26/08/2013 09:02 GMT+7

Ai Cập tìm giải pháp cứu kinh tế

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TT - Thù hận, biểu tình, bạo lực suốt thời gian dài ở các thành phố lớn tại Ai Cập khiến người ta tự hỏi đất nước nhiều ngàn năm văn hiến này đã và sẽ sống ra sao.

io0403Tp.jpgPhóng to
Cảnh yên bình hiếm hoi ở Cairo ngày 21-8. Hôm 24-8, Chính phủ lâm thời Ai Cập đã quyết định rút ngắn lệnh giới nghiêm vào ban đêm nhằm “giảm gánh nặng và đáp ứng yêu cầu của người dân” trong bối cảnh bạo lực có dấu hiệu lắng dịu và các cuộc biểu tình của phe Hồi giáo không thu hút được nhiều người tham gia như mong đợi - Ảnh: Reuters

Trải qua hơn một năm “thời kỳ chuyển tiếp” sau khi lật đổ chế độ Mubarak, rồi một năm nữa dưới chính quyền của tổng thống Morsi, đất nước Ai Cập đã trở nên gần như khánh kiệt! Phần vì biểu tình liên miên, phần nữa vì chính quyền Hồi giáo vốn chỉ quen làm phận sự tôn giáo và công việc xã hội cứu trợ trong quần chúng tín đồ, mà không quan tâm tới việc quản trị một quốc gia và điều hành cả một nền kinh tế.

Cạn tiền ngân sách

Đến cuối tháng 6-2013, dự trữ ngoại tệ của Ai Cập chỉ còn 14,9 tỉ USD, đủ để nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu trong ba tháng. Trong khi con số này hồi tháng 1-2012 vẫn còn 36 tỉ. Tỉ lệ thất nghiệp cuối thời Mubarak là 8,9% thì cuối thời Morsi lên đến 13,2%. Tỉ lệ lạm phát được công bố là hơn 8%. Nhưng thực tế có thể cao hơn gấp 2,5 lần như thế, khiến sức mua của đồng bảng Ai Cập sụt giảm thảm hại.

Tài nguyên thiên nhiên có hạn và đất trồng trọt chỉ chiếm 5% tổng diện tích lãnh thổ khiến Ai Cập không thể nuôi nổi dân số đã lên đến hơn 84 triệu người. Các chuyên gia kinh tế cho rằng có tới một nửa dân số Ai Cập được coi là nghèo và cận nghèo. Nước này là quốc gia nhập khẩu bột mì lớn nhất thế giới. Nhà nước, từ thời Mubarak tới nay, vẫn phải duy trì chế độ trợ giá những mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu sinh sống tối thiểu của dân nghèo như bánh mì, đường, dầu ăn, xăng... Hiện nay khoản trợ giá này chiếm tới 13% ngân sách nhà nước...

Tình trạng kinh tế tồi tệ này khiến nhiều công ty nước ngoài phải tạm thời ngưng hoạt động tại Ai Cập. Đầu tư trực tiếp nước ngoài sụt giảm nghiêm trọng. Ngành du lịch - một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của Ai Cập - bị đình đốn thảm hại.

Trang mạng youm7.com của báo al-Youm asSabi’a - một trong những tờ báo có uy tín rộng rãi tại Ai Cập, ngày 21-8 dẫn lời của Jad al-Kareem Nasr - chủ tịch công ty quản lý các sân bay của Ai Cập - cho biết lượng khách nhập cảnh bằng đường không trong ba ngày đầu tuần qua giảm 40% so với cùng thời gian tuần trước...

Bởi thế, chính quyền lâm thời Ai Cập đã chọn giải pháp kiên quyết chấm dứt tình trạng bất ổn kéo dài vừa qua, lập lại ổn định về an ninh trước nhất, rồi đến ổn định chính trị sau đó, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho khôi phục kinh tế và cải thiện đời sống người dân.

Lấy lòng dân

Theo youm7.com, thị trường đã có phản hồi tích cực với chính sách “tập trung ổn định đời sống của tuyệt đại đa số người dân” bằng những biện pháp cấp bách, như: bơm thêm tiền vào thị trường để giải quyết thanh khoản của các công trình xây dựng, tăng phụ cấp lương thêm 10% từ tháng 8, tăng mức trợ cấp xã hội... Ngày 20-8, Tổng thống lâm thời Adli Mansour còn quyết định tăng lương cho binh sĩ và hạ sĩ quan quân đội. Những biện pháp này trước mắt nhằm ổn định lòng dân, nâng mức tiêu dùng bình quân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Còn theo trang mạng ahram.org.eg của báo al-Ahram - cơ quan truyền thông chính thức của Chính phủ Ai Cập, Bộ trưởng nội thương và phân phối Mohammed Abu Shada cho biết từ ngày 22-8 đã giảm giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong vòng 10 ngày. Đây là kế hoạch của chính phủ để bình ổn giá và cung cấp đủ hàng phân phối thiết yếu cho nhân dân.

Chính phủ hi vọng những biện pháp tức thời trên đây sẽ giải quyết những khó khăn trong ngắn hạn. Còn trong tương lai gần việc một số quốc gia Ả Rập giàu có (Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Kuwait...) đổ đầu tư mạnh vào Ai Cập sẽ giúp giải quyết những khó khăn trung hạn và dài hạn, nhất là tạo việc làm, giảm thất nghiệp.

Đường lối kinh tế trước mắt của Chính phủ lâm thời Ai Cập có lẽ là rút kinh nghiệm từ chính bài học thời tổng thống Morsi. Khi ấy, ông Morsi đã chấp nhận những điều kiện khắc khổ theo áp đặt của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), mong được giải ngân khoản 4,8 tỉ USD vay. Chính sách khắc khổ là một nguyên nhân khiến đông đảo dân nghèo bất bình với chính quyền Anh em Hồi giáo.

Một nhận định hầu như được đồng tình rộng rãi là Ai Cập có vị thế chiến lược và tiềm năng phát triển ở mức không thế lực quốc tế nào có thể bỏ qua, kể cả về kinh tế và chính trị. Bởi thế, suy thoái kinh tế trầm trọng tại Ai Cập hiện nay chỉ mang tính giai đoạn. Giai đoạn này ngắn hay dài tùy thuộc khả năng của chính quyền vãn hồi an ninh, ổn định làm nền tảng cho khôi phục và phát triển kinh tế.

Trông vào chính phủ kỹ trị

Người ta cũng có hi vọng bởi Thủ tướng lâm thời Hazem el-Beblawi vốn là một bộ trưởng tài chính chuyên nghiệp; chính phủ lâm thời có những bộ trưởng phụ trách kinh tế - tài chính chuyên sâu, không phải chỉ là những “chính khách salông” hay các nhà chính trị lý thuyết.

Theo aljazeera.net, bà Besnet Fahmi - nữ chuyên gia kinh tế đồng thời là thành viên ban lãnh đạo đảng “Hiến pháp”, do Mohamed

El-Baradei đứng đầu - cho rằng không gian kinh tế Ai Cập vẫn rất lạc quan nếu an ninh và ổn định chính trị được tái lập chậm nhất là cuối năm nay. Mối lo ngại lớn nhất, theo bà Fahmi, là chính phủ rất khó ra những quyết định thích hợp để đáp ứng mọi đòi hỏi của tầng lớp nghèo đông đảo - những người đã làm cách mạng để mong được đáp ứng những đòi hỏi ấy. Dân chúng Ai Cập đã quá quen với bày tỏ bất mãn bằng bạo động đường phố. Nếu những khó khăn đời sống của họ vẫn không được cải thiện, khó tránh khỏi lại có những cuộc “cách mạng” tiếp theo.

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên