23/02/2004 06:01 GMT+7

Ai cứu những dòng sông đen?

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TT - Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ, Tham Lương - Vàm Thuật, Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã thành những dòng sông chết từ lâu vì hàng triệu cư dân TP.HCM đối xử quá tệ với chúng. Khi nói đến những dòng sông này, người ta nghĩ ngay đến một màu nước đen kịt, một mùi hôi thối “đặc trưng”... Nhưng đâu chỉ có thế, những dòng sông nhỏ như An Hạ, Thầy Cai, Rạch Tra ở phía thượng nguồn sông Sài Gòn giờ đây cũng đang giãy chết từng ngày.

xSFbQdoG.jpgPhóng to
Dòng kênh An Hạ nhìn ảnh thì có vẻ "thơ mộng" nhưng thật sự đã trở thành "con kênh... đen thui" (ảnh chụp chiều 22-2-2004) - Ảnh: N.C.T.
TT - Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ, Tham Lương - Vàm Thuật, Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã thành những dòng sông chết từ lâu vì hàng triệu cư dân TP.HCM đối xử quá tệ với chúng. Khi nói đến những dòng sông này, người ta nghĩ ngay đến một màu nước đen kịt, một mùi hôi thối “đặc trưng”... Nhưng đâu chỉ có thế, những dòng sông nhỏ như An Hạ, Thầy Cai, Rạch Tra ở phía thượng nguồn sông Sài Gòn giờ đây cũng đang giãy chết từng ngày.

Dòng sông khúc xanh, khúc đỏ...

Không phải mất công đi đâu xa, chỉ cần ghé xe vào dọc đường xuyên Á (đoạn khu vực chân cầu An Hạ), bất kể ai cũng có thể cảm nhận được mùi hôi thối và một màu nước đen đặc trưng chảy cuồn cuộn liên tục suốt ngày đêm. Những dòng nước đen này tống thẳng ra chân cầu kênh An Hạ.

Anh Nguyễn Văn Út - đội trưởng đội bảo vệ công trình Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM - nói trong nỗi thất vọng: “Màu nước đen này không phải chỉ mới đây mà đã có từ lâu lắm rồi, từ ngày mấy ông nhà máy “đóng quân” trên đây, đâm thẳng ống xả nước thải vào kênh. Có điều mấy tháng nay nước đen hơn trước thôi.

Nhìn những dòng nước đen này cứ đổ thẳng vào kênh An Hạ từng ngày, từng giờ thấy mà đau lòng, xót dạ”. Dẫn tôi đến chân cầu An Hạ, anh Út nói: “Hôm nay là con nước lửng nên anh thấy nước có màu đen hơi nhạt đấy, chứ mấy ngày nước kiệt là đen kịt luôn”.

Rời chân cầu An Hạ, chúng tôi đi dọc bờ con kênh này, những cảnh tượng đổ nước thải vào dòng kênh thật khủng khiếp. Dưới sông là nước ô nhiễm, trên bờ những dòng khói đen nghi ngút từ các cơ sở sản xuất bắn thẳng lên trời.

Cứ chạy vài trăm mét anh Út lại dừng xe, rồi lội xuống bờ kênh, vạch từng đám cỏ và chỉ cho mọi người coi các mánh khóe xả nước độc đáo của các cơ sở sản xuất thải ra môi trường. Có cơ sở sản xuất chứa chất thải vào bể để khi vắng vẻ rồi xả ồ ạt; có “anh” chôn ống thật sâu trong lòng đất rồi dẫn chất thải ra gần giữa dòng kênh... Có nơi nước thải sản xuất cứ trào bựng bựng từ đáy kênh, có nơi nước thải nhuộm vải chảy cuồn cuộn từ các ống ngầm, có nơi nước thải từ tái chế giấy chảy lênh láng ra các ruộng hoang rồi từ từ đổ vào kênh rạch...

Khắp nơi ô nhiễm, bất cứ nơi đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp màu nước đen tởm lợm. Nhưng điều dễ cảm nhận nhất là màu nước của con kênh An Hạ rất lạ lẫm, trên cùng dòng sông nhưng khúc có màu xanh đen hơi đậm, khúc đen kịt, khúc lại đỏ bầm, khúc thì mang màu trắng sữa...

BdXHzaYs.jpgPhóng to
Các nhà máy sản xuất nệm cao su xả thẳng nước thải, nước mủ cao su, hóa chất... ra kênh trạm bơm ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi (ảnh chụp chiều 22-2-2004) - Ảnh: N.C.T.
Những tiếng kêu vô vọng!

Bà Nguyễn Thị Khiêm (ấp 5, xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn, TP.HCM) cho biết con kênh nhỏ trước nhà bà cách đây mấy năm còn câu cá được, nhưng bây giờ đã bị lấp hẳn, chất thải muốn bằng mặt bờ kênh. Bà bức xúc nói: “Mấy chú chỉ cho tôi đi kêu ở đâu cho thấu đây, chứ cứ sống với hôi thối, khói bụi mãi thế này làm sao dân chúng tôi chịu cho nổi”.

Còn anh Bùi Quang Hải, sống cạnh nhà bà Khiêm, nói hồi trước môi trường sống ở vùng ven này rất trong lành, nhưng từ hồi mấy “ông” sản xuất cồn, giấy tái sinh... đến đây làm ăn thì phát ra mùi hôi thối không sao chịu được, mùa mưa còn ác chiến hơn nữa!

Nhưng đâu chỉ có người dân, chính Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi cũng “kêu” suốt mấy năm nay. Từ giữa tháng 1-2002, công ty báo động tình hình ô nhiễm nguồn nước kênh Thầy Cai, An Hạ. Đến tháng 8-2003 công ty lại tiếp tục báo động đỏ tình hình ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước đầu nguồn sông Sài Gòn...

Mới đây, Nông trường Lê Minh Xuân “kêu cứu” vì nguồn nước ô nhiễm, ảnh hưởng hoạt động sản xuất của hàng nghìn hecta đất. Nông trường này cho biết nguồn nước tưới tiêu trên các dòng kênh chính như kênh B và kênh C đang bị ô nhiễm nặng, nước có màu đen đậm và bốc mùi hôi thối. Hiện nông trường chưa biết cách xử lý ra sao.

Vì sao dân “kêu” cứ “kêu”, báo động cứ báo động, các cơ quan quản lý phạt cứ phạt nhưng ô nhiễm vẫn xảy ra ngày một nghiêm trọng hơn?

Nhận diện thủ phạm

Lật tấm bản đồ quản lý hệ thống các tuyến kênh thủy lợi, ông Nguyễn Văn Đam - phó giám đốc Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM - khoanh từng điểm nóng và cho rằng thủ phạm chính là đây. Đó là: Khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, các cơ sở sản xuất nhỏ thuộc địa bàn huyện Hóc Môn...

Tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung tập trung khoảng 45 cơ sở sản xuất công nghiệp, chủ yếu hoạt động những ngành nghề mà UBND TP.HCM xếp vào diện gây ô nhiễm, hạn chế cấp phép, thậm chí không cấp phép ở một số nơi. Trong số này có đến 31 cơ sở sản xuất được coi là gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Hầu hết cơ sở sản xuất tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, xả thẳng nước thải chưa qua xử lý vào các tuyến kênh thủy lợi TC18A, TC18, TC17, kênh Thầy Cai.

Tương tự, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân có xây dựng hệ thống xử lý nước thải hẳn hoi nhưng không hiểu sao nước đổ ra vẫn còn màu đen thui và hôi thối. Hiện ở khu công nghiệp này có khoảng 100 cơ sở sản xuất hoạt động, nguồn nước thải chủ yếu xả ra các kênh C16, C14 rồi đổ ra kênh C và kênh B.

Các nhà quản lý cho rằng hoặc nhà máy xử lý nước thải không hoạt động, hoặc có hoạt động nhưng việc xử lý nước thải không đạt tiêu chuẩn nên mới có hiện tượng ô nhiễm nặng các tuyến kênh chung quanh khu công nghiệp này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Đam cho rằng từ khi thành phố có chủ trương di dời các cơ sở ô nhiễm ở quận nội thành vào khu công nghiệp tập trung và vùng phụ cận, nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm dạt lên phía đầu nguồn này để tiếp tục hoạt động. Rõ ràng chẳng khác nào di chuyển ô nhiễm từ nơi này đi nơi khác, nhưng trớ trêu hơn là di dời ô nhiễm lên đầu nguồn sông Sài Gòn.

Trong những ngày này, đoàn cán bộ môi trường đang thanh tra, kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm ở khu vực kênh Thầy Cai, An Hạ. Nhưng liệu rằng có quá muộn màng để “cấp cứu” những con sông đang chết từng ngày?

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên