5-9-2004. Nhưng tại sao Công ty Zuellig Pharma, một Công ty phân phối dược phẩm như nhiều Công ty khác tại VN, trở thành Công ty duy nhất được hưởng đặc quyền “trực tiếp phân phối thuốc nhập khẩu”, từ đó có cơ hội làm mưa làm gió trên thị trường tân dược?

“Chúng ta đã mắc lừa”

Đây là lời thú nhận chua chát của một cựu quan chức Bộ Y tế khi trao đổi với Tuổi Trẻ về “sự kiện Zuellig”. Theo ông này, thời điểm trước khi Zuellig vào VN, giá thuốc tuy có tăng, có giảm nhưng chưa bao giờ xuất hiện những “cơn sốt tân dược” như năm 2003 vừa qua.

Khi đó, các công ty nước ngoài vào VN chỉ được mở văn phòng đại diện, không được trực tiếp sản xuất, kinh doanh. Hoạt động xuất nhập khẩu thuốc hoàn toàn do các doanh nghiệp trong nước đảm nhận. Các nhà sản xuất trên thế giới thông qua văn phòng của mình tại VN ký hợp đồng nhập khẩu và phân phối thuốc.

Tình thế đã trở nên khác hẳn khi Zuellig trở thành công ty đầu tiên và duy nhất được trực tiếp phân phối thuốc nhập khẩu tại VN. Lần lượt 27 nhà sản xuất nước ngoài, trong đó có nhiều công ty hàng đầu thế giới, đã quay sang... “chọn mặt gửi Zuellig” là nhà phân phối duy nhất tại VN.

Doanh số bán thuốc trên thị trường của Zuellig liên tục tăng và đến năm 2004 Zuellig đã chiếm được một thị phần đáng kể của thị trường tân dược toàn quốc. Sản phẩm do Zuellig phân phối đều là các mặt hàng chuyên khoa, đặc trị, khó có thể thay thế.

Lật lại hồ sơ vụ việc, những năm 1995-1996, Zuellig đã từng đề nghị một dự án liên doanh với Tổng công ty Dược VN trong lĩnh vực phân phối dược phẩm. Nhưng xem xét Luật đầu tư nước ngoài, Bộ Y tế thấy chỉ có hai hình thức liên doanh và đầu tư 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất. Còn trong lĩnh vực phân phối, chỉ có thể hợp đồng, hợp tác kinh doanh chứ chưa thể đầu tư trực tiếp hoặc liên doanh. Vì thế dự án đã không được thông qua.

Đùng một cái, vào khoảng năm 2000-2001, Ban quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất Hà Nội đã cấp cho Zuellig giấy phép đầu tư vào lĩnh vực phân phối dược phẩm. Nói về giấy phép này, vẫn cựu quan chức Bộ Y tế nói trên nhận định: “Đây là giấy phép hoàn toàn sai luật, không có căn cứ”. Bộ Y tế - cơ quan chức năng trong lĩnh vực dược - ngã ngửa.

Kiểm điểm lại, người ta đã thấy ban quản lý và Zuellig đã “lách luật” thật ngoạn mục: đây là dự án có vốn đầu tư dưới 5 triệu USD (vốn của Zuellig đầu tư tại VN trên 2,5 triệu USD) và ban quản lý nói trên được quyền cấp phép. Tuy nhiên, do đầu tư vào lĩnh vực “nhạy cảm” là y tế, lẽ ra phải có ý kiến của bộ chức năng. Nhưng cả Zuellig và Ban quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất Hà Nội đã “phớt lờ” qui định này.

Zuellig độc quyền... tăng giá!

Từ giấy phép đầu tư trớ trêu nói trên, trên các trang báo thời sự, người ta thường xuyên thấy Zuellig Pharma ở mục... tăng giá thuốc. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế gửi Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm, trong tổng số 500 mặt hàng dược phẩm tăng giá đã được các đoàn thanh tra thống kê, có 157 mặt hàng của Zuellig; từ năm 2001 đến tháng 3-2003, đã có... 69% mặt hàng do Zuellig phân phối tăng giá...

Bộ Y tế đánh giá: ngoài các nguyên nhân khách quan như tỉ giá ngoại tệ tăng, thuế nhập khẩu tăng..., thì một nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tăng giá thuốc như trên là do sự độc quyền của Zuellig.

Không chỉ độc quyền làm tăng giá thuốc, trong đợt thanh tra giá thuốc (cũng vừa kết thúc trong tháng ba), đoàn thanh tra liên ngành phát hiện Zuellig đã bán hàng cho những đối tượng không được phép, thông qua một hợp đồng với Công ty dược liệu T.Ư 2.

Trong đó, bán cho ai, tại đâu và giá bán hoàn toàn do Zuellig quyết định, Công ty Dược liệu T.Ư 2 chỉ xuất hóa đơn và hưởng phí. Thế nhưng, trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều lãnh đạo ngành y tế đều không thể chỉ ra được cách thức xử lý vụ việc này, bởi trên giấy tờ thì chính Công ty Dược liệu T.Ư 2 bán hàng cho bệnh viện chứ không phải Zuellig.

Lại một lần nữa Zuellig tìm được “khoảng trống” của pháp luật VN để “lách” và khối bệnh viện cũng đã phải mua thuốc giá đắt của Zuellig.

Để “sửa sai”, ngày 15-5-2001 Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Việc trực tiếp phân phối thuốc nhập khẩu của Zuellig tại thị trường VN chỉ được tiến hành trong ba năm, kể từ khi bắt đầu hoạt động là tháng 9-2001. Các nguyên tắc nhập khẩu và phân phối dược phẩm nhập khẩu trong hoạt động của Zuellig không được coi là tiền lệ cho các trường hợp khác”.

Năm 2004 này, Zuellig đã trực tiếp phân phối thuốc nhập khẩu ở đất nước chúng ta đến năm thứ ba. Về mặt pháp lý, đến nay các văn bản pháp luật của VN cũng chưa cho phép đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nhập khẩu và phân phối thuốc trong nước.

Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Phó thủ tướng Khiêm nêu rõ: chưa nên cho phép công ty nước ngoài đầu tư vào dịch vụ phân phối thuốc trong nước, vì có thể phá vỡ toàn bộ hệ thống phân phối thuốc trong nước hiện tại và chi phối thị trường vì mục đích lợi nhuận, không đáp ứng được mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho đại bộ phận dân chúng.

Vậy là, mãi đến tận bây giờ Bộ Y tế mới chịu nói rõ ràng điều đó. Còn người dân, chỉ một năm qua họ đã chịu ba lần tăng giá thuốc. Chúng ta đã “mắc lừa”, nhưng liệu có ai biết mình bị lừa mà vẫn im lặng? Rất cần phải xem xét lại điều đó.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên