Nhân viên khách sạn 3 sao tại Q.1, TP.HCM lấy khăn tắm đã dùng để lau bàn ghế tại phòng - Ảnh: BÔNG MAI
Tin vui đến cùng lúc với nhiều chuyện buồn ngành du lịch.
Một chuyện vui, hai chuyện buồn
Đô thị cổ Hội An là một di sản văn hóa thế giới theo UNESCO, và "Thành phố quyến rũ nhất thế giới 2019" theo độc giả tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Travel + Leisure bình chọn trong tháng 7-2019.
Ngày 16-7, Google Doodle cũng vừa vinh danh đô thị cổ Hội An. Tin vui không trọn khi còn đó quá nhiều chuyện buồn...
Những ai từng lưu trú tại khách sạn, nhà nghỉ hẳn phải rùng mình trước hình ảnh phóng viên Tuổi Trẻ ghi lại về cách làm vệ sinh phòng của nhân viên tại một khách sạn, đặc biệt khi họ dùng khăn tắm lau bồn cầu.
Câu chuyện trên là cá biệt nhưng cho thấy lỗ hổng về nhân sự, dịch vụ và việc quản lý nhân viên khách sạn. Vài ngày sau, ngành du lịch nước nhà lại phải đón nhận thêm thông tin không vui khác.
Dư luận bất bình việc một nhân viên trên tàu tham quan vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã đục sàn tàu, đặt điện thoại quay lén cảnh nữ du khách tắm, thay quần áo. Chuyện xảy ra ở danh thắng nổi tiếng trên thế giới thật sự là một điểm trừ tai tiếng cho dịch vụ du lịch trong mắt du khách nước ngoài.
Rùng mình với khách sạn dùng khăn tắm lau bồn cầu
Một đi không trở lại
Bạn tôi, một giáo viên ở huyện đi chấm thi THPT quốc gia trên tỉnh, nghỉ lại ở một khách sạn nhỏ được giới thiệu là tốt. Hôm trả phòng, khi xe máy rời đi chừng 100m, sờ túi mới sực nhớ đã để quên điện thoại trong phòng.
Quay lại, người dọn phòng bảo không thấy gì, gọi vào số máy của mình thì ai đó đang cầm điện thoại đã nhanh tay tắt nguồn...
Cô giáo sẽ không bao giờ quay lại khách sạn đó lần nào nữa, sự việc sẽ ảnh hưởng đến uy tín khách sạn. Và nhiều người biết chuyện sẽ "dị ứng" với khách sạn này bởi tiếng xấu đã đồn xa, chết danh tiếng...
Một người quen của tôi từ miền Nam đi công tác mấy ngày tại một tỉnh phía Bắc, khi đặt phòng tại khách sạn, nhân viên bảo phải ứng trước tiền. Hôm sau, công việc thay đổi đột xuất ông phải về sớm hơn dự kiến liền báo với khách sạn để trả phòng.
Nhân viên nọ bảo tiền khách sạn đã trừ vào tiền taxi (khách sạn đặt cho khách), số tiền còn lại sẽ trả vào buổi sáng hôm sau. Khi trả phòng, nhân viên vẫn bình thản nhận một nửa số tiền thừa do khách vui vẻ tặng.
Đến sân bay, tài xế taxi cho biết phía khách sạn chưa thanh toán tiền. Khách gọi về khách sạn gặp nhân viên nọ thì họ bảo do khách đã lên... nhầm xe (trong khi chính người ấy gọi taxi và đưa khách ra xe). Rồi nhân viên ấy còn hứa hẹn xa vời: "Khi nào anh lại ra đây, tụi em "giả" lại tiền cho anh"...
Những chuyện này có khi lỗi do khách có chút bất cẩn hoặc quá tin người. Nhưng nếu nhân viên khách sạn trung thực, vật bỏ quên được trả cho chủ cũ, cuộc đời sẽ có thêm những câu chuyện đẹp.
Hoặc nếu nhân viên khách sạn nọ không "lợi dụng" sự dễ tính của khách, mọi chuyện đã khác. Nghĩ mà buồn! Người Việt đi du lịch, đi công việc còn phải ấm ức, lo sợ, cảnh giác đủ thứ về dịch vụ của nhà hàng, khách sạn như vậy, với khách nước ngoài sẽ như thế nào?
Câu chuyện lau bồn cầu bằng khăn tắm trên Tuổi Trẻ là một dẫn chứng về tính không chuyên nghiệp trong công việc. Nhưng điều cần nói hơn là sự tận tâm với công việc và ý thức, tinh thần phục vụ người khác (vốn là điều rất cần với người làm những công việc lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn...) cũng không có.
Đừng đánh mất bát cơm
Người làm dịch vụ du lịch không ai muốn tự đánh mất uy tín, danh tiếng, cũng chính là "bát cơm" của mình, bằng những cách này. Và việc làm sai thường được cho là do cá nhân (hay một vài) người lao động.
Tuy nhiên, nếu người quản lý đặt quyền lợi của khách lên hàng đầu, giám sát, quản lý tổ chức chặt chẽ hơn thì những sự việc khó xảy ra. Nếu không có phản ảnh, không có sự phát hiện của người sử dụng dịch vụ, những hành vi sẽ tiếp tục diễn ra, thêm nhiều người sử dụng dịch vụ bị ảnh hưởng trực tiếp...
Thực tế đáng buồn, từ lâu nhiều người đi du lịch đã dặn nhau cần có sự cảnh giác nhất định trong việc sử dụng dịch vụ du lịch, lưu trú. Nhiều người lo âu về những máy quay đặt đâu đó, họ ngại dùng vật dụng khách sạn. Nhưng qua những câu chuyện gần đây, người làm du lịch cần chấn chỉnh ngay để phục vụ tốt hơn, lấy lại lòng tin.
Sự trung thực, hết lòng với khách hàng là đạo đức của người làm việc trong ngành dịch vụ này. Không ít người đã ứng xử sai, từ những điều đơn giản nhất là câu chuyện vệ sinh.
Có thể rất nhiều người làm những công việc này chưa từng qua đào tạo, thiếu hiểu biết cần thiết nhưng tinh thần phục vụ không thể thiếu. Trục lợi từ công việc của mình để kiếm tiền từ khách hàng càng là chuyện không thể chấp nhận. Đó là những hạt sạn cần loại bỏ để ngành du lịch, nhà hàng khách sạn thêm tiếng thơm.
Kiên quyết, từ chuyện nhỏ
Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch), trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 8,4 triệu lượt khách (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018); phục vụ 45,5 triệu lượt khách nội địa, trong đó có 22,9 triệu lượt khách lưu trú.
Đồng thời, tổng thu từ khách du lịch đạt 338.000 tỉ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ... Những con số trên cho thấy sức hút và nguồn lợi thu về rất lớn của ngành kinh doanh du lịch.
Phát triển du lịch bền vững, ngành chức năng và cả chủ kinh doanh phải kiên quyết xử lý những sự việc tưởng nhỏ mà không nhỏ này. Vài hành vi lệch chuẩn văn hóa, đạo đức, những vụ việc nhỏ nhưng như con sâu cứ làm sầu du lịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận