Nếu là một người yêu thiên nhiên, ở TP.HCM bạn chỉ cần tốn khoảng 2 triệu đồng để đi một tour đến Đắk Nông chiêm ngưỡng thác Đắk G'lun (ảnh), hồ Tà Đùng... - Ảnh: T.D.
Đặc biệt, giới giáo viên đi nhiều nhất trong dịp này. Rồi thuận theo đám trẻ nghỉ hè, các cơ quan cũng tranh thủ tổ chức nghỉ mát cho cán bộ nhân viên theo chế độ công đoàn. Tuy nhiên, chuyện đi chơi dịp hè không phải chỉ toàn chuyện sướng!
Tour "hành xác" Côn Đảo
22h ngày thứ năm, đoàn khởi hành từ TP.HCM đi Sóc Trăng bằng xe khách. 4h sáng ngày thứ sáu đến Sóc Trăng. Cả đoàn ăn sáng xong lại lên tàu cao tốc để xuất bến lúc 7h. 9h30 sáng đến Côn Đảo, đoàn tranh thủ đi tham quan một vài nơi rồi ăn trưa, nhận phòng.
Chiều thứ sáu, đoàn đi Bãi Đầm Trầu. Tối tự do. Sáng thứ bảy, ăn sáng xong thì trả phòng rồi ra bến tàu về lại Sóc Trăng. 18h lên xe khách và 24h về đến TP.HCM, kết thúc chuyến đi Côn Đảo.
Đó là lịch trình một chuyến đi du lịch trong dịp hè năm nay mà một viện nghiên cứu khoa học vừa tổ chức cho cán bộ nhân viên của mình.
Nghe kể, tôi lắc đầu bảo nếu là mình thì xin kiếu. Bởi đi như thế thì đúng là "hành xác" chứ sung sướng nỗi gì. Thậm chí, có người không quen đi tàu cao tốc trên biển, nằm liệt luôn vì bị sóng nhồi nên ra đến nơi chưa kịp hoàn hồn thì lại chuẩn bị quay về.
Nhưng ông viện phó kiêm chủ tịch công đoàn cười khổ: "Biết làm sao bây giờ, kinh phí eo hẹp, chỉ đủ sức chi không quá 2,5 triệu đồng/người. Quy định mỗi năm phải tổ chức cho cán bộ nhân viên ít nhất một lần đi du lịch, mà tiền ít như vậy thì thật là nhức đầu!".
Từ hồi đầu năm, ông viện phó kiêm chủ tịch công đoàn biết tôi quen nhiều công ty du lịch bèn nhờ tìm công ty thiết kế cho tour Côn Đảo dưới 2,5 triệu đồng/người.
Tôi nhờ khắp nơi, hầu hết các công ty lắc đầu, bởi rẻ nhất cũng phải là 3,4 triệu đồng/người cho tour 3 ngày 2 đêm. Những người tổ chức tour du lịch nghiêm túc khó mà chấp nhận làm tour thấp hơn cái chuẩn thông thường, nhất là tour đi Côn Đảo mà lại chỉ ở một đêm rồi về!
Nhưng biết làm sao được, ông viện phó lý giải: "Với anh em cơ quan tôi, nếu đi theo chuẩn thông thường chắc cả đời không có ai đặt chân đến được Côn Đảo vì chi phí cao quá. Vì vậy, phải đi theo kiểu con nhà nghèo, tuy cực nhưng mà anh em đều chấp nhận".
Cuối cùng ông viện phó cũng tìm được một nơi tổ chức đi 2 ngày 1 đêm với giá 2,35 triệu đồng/người. Đấy không phải chuyện lần đầu thử thách tour giá rẻ, năm ngoái ông còn lập kỷ lục khi tổ chức đi Tuy Hòa cho cả cơ quan với giá 1,7 triệu đồng/người.
1.001 chuyện oái oăm
Trong hai tháng 6 và 7, đi đến những thành phố du lịch như Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết… chúng ta dễ dàng bắt gặp hàng đoàn giáo viên đi nghỉ mát theo "tiêu chuẩn". Nhìn các thầy cô hớn hở, mấy ai biết rằng hậu trường của những chuyến đi như thế có tới 1.001 chuyện oái oăm.
Một hiệu phó kiêm chủ tịch công đoàn một trường THPT ở TP.HCM tâm tình: "Mỗi năm sắp đến hè là tụi tôi thấy sợ!". Họ sợ gì?
"Vài tháng trước hè, cả ban giám hiệu đã bắt đầu bàn về chuyện năm nay tổ chức đi đâu? - vị này cho biết - Chọn được địa điểm rồi thì tính đến chuyện kinh phí.
Theo tôi biết, trong giới giáo dục, trường nào khá giả thì lo được một suất đi khoảng 3,5 triệu đồng, còn bình quân vào khoảng 2,5 triệu đồng/người. Kế đến là tìm một công ty du lịch nào làm ăn uy tín một chút, và quá trình thương thảo là một sự kỳ kèo ê chề. Bởi làm không thận trọng thì sẽ bị lời ra tiếng vào là ăn hoa hồng từ công ty du lịch".
Còn với các vị phụ trách công đoàn ở các trường học, điều họ sợ nhất là quá trình thực hiện chuyến đi phải giải quyết vô vàn tình huống khó đỡ. Tuy là đi chơi chung tập thể nhưng không thể tránh được người này không hợp với người kia.
Thế là lên xe không chịu ngồi cạnh nhau, đến bữa ăn cũng tránh ngồi chung bàn và càng kỵ chuyện ngủ chung phòng. Để mọi chuyện ổn thỏa, một vị chủ tịch công đoàn kể: "Mười ngày trước chuyến đi, tôi phải ngồi vắt óc ra để sắp xếp chuyện xe cộ, ăn uống, nghỉ ngơi rồi làm cho mỗi người một cái thẻ ghi rõ ai ngồi ghế số mấy, đi xe nào, đến bữa ăn cũng chi tiết như thế…".
Chưa xong, tổ chức một chuyến du lịch hè nào chỉ có giáo viên, công nhân viên trong trường, mà còn có thân nhân đăng ký đi cùng.
Theo "luật", trẻ con dưới 6 tuổi thì miễn phí, trên 6 tuổi đến dưới 12 tuổi thì nửa suất. Gọi là nửa suất hay miễn phí, thực tế cũng là một chỗ ngồi trên xe, một vị trí trong bàn ăn, nên thế nào cũng có sự giận hờn khi không ít người lớn bị mất chỗ vì chậm chân, và thế là hờn mát ập tới.
Về lý thuyết, ai cũng ý thức chuyện không được "phân biệt giai cấp", nhưng trong thực tế chuyện này mới khó làm sao.
Một vị hiệu phó kể: "Trường tôi có 16 cô bảo mẫu. Xếp bàn ăn thì 10 người/bàn. Có một bàn 6 cô bảo mẫu, ghép 4 giáo viên vào, nhưng vài giáo viên không hài lòng, nói là "không cùng đẳng cấp", vùng vằng ra ngoài ăn riêng, chuyến đi để gắn kết hóa thành mất đoàn kết".
Chưa kể, dù có trong sáng đến mấy, trong quá trình đi du lịch và sau đó thể nào cũng nghe lời ra tiếng vào, rằng "chuyến này công đoàn với ban giám hiệu thế nào cũng có vài chục phần trăm hoa hồng"!
Dĩ nhiên, trên thực tế, với nhiều trường, chuyện đó cũng không hẳn là "oan ơi ông địa". Vì vậy, không ít sếp trường học trong sáng ước ao: "Giá mà được chi tiền để mọi người tự thu xếp chuyện đi du lịch cho riêng mình thì quá tuyệt vời". Nhưng ước mơ đó không thể có vì tổ chức cho người lao động đi nghỉ mát hằng năm là một trong những tiêu chí để xét thi đua của công đoàn.
Đi chơi về là… mệt
Mục đích tối thượng của chuyện đi du lịch là thư giãn sau một thời gian dài làm việc căng thẳng, nhằm tái tạo sức lao động sau một chuyến đi. Nhưng nghiệm từ bản thân và quan sát trong xã hội, tôi thấy người Việt sau một chuyến đi chơi về thường là uể oải, kêu ca. Tại sao?
Ông Trần Thế Dũng (Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ), một lão làng trong lĩnh vực tổ chức du lịch ở Việt Nam, thừa nhận đó là sự thật.
Ông lý giải: "Theo tôi, mọi chuyện bắt nguồn từ cái nghèo mà ra. Vì nghèo nên người Việt chúng ta đi du lịch một điểm nào đó là phải tận dụng tối đa, đi và đi liên tục. Các đơn vị tổ chức cũng phải cạnh tranh nhau bằng cách nhồi nhét thật nhiều sản phẩm vào một chương trình.
Người phương Tây nếu thích một điểm nào đó, họ sẵn sàng đi tới đi lui nhiều lần để tìm hiểu, khám phá mọi góc độ, từ văn hóa, con người cho đến cảnh trí thiên nhiên của nơi đó. Ta thì ít tiền, lấy lượng làm mục tiêu chính nên năm nay ngân quỹ đi du lịch dành cho điểm A rồi thì sang năm phải đi điểm B.
Sự vội vã, tận dụng đó làm cho người ta mệt khi đi du lịch. Cái nghèo còn làm cho người Việt mệt khi đi du lịch là vấn đề cơ sở vật chất, hạ tầng. Tôi đi du lịch Canada 14 ngày, cũng di chuyển liên tục nhưng không thấy mệt vì đường sá, xe cộ họ quá tốt.
Nói đâu xa, một chiếc xe ở nước ngoài chỉ có 9 chỗ ngồi, về Việt Nam được ép thành 16 chỗ, nên ngồi chen chúc như thế và di chuyển nhiều, không mệt mới là lạ".
Bên cạnh chuyện nghèo, ông Dũng cho rằng thói quen ăn nhậu của đàn ông Việt cũng khiến các chuyến đi nghỉ mát càng thêm mệt. Lên xe nhậu, ăn trưa nhậu, ăn tối lại càng nhậu, nhậu cho đến nửa đêm, thậm chí tới sáng. "Tôi biết có nhiều ông sau chuyến đi du lịch về phải ngủ li bì cả ngày trời mới hồi phục!" - ông kể.
Quan sát nhiều người nước ngoài sang Việt Nam du lịch, không khó để thấy sự khác biệt giữa tây với ta trong chuyện đi chơi.
Bowie, một chàng trai Úc mà tôi quen, cho biết: "Nếu hôm sau có kế hoạch phải đi sớm để khám phá một điểm nào đó thì trễ nhất 10h tối hôm trước là chúng tôi lên giường ngủ để đảm bảo sức khỏe. Với chúng tôi, khi đi du lịch là chơi hết mình nhưng không phung phí sức khỏe".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận