30/12/2014 20:30 GMT+7

AFP khen mô hình nuôi cá tầm ở Đà Lạt

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Hãng tin AFP (Pháp) vừa đăng tải bài viết của tác giả Cat Barton ghi nhận những tín hiệu vui từ mô hình nuôi cá tầm của doanh nhân Việt Nam tại Đà Lạt.

Các công nhân kiểm tra lồng cá tại trại cá tầm ở hồ thủy điện tại Bình Thuận - Ảnh: AFP

Chúng tôi lược thuật nội dung bài báo này để giới thiệu cùng bạn đọc.

Ở một trại nuôi cá tầm trên khu hồ còn rất mới gần một thị trấn phía nam Đà Lạt, phóng viên AFP có dịp tiếp cận với “vua trứng cá tầm” Lê Anh Đức và tận mục sở thị cả “vương quốc” lẫn “gia tài trong nước” của ông vua này.

Hiện doanh nhân này đang sở hữu khoảng 500.000 con cá tầm được nuôi tại sáu hồ cá vốn thuê lại từ các hồ chứa thủy điện trong nước. Trong số đó, có khoảng 40 con cá tầm trắng, loài cá cho trứng có giá trị rất cao.

Thông thường trứng cá tầm Beluga đen có giá 5.000 - 10.000 USD/kg, nhưng với trứng cá tầm trắng giá bán lên tới 100.000 USD/kg.

Xây dựng thương hiệu cá tầm Việt

Trong cảm nhận của phóng viên Cat Barton, doanh nhân Lê Anh Đức là người dễ mến, ưa phiêu lưu, mạo hiểm. Từng học ở Nga về, người đàn ông 36 tuổi này đã trải qua các lĩnh vực kinh doanh trước đó như bất động sản, tàu biển nhưng rốt cuộc trụ lại với nghề nuôi cá tầm.

Trong tham vọng lâu dài, anh Đức muốn đưa trứng cá tầm Việt Nam tới bàn ăn ở khắp các quốc gia trên thế giới với giá cả hợp lý nhất. Nhưng thị trường khởi điểm anh chọn là Nga, quốc gia từ lâu đã rất ưa chuộng món trứng cá muối.

Anh Đức lý giải: “Nếu chúng tôi có thể bán được trứng cá tầm sang Nga - nơi người ta thật sự rất sành về trứng cá tầm - chắc chắn họ sẽ nhận ra đây là sản phẩm chất lượng cao”.

Trên thực tế, doanh nghiệp “Caviar de Duc” của anh Lê Anh Đức đã ký kết xong xuôi một hợp đồng với nhà nhập khẩu Nga về việc bán 2-4 tấn trứng cá tầm trong năm 2015.

Năm nay, các hồ nuôi cá tầm của doanh nhân Lê Anh Đức cho thu hoạch khoảng 5 tấn trứng cá. Anh Đức mong muốn tới năm 2017 sản lượng sẽ tăng hơn ba lần và tiến tới giấc mơ thu về trung bình mỗi năm khoảng 100 tấn trứng cá tầm chất lượng cao.

Từ lâu người ta vẫn biết trứng cá tầm là món ăn thuộc loại cao lương mỹ vị rất đắt tiền. Nhưng nếu những năm 1970 sản lượng khai thác trứng cá tầm tự nhiên vẫn còn đạt khoảng 3.000 tấn/năm thì tới nay gần như không còn gì khai thác.

Việc đánh bắt quá mức và ô nhiễm vùng biển Caspie đã gây tình trạng khan hiếm và cạn kiệt này. Từ năm 1998, các hạn chế nghiêm ngặt về việc cấm săn bắt cá tầm tự nhiên theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) đã thúc đẩy mối quan tâm và đầu tư vào việc nuôi cá tầm.

Trong nhiều thập kỷ qua, Ý đã triển khai việc này và hiện họ là nhà cung cấp cá tầm nuôi lớn nhất thế giới. 

Theo phóng viên AFP, Việt Nam là một trong những gương mặt thuộc “thế hệ những thành viên mới” trong chuỗi cung ứng cá tầm.

Cầu đang vượt cung

Theo ước tính của Hội Bảo tồn cá tầm thế giới (WSCS), hiện lượng trứng cá tầm từ các hồ nuôi chiếm phần lớn trong tổng số 250-400 tấn cá tầm tiêu thụ trên thị trường toàn cầu mỗi năm.

Nhìn lại một trong các nguồn cung lớn nhất trước đây là Nga, ông Paolo Bronzi, phó chủ tịch WSCS, cho biết “lượng cá tầm tự nhiên đã gần như biến mất”.

Bếp trưởng Sakal Phoeung của khách sạn Sofitel Saigon Plaza chuẩn bị món ăn với trứng cá tầm của ông Lê Anh Đức - Ảnh: AFP

Trong khi nguồn cung cá tầm tự nhiên giảm thì nhu cầu tiếp tục tăng khi có thêm các thượng đế là những đại gia mới nổi ở châu Á và Trung Đông. Thực tế này tất yếu thúc đẩy nhu cầu tìm ra nguồn cung mới và bền vững.

Theo WSCS, cá tầm cũng như cá hồi tương đối dễ nuôi. WSCS ước tính trong vài năm tới các bên cung cấp có thể nâng sản lượng lên tới 500-750 tấn/năm.

Việt Nam vốn đã phát triển một nền công nghiệp nuôi trồng thủy sản lớn với sản lượng xuất khẩu tôm và cá tra đáng kể. Riêng về an toàn thực phẩm, doanh nhân Lê Anh Đức không sử dụng hormone hay thuốc kháng sinh và nuôi cá tầm trong các lồng bè lớn với số con hạn chế.

Anh cũng dùng muối ướp trứng cá thay cho hóa chất borex thường được dùng ở hầu hết các loại trứng cá tầm. Cũng vì thế các hộp trứng cá của anh chỉ có thời hạn sử dụng trong hai tháng. Nhưng anh đang tiến tới áp dụng công nghệ đông lạnh kỹ thuật cao của Nhật Bản để có thể kéo dài thời gian sử dụng hơn.

Doanh nhân này cũng từ chối bán sỉ trứng cá tầm cho các thương hiệu lớn trong thị trường hiện tại. Anh muốn xây dựng thương hiệu trứng cá tầm Việt Nam.

“Họ bảo tôi điên!”

Thử nghiệm đầu tiên nuôi cá tầm của doanh nhân Lê Anh Đức bắt đầu năm 2007 với 50.000 con cá giống. Đó là khi anh phớt lờ khuyên can của các nhà khoa học với niềm tin kiên định cá tầm (loài cá vốn quen sống ở nước lạnh) có thể sống trong những vùng nước ấm hơn khoảng 10 độ C so với nhiệt độ lý tưởng của loài này.

Doanh nhân Lê Anh Đức bên một chùm trứng cá tầm tươi màu đen vừa được lấy ra - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, phải tới năm 2013 anh Đức mới thu được mẻ cá đầu tiên. Anh nhớ lại: “Các nhà khoa học bảo tôi bị điên”. Anh cũng cho biết tất cả chuyên gia người Nga anh thuê làm cố vấn đều bỏ về nước vì không tin chuyện cá tầm sẽ sống tốt trong các hồ nước ở Việt Nam với nhiệt độ đó.

Không chỉ tập trung tới thị trường quốc tế, ngay tại trong nước trứng cá tầm của anh Đức đã bắt đầu có mặt tại nhiều khách sạn năm sao và các bữa tiệc lớn của đại gia.

Ông Sakal Phoeung, bếp trưởng khách sạn Sofitel Saigon Plaza, nơi đã sử dụng trứng cá tầm của anh Đức, nhận xét: “Trứng cá tầm này rất ngon. Dĩ nhiên nó nhỏ hơn so với loại trứng cá chúng tôi thấy ở Nga hay Iran nhưng về chất lượng và hương vị cũng giống như vậy”.

 

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên