* Năm 2011 kế hoạch lỗ của EVN, tính riêng về điện, trên 11.000 tỉ đồng.
Xem phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận
Nóng nhất, tập trung nhất vẫn là việc ngành điện than lỗ nhưng trả lương cao cho nhân viên và cơ chế điều hành xăng dầu chưa minh bạch.
Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ - Ảnh: Tuấn Thành |
Năm 2010 EVN lỗ hơn 8.040 tỉ đồng
Mở đầu phần trả lời chất vấn của Quốc hội đầu giờ chiều 24-11, ông Huệ cho biết cơ chế quản lý giá hiện được thực hiện kiên trì theo nguyên tắc thị trường (tôn trọng việc định giá của doanh nghiệp, các hạch toán hợp lý vào trong giá thành, đảm bảo mọi thành phần doanh nghiệp có mức lãi phù hợp) và có sự có sự kiểm soát của Nhà nước.
Với lĩnh vực điện, nhu cầu điện cho đất nước rất lớn nên nếu không có mức giá phù hợp sẽ khó lòng thu hút cạnh tranh, không giải quyết được nhu cầu căng thẳng về điện. Cơ chế thị trường lại không cho phép bao cấp tràn làn hoặc bù chéo với nhau. Hiện trong cơ cấu giá thành của điện nếu dựa theo cơ chế bù chéo, giá than tính cho điện chỉ bằng 57-63% so với giá than bán cho các hộ tiêu thụ khác. Ngay trong giá điện vẫn còn bao cấp cho sản xuất thép và ximăng.
Theo kết quả kiểm toán nhà nước, năm 2010 sản lượng điện thương phẩm cung cấp cho sản xuất thép và ximăng đã chiếm hơn 11% tổng lượng điện thương phẩm với sản lượng lên đến hơn 9 triệu kWh, với giá bán 914 đồng/kWh. Với giá bán này, điện đã bao cấp chéo cho hai ngành này hơn 2.547 tỉ đồng, trong đó doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thép chiếm hơn 506 tỉ đồng. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp nước ngoài tận dụng giá điện rẻ để nhập nguyên liệu, sản xuất và sau đó xuất khẩu thép thành phẩm ra nước ngoài. |
Ông Huệ khẳng định trong báo cáo kiểm toán xác nhận các đầu tư ngoài ngành của EVN tuyệt nhiên không được tính vào hơn 8.000 tỉ đồng nói trên. Chênh lệch tỉ giá lỗ đến hơn 15.000 tỉ đồng được cho là nguyên nhân lỗ chính của EVN.
Cũng theo ông Huệ, năm 2011 kế hoạch lỗ của EVN, tính riêng về điện, trên 11.000 tỉ đồng. Tuy nhiên hết chín tháng đầu năm 2011, lỗ thực sản xuất điện là 680 tỉ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn của EVN. Nhưng đến cuối tháng 9 và 10-2011, do có hai nhà máy điện chạy khí đưa vào vận hành nhưng bị cắt khí nên phải dùng dầu để chạy. Vì phải mua dầu với giá cao chạy điện nên phát sinh 2.655 tỉ đồng, cộng với khoản lỗ của chín tháng đầu năm nên dự kiến lỗ của EVN năm 2011 ở mức khoảng 3.540 tỉ đồng. So với mức lỗ dự kiến ban đầu rõ ràng là đỡ rất nhiều.
Cũng theo ông Huệ, kịch bản điều hành giá điện năm 2012 sẽ theo nguyên tắc thị trường để bù đắp được chi phí cho nhà đầu tư. Giá thành của điện năm 2012 thống nhất xác định theo giá thành của năm 2011 và các chi phí đầu vào, chi phí chênh lệch tỉ giá được tính theo ngày 15-9-2011. Đặc biệt, sẽ không tính tất cả phần lãi của EVN ở các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối đến bán lẻ, tức tính lãi của những khoản này bằng 0.
Riêng giá than bán cho EVN bằng 57-63% giá thành tiêu thụ của than. Còn các họp đồng mua bán điện giữ nguyên như hiện hành.
Như vậy nếu áp dụng phương án này, giá thành của điện năm 2012 khoảng 1.242 đồng/kWh, tăng 4,6% so với giá bán hiện nay. Đây là mức tăng hết sức kiềm chế. Đồng thời toàn bộ điện bán cho hộ nghèo và thu nhập thấp vẫn giữ nguyên như mức hiện tại, kể cả khoản hỗ trợ 30.000 đồng/tháng từ ngân sách.
Xăng dầu có lãi
Liên quan vấn đề Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lời hay lỗ, ông Huệ khẳng định: có lãi. Dẫn báo cáo kết quả kiểm toán trong ba năm liền của Công ty Deloitte, ông Huệ cho hay năm 2008 Petrolimex lãi 913,7 tỉ đồng, trong đó kinh doanh xăng dầu 642 tỉ đồng. Năm 2009 lãi 3.217 tỉ đồng, trong đó kinh doanh xăng dầu lãi 2.660 tỉ đồng, còn lại là lãi từ các đầu tư khác. Năm 2010, doanh nghiệp này lãi 314 tỉ đồng, trong đó xăng dầu lỗ 172 tỉ đồng, nhưng các ngành khác lãi gần 200 tỉ đồng.
“Cho nên tính tổng lại thì xăng dầu vẫn lãi và trong ba năm thì Petrolimex đều có lãi cả” - Bộ trưởng Huệ khẳng định.
Cũng theo ông Huệ, nếu không có biến động về tỉ giá đầu năm 2011 và các đầu mối xăng dầu chấp hành đúng các định mức về bán hàng thì không thể có chuyện lỗ trong kinh doanh xăng dầu. “Tình hình lỗ lãi của các doanh nghiệp xăng dầu bộ sẽ có báo cáo cụ thể sau khi hoàn tất quá trình kiểm tra” - Bộ trưởng Huệ cho biết.
Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ trưởng Vương Đình Huệ trả lời, được Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chỉ định trả lời bổ sung, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đưa ra một thông tin hoàn toàn trái ngược với thông tin từ Bộ trưởng Huệ đưa ra chỉ mấy phút trước đó.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, khi tiến hành cổ phần hóa, theo quy định Petrolimex phải công khai tất cả kết quả sản xuất kinh doanh. Theo đó, trong ba năm từ 2008-2010 tính về tổng thể, doanh nghiệp này có lãi, nhưng riêng kinh doanh xăng dầu bị lỗ. Do doanh nghiệp này không giải thích cặn kẽ, chi tiết đã khiến dư luận hiểu nhầm kinh doanh xăng dầu có lãi.
Cuối cùng, sau khi được chủ tịch Quốc hội yêu cầu trả lời thêm để thông tin từ hai bộ trưởng thống nhất, Bộ trưởng Vương Đình Huệ tái khẳng định: “Tổng thể thì trong ba năm liền Petrolimex đều có lãi từ xăng dầu. Chỉ riêng năm 2011 này là đang lỗ vì biến động tỉ giá. Tuy nhiên, theo tôi, nếu các doanh nghiệp đầu mối chấp hành nghiêm chỉnh việc chiết khấu hoa hồng cho đại lý ở mức 600 đồng/lít thì hoàn toàn không có chuyện kinh doanh xăng dầu bị lỗ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận