23/05/2012 22:00 GMT+7

Ai cũng có một ngôi trường để nhớ

Nhà văn TRẦN NHÃ THỤY
Nhà văn TRẦN NHÃ THỤY

AT - Thật thú vị khi Áo Trắng lần đầu tiên mở cuộc thi viết tùy bút đã chọn ngay một chủ đề rất hay: Ngôi trường trong trí nhớ.

Thể lệ cuộc thi có điều khoản quy định: “Phải ghi rõ tên trường, địa điểm và tên các nhân vật không hư cấu”. Có lẽ là ban tổ chức muốn phòng ngừa những trường hợp... xạo, và như thế là biến cuộc thi Ngôi trường trong trí nhớ thành... “Ngôi trường trong trí tưởng tượng”. Như vậy đây là cuộc khi khuyến khích người viết thật. Sở dĩ tôi nói như vậy, bởi bằng trải nghiệm của mình, tôi biết tùy bút chỉ hay khi viết về sự thật và viết bằng cảm xúc thật. Nếu không có cảm xúc thật thì nỗi nhớ khó lòng bật ra, câu chữ khó lòng tạo nhạc tính, lay động bạn đọc. Thật may, trong 48 bài tùy bút vào chung kết mà tôi được đọc, tôi hoàn toàn xác nhận một điều: Người viết đã tham dự vào một cuộc thi viết thật.

Có một điều mà ai cũng biết, chúng ta sống là sống trong hiện tại, tương lai phía trước, quá khứ sau lưng. Nhưng tương lai là cái chưa nhìn thấy, hiện tại chưa thể đúc kết, chỉ có ngoái lại quá khứ là có thể soi bóng mình. Trong chiếc gương soi bóng thời gian đó, ngôi trường trong ký ức mỗi người chợt hiện ra. Ai cũng có một ngôi trường để nhớ.

Tôi như chợt rơi vào một khoảng lặng buồn, nhưng cảm xúc êm nhẹ dễ chịu khi đọc bài tùy bút Những điều “xấu xí” đáng yêu của Mai Hoàng Bảo Trân. Trên bức tường trong khu tự học ở Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên - An Giang) các bạn học sinh đã “ký thác” trên đó những dòng tâm tư hồn nhiên chân thật về quãng đời học sinh. Thế rồi, một ngày nọ bức tường được sơn phết lại, những dòng chữ ký ức bị lấp đi, thế nhưng may mắn thay có một ký ức khác hồi sinh, đó là nỗi nhớ trào dâng từ trái tim của một cô gái trẻ. Tôi cũng thật xúc động khi đọc bài tùy bút Ngậm ngùi trường xưa của tác giả Nguyễn Ngọc Tuyết (Cần Thơ) Nếu như không có bài viết này, tôi đã không biết ngay siêu thị Co.op mart hiện nay trên đường Hòa Bình (TP Cần Thơ) đã từng có một ngôi trường tiểu học nữ. Và đó là một ngôi trường rất đặc biệt khi ở góc sân trường có một “Niệm Sư Từ” - là nơi để tưởng niệm những thầy cô đã mất. Đây thật sự là “di sản của mất mát”, mà qua trang viết của Nguyễn Ngọc Tuyết, tôi cũng không tránh khỏi ngậm ngùi.

Và còn rất nhiều tùy bút thú vị khác nữa. Đó là tùy bút Trường dân tộc nội trú trong sương của Phùng Thị Hương Ly (Hà Nội), Nếu như có kiếp sau của Nguyễn Ngọc Hà (TP.HCM), Đọc thơ Đường nhớ thầy của Nguyễn Thị Bích Nhàn (Phú Yên), Nơi ấy bình yên của Phạm Thị Thùy Vân (Quảng Ngãi)... Một ngôi trường mà muôn nỗi nhớ. Nhưng trong cái ngổn ngang nhớ ấy, có người đã biết chưng cất cảm xúc, bày biện ra những chi tiết đắt giá. Đó là nỗi nhớ về một... đôi dép đứt của tác giả Lê Công Duyệt (Vĩnh Long) trong tùy bút Đôi dép. Hình ảnh một cậu học trò nghèo, luôn mang đôi dép cũ, rồi mang đôi dép đứt lên nhận phần thưởng khiến người đọc xúc động. Nhưng xúc động hơn khi cô giáo tặng cho cậu học trò một món quà là đôi dép mới. Khi đôi dép ướm vừa chân thì cảm xúc cũng vừa tràn lên lần nữa. Đó là một đoạn hồi ức rất sinh động và trong trẻo về “chiếc áo lá” nữ sinh trong tùy bút Chiếc áo lá của tác giả Trương Thị Ngọc Yến (TP.HCM). Cái ý nghĩ hồn nhiên “mặc áo lá sẽ làm mất eo”, lại là một ý nghĩ rất thật. Phải thật “trắng và mỏng” để làm “chao đảo” các chàng trai, đó không chỉ là trò tinh nghịch của các cô gái mà còn là những “cơn sóng sống” rất đẹp. Phải dám sống để khi ngoái lại ký ức thấy còn niềm vui sống. Và dưới mái trường là cả một thế giới trong veo, dào dạt.

Tôi xin chân thành cảm ơn hai nhà văn đàn anh là Đoàn Thạch Biền và Nguyễn Đông Thức đã mời tôi ngồi... chung chiếu Ban chung khảo cuộc thi thú vị này, nhờ đó mà tôi có cơ hội được đọc nhiều bài tùy bút hay. Tôi cũng xin cảm ơn tất cả những người viết đã kể lại một mẩu ký ức thời đi học của mình, để cho tôi thêm một lần xác tín rằng: Ai cũng có một thời để yêu và ai cũng có một ngôi trường để nhớ!

Có quá nhiều bài hay khiến ban giám khảo phải rất tiếc nếu cuối cùng chỉ chọn 6 bài để trao giải - theo đúng thể lệ cuộc thi và mức kinh phí mà Trường Đại học Kinh tế - tài chính TP.HCM (UEF) đã tài trợ.

Nhà văn Trần Nhã Thụy sực nghĩ tại sao không nhờ một đơn vị khác nhận trao thêm 5 giải khuyến khích (mỗi giải 1.000.000đ)? Thế là anh móc điện thoại ra nhắn tin. Tin nhắn trả lời ngay tức thì: “Dạ được. Em rất vui”. Đó là một người bạn anh ở Thời trang Đan Châu. Xin thay mặt các bạn dự thi, chân thành cảm ơn tấm lòng dành cho văn chương nảy.

KẾT QUẢ CUỘC THI VIẾT TÙY BÚT “NGÔI TRƯỜNG TRONG TRÍ NHỚ”

* 1 GIẢI NHẤT: 5.000.000 đồng

- NGUYỄN NGỌC TUYẾT (Cần Thơ): Ngậm ngùi trường xưa (AT 103)

* 2 GIẢI NHÌ: 3.000.000 đồng/giải

- TRƯƠNG THỊ NGỌC YẾN (TP.HCM): Chiếc áo lá (AT 103)

- MAI HOÀNG BẢO TRÂN (ĐH KHXH&NV TP.HCM):

Những điều “xấu xí” đáng yêu (AT 115)

* 3 GIẢI BA: 2.000.000 Đồng/giải

- NGUYỄN THI BÍCH NHÀN (Phú Yên): Đọc thơ Đường nhớ thầy (AT 110)

- DƯƠNG THỊ HẰNG (Thanh Hóa): Trường Lam Sơn trong tôi (AT 118)

- PHÙNG THỊ HƯƠNG LY (ĐHVH Hà Nội):

Trường dân tộc nội trú trong sương (AT 118)

* 5 GIẢI KHUYẾN KHÍCH: 1.000.000 đồng/giải

(Do Thời trang Đan Châu tài trợ thêm)

- LÊ CÔNG DUYỆT (Vĩnh Long): Đôi dép (AT 100)

- VÕ KHOA CHÂU (Khánh Hòa): Lời giảng dưới tầm đạn bom (AT 106)

- PHẠM THỊ THÙY VÂN (Quảng Ngãi): Nơi ấy bình yên (AT 109)

- NGUYỄN NGỌC HÀ (TP.HCM): Nếu như có kiếp sau (AT 109)

- NGUYỄN THỊ KIM THOA (TP.HCM): Trường tiểu học Đức Hòa của tôi (AT 111)

OXLiUSJv.jpgPhóng toÁo Trắngsố 9 ra ngày 15/05/2012hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Nhà văn TRẦN NHÃ THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên