Dịch vụ ADSL: Bán thiếu 90% chất lượng, ai phạt?
![]() |
Ảnh minh họa: VNN |
So với các quốc gia khác trên thế giới, giá tiền sử dụng dịch vụ ADSL của nước ta thuộc loại cao nhưng chất lượng lại kém, vì sao? Các nhà cung cấp dịch vụ bán thiếu 90% chất lượng, tin này gây sốc rất nhiều cho người sử dụng.
Ai sẽ giải quyết vấn đề này thoả đáng? Chúng tôi muốn các nhà cung cấp dịch vụ trả lời và bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng!
Tôi là khách hàng của ADSL FPT (MegaStyle plus) đã gần 2 năm, nhưng chưa bao giờ được hưởng đúng tốc độ như quảng cáo mặc dù tôi chưa bao giờ đóng tiền trễ. Thời gian đầu, tốc độ download buổi sáng từ 9g sáng đến 22g tốc độ còn được 80Kbps, càng về sau càng giảm: 60Kbps, 50Kbps và bây giờ chỉ còn 30-40Kbps.
Thời gian giới hạn tốc độ ngày càng kéo dài, hiện tại là 7g sáng - 23g, có hôm còn kéo dài tới 00g hay 1,2g sáng! Mạng FPT là vào buổi tối khuya, khoảng 1,2g sáng, tốc độ rất nhanh, nhưng sau 7g sáng tốc độ không thể vượt quá 30-40Kbps, chưa bằng 1/5 tốc độ quảng cáo. Để có tốc độ như quảng cáo, tôi phải thức khuya sau 1g sáng.
Điều này buộc khách hàng phải đánh đổi thời gian, và rất ảnh hưởng tới sức khỏe. Lúc mạng chậm, gọi điện đến phòng hỗ trợ kỹ thuật, họ lại đổ lỗi rằng máy tôi bị virus (?!), router của tôi bị hư chứ không thừa nhận trách nhiệm.
Tôi đã từng 1 lần tin lời anh kỹ thuật viên FPT nọ, rằng máy tôi bị virus và đã format lại máy, cài lại chuơng trình mất gần 3 ngày với hy vọng sau đó tốc độ sẽ khá hơn, nhưng cuối cùng vẫn chỉ đạt 30-40Kbps... Thiết nghĩ đã tới lúc các cơ quan, chính phủ có thẩm quyền cần lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, để người tiêu dùng được hưởng những gì họ đáng hưởng.
Tôi mới mở 1 tiệm Internet ở Đồng Xoài - Bình Phước. Đăng ký gói cước 2Mb/512kb nhưng tốc độ tối đa chỉ có được khoảng 100kb trở lại, vào mạng rất chậm. Tiền hàng tháng vẫn phải nộp đầy đủ, không nộp đủ, nhà cung cấp dịch vụ sẽ cắt, mà cắt thì sẽ "toi" vì ở đây chỉ có 1 nhà cung cấp dịch vụ (MegaVNN). Đó là chưa kể một ngày rớt mạng có khi 2-3 lần. Nếu có đủ luật tôi cũng sẽ kiện!
Tôi thấy bài báo phản ánh rất đúng. Tuy vậy phải làm như thế nào để các nhà cung cấp dịch vụ có trách nhiệm với khách hàng và trước pháp luật là cả một vấn đề. Mong Tuổi Trẻ tiếp tục chủ đề này có thể cho đến khi nào quyền lợi của khách hàng được đảm bảo.
Việc kiểm soát dung lượng của dịch vụ ADSL hiện nay còn mù mờ hơn cả đồng hồ taxi. Người ta nói nhiều đến việc taxi "móc túi" khách hàng vì ít ra khách hàng vẫn có thể ước tính hoặc thậm chí là đo lại chính xác được quãng đường đã đi, còn đối với dung lượng down-upload thì sao, ai kiểm soát và khách hàng có thực sự trả đúng số tiền mà họ đã sử dụng không? Mong quý báo tiếp tục làm rõ vấn đề này.
Tôi cũng là khách hàng chịu chung số phận này. Hồi đầu tôi sử dụng Mega VNN trả theo dung lượng, tốc độ khá nhanh, nhưng do tôi sử dụng nhiều (980.000đ/tháng) nên chuyển sang xài trọn gói. Kết quả là... quá tệ (chậm không thể chịu nổi).
Sau thời gian tìm hiểu và chỉ mong muốn tìm được nơi sử dụng Internet nhanh và ổn định một chút, tôi quyết định chọn Internet của SCTV với tốc độ trong hợp đồng là 4Mb/2Mb (down/up). Hồi đầu chạy khá nhanh (có lúc download 80Kbps/sec hoặc hơn), nhưng cho tới giờ... lại bệnh chung là quá chậm.
Tôi và cùng nhiều người khác cũng chỉ mong nhà cung cấp hãy coi lại cách làm việc của chính mình, hãy coi người sử dụng nghĩ gì, bực bội như thế nào khi mạng bị như thế (đó là sự thực). Tôi nghĩ muốn Việt Nam hòa nhịp và phát triển CNTT, thương mại điện tử, Nhà nước phải quản lý và can thiệp mạnh đối với nhà cung cấp internet. Nhà cung cấp cũng phải nghĩ tới lợi ích của khách hàng và chú ý tới những đồng tiền phải trả không chính đáng của khách hàng.
Tôi là du học sinh ở Hungary. Ở đây, tôi đăng ký dịch vụ của T-mobile, một nhà cung cấp viễn thông (di động, internet...) của Đức. Ban đầu, tốc độ cam kết của họ là 3Mbps (tương đương 400KB/s) và hầu như tôi luôn đạt được tốc độ này dù dùng trình hỗ trợ download hay không. Một thời gian sau, có một hãng mới xuất hiện là UPS (Mỹ), họ đưa ra những gói sản phẩm rẻ hơn mà với tốc độ tốt hơn hẳn so với T-Mobile.
Khi tôi dự định đổi sang UPS thì nhận được email thông báo của T-Mobile là trong vòng 2 tuần tới, họ sẽ nâng cấp dung lượng đường truyền lên gấp đôi. Nói là làm, khoảng 1 tuần sau, tốc độ download của tôi tăng lên đến 800KB/s tức là tốc độ cam kết của họ đã tăng lên 6.4Mbps nhưng giá cả vẫn giữ nguyên như cũ. Đó là cách cạnh tranh ở nước ngoài; khi các nhà cung cấp cạnh tranh thì người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn và càng có lợi cho người tiêu dùng.
Ngược lại, cách cạnh tranh ở Việt Nam, người tiêu dùng lại lãnh tất cả hậu quả của việc thiếu trách nhiệm của nhà cung cấp. Thử hỏi, khi thị trường viễn thông trong nước bắt buộc phải mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài, liệu các nhà cung cấp dịch vụ trong nước có "tồn tại" nổi không?
Tốc độ ADSL ở Việt Nam đúng là có những lúc hơi chậm đến rất chậm. Thực ra nguyên nhân chính là do cùng lúc có quá nhiều người sử dụng Internet, không nên đổ hết trách nhiệm cho nhà cung cấp dịch vụ.
Khi bạn thuê một gói cước ADSL là 512/256Kbps, về mặt lý thuyết, bạn được đảm bảo tốc độ download là 512Kbps và tốc độ upload là 256Kbps bởi nhà cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên cần phải hiểu việc đảm bảo ở đây chỉ là đảm bảo cho đoạn local loop (tạm dịch là vòng thuê bao đầu cuối), có nghĩa là tốc độ từ nhà bạn tới "điểm truy cập" của nhà cung cấp. Điểm truy cập (còn gọi là DSLAM - Digital Subcriber Line Access Multiplexer) là điểm tập trung rất nhiều thuê bao lại để từ đó định tuyến đến cổng ra internet. Điều đó có nghĩa là tốc độ từ thuê bao tới điểm truy cập không phải là tốc độ thực ra internet. Rất nhiều người đang nhầm lẫn về khái niệm này.
Hiện nay các nhà cung cấp dịch vụ (VNPT, FPT, Vietel, EVN...) chỉ đảm bảo tốc độ từ nhà bạn tới điểm truy cập mà thôi. Tức là gói cước 512/256 Kbps thực chất chỉ cung cấp tốc độ download và upload từ nhà bạn tới điểm truy cập.
Một khái niệm nữa cần làm rõ là tốc độ khi bạn download 1 file dữ liệu trên mạng về. Nếu bạn sử dụng trình duyệt web internet explore để download bạn sẽ thấy tốc độ hiển thị trên cửa sổ download chẳng hạn như 40kb/s, 50kb/s 100kb/s... Đơn vị kb/s mà bạn thấy hiển thị trên cửa sổ download được tính là kilobyte trên giây chứ không phải phải kilobit trên giây như mọi người vẫn lầm tưởng. Và 1kb/s (kilobyte trên giây) = 8 x 1kbps(kilobit trên giây).
Như vậy nếu bạn download file mà thấy tốc độ hiện lên là 50kb/s tức là sẽ tương đương với 50x8 = 400 kbps. Vậy khi bạn thuê đường ADSL với gói cước 512/256 mà download được với tốc độ 50kb/s = 400kbps là quá ổn rồi vì thực tế không thể đạt được tốc độ tối đa 512kbps do còn phụ thuộc vào việc bạn đang download ở website nào và hiện đang có bao nhiêu người truy cập vào website đó.
Nếu xét về góc độ kinh doanh của nhà cung cấp dịch vụ thì họ phải tính tới mức độ hiệu quả. Nhà cung cấp không thể đi mua đường truyền 10Mbps để phục vụ cho 10 khách hàng, mỗi khách hàng có tốc độ 1Mbps bởi vì không phải lúc nào cũng có 10 khách hàng truy cập mạng cùng lúc. Và nếu bạn thuê đường truyền tốc độ 1Mbps và lúc nào cũng muốn đảm bảo tốc độ này thì chắc chắn giá thành sẽ tăng lên rất nhiều.
Việc không tăng băng thông ra internet nhưng vẫn tăng số lượng thuê bao dẫn tới tình trạng thắt cổ chai hay còn gọi là over-subcription. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc làm chậm việc truy cập mạng của khách hàng. Tuy nhiên chẳng ai có thể chứng minh được việc này và miễn cưỡng phải chấp nhận. Tất cả đều trông chờ vào sự "lương thiện" của nhà cung cấp.
Tôi cũng là một người dùng ADSL gói gia đình, và cũng ghi nhận tình trạng đúng như bài báo phản ánh. Hiện nay các nhà cung cấp đua nhau khuyến mãi để mở rộng thêm thuê bao. Nhưng "thêm người thêm đũa", mà nhà cung cấp lại giống như một anh chủ nhà keo kiệt, không chịu dọn thêm món, chỉ nhăm nhăm "kê thêm ghế vào bàn tiệc". Đường truyền thì tốc độ tải có hạn, mà cứ ào ạt cho thêm thuê bao vào. Vì vậy tình trạng đường truyền chậm, rớt mạng hoài là lẽ đương nhiên.
Tôi nhà ở quận 2 và hiện đang sử dụng gói cước Mega You của FPT. Tốc độ tối đa lúc nửa đêm cũng chỉ khoảng 50Kbps. Lúc trước khi ký hợp đồng, tôi chọn thuê bao trọn gói (250.000đ/tháng). Nhưng hiện tại do công việc phải di chuyển nhiều, nhu cầu sử dụng internet tại nhà giảm xuống, tôi muốn chuyển sang thuê bao theo dung lượng, dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu. Thế nhưng công ty FPT yêu cầu phải nộp lệ phí chuyển đổi là 330.000đ. Tôi thấy như vậy thật là quá đáng. FPT quản lý thuê bao bằng phần mềm, khi chuyển đổi cách tính phí đâu cần phải đầu tư thiết bị hay nhân lực gì, vậy mà bắt khách hành phải đóng một mức phí quá cao như vậy? Tôi thật thất vọng về cách hành xử này.
Nhớ lại bài viết về cách các cửa hàng phát hành báo ở Nhật Bản mà Tuổi Trẻ vừa đăng cách đây không lâu, ở nước họ, "khách hàng không bao giờ sai", dù là giao báo nhưng nếu để sai vị trí đặt báo, nhân viên phải quay lại để đặt cho đúng vị trí. Nghĩ sao mà thấy thương cho "thượng đế" dùng Internet ở Việt Nam quá. Tôi đề nghị cộng đồng những người dùng Internet hãy lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận