* Chưa ghi nhận trường hợp nào mất tích trên đường
Chính quyền huyện Lý Sơn không có phương tiện cũng như quyền hạn để can thiệp và tìm kiếm ngư dân lúc này.
9 ngư dân Lý Sơn đang ở đâu?33 thợ mỏ và 9 ngư dân9 ngư dân Lý Sơn đã được thả
Phóng to |
Nhiều người dân ở Lý Sơn hi vọng 9 ngư dân sẽ sớm về an toàn - Ảnh: Đoàn Cường |
Phóng to |
Bà Võ Thị Tươi và tấm ảnh đứa con trai thứ là Bùi Văn Hải (đi trên tàu của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu) - Ảnh: Đoàn Cường |
Phóng to |
Nhiều ngày qua, chị Phạm Thị Lành (vợ thuyền viên Bùi Văn Minh) ngày nào cũng dắt díu con qua nhà hàng xóm để nghe điện đài về tin tức của chồng - Ảnh: Đoàn Cường |
Phóng to |
Cháu Dương Tấn Phát (3 tuổi) đợi cha là anh Dương Dũng từ biển khơi trở về - Ảnh: Đoàn Cường |
Phóng to |
Bà Phạm Thị Lan héo hon vì đợi tin chồng con từ biển khơi nhưng vẫn biệt tích - Ảnh: Đoàn Cường |
Theo ông Huyện thì huyện Lý Sơn không thể làm công văn gởi các Bộ, ngành trung ương nhờ can thiệp mà việc đó là việc của các Bộ, ngành trung ương phải làm cho ngư dân Lý Sơn lúc này. “Vì huyện chỉ nghe thông báo bằng miệng của cấp trên là tàu thuyền và ngư dân đã được thả, nhưng không có văn bản chính thức, nên chúng tôi không biết thả hay chưa để làm văn bản phản hồi hay kêu cứu!” - ông Huyện nói.
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ Online về vấn đề này, ông Trương Ngọc Nhi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh đang kiến nghị Bộ Ngoại giao can thiệp và xác minh lại thông tin về tàu cá QNg 66478 TS và việc thả 9 ngư dân của huyện đảo Lý Sơn.
Ông Nhi cũng cho hay, sáng nay 14-10, có thông tin cho biết 9 ngư dân này sẽ trở về tại bến cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) nên tỉnh dự kiến sẽ tổ chức đón và đưa họ trở về huyện đảo Lý Sơn.
Chưa ghi nhận trường hợp nào mất tích trên đường
Tung tích của tàu cá QNg-66478 TS cùng 9 ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt giữ ngày 11-9 và thả ngày 11-10 vẫn chưa sáng tỏ. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 14-10, người phát ngôn Nguyễn Phương Nga cho biết: “Bộ Ngoại giao cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền của Quảng Ngãi để phối hợp tìm kiếm và hỗ trợ tàu cá và ngư dân trở về.” Bà Nga cũng nói Bộ Ngoại giao đã báo cáo sự việc lên cấp cao hơn.
Trước câu hỏi của các phóng viên về những rủi ro có thể xảy ra khi các ngư dân quay về, bà Nga trả lời: “Đi trên biển không giống như đi trên đất liền. Sự việc mới diễn ra. Nếu đúng như theo thông tin phía Trung Quốc cung cấp tức tối 11-10 các ngư dân trên đường trở về. Nếu đường đi bình thường thì cũng phải tối muộn ngày 12-10 hoặc trong ngày 13-10 ngư dân mới về được đến nhà. Đến sáng 13-10 khi chưa thấy tàu và ngư dân trở về thì Bô ngoại giao Việt Nam đã gặp đại sứ quán Trung Quốc để yêu cầu xác minh thông tin, yêu cầu Trung Quốc phối hợp tìm kiếm.”
Khắc khoải vọng phu
Ở một xóm nhỏ của thôn Tây (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn) có nhiều gia đình mang một hằng số chung là người thân liên tục bị nước ngoài bắt khi đi biển. Những người vợ trẻ, những đứa con thơ khắc khoải vọng phu…
Nghe tin tối 12-10 chồng là anh Bùi Văn Minh (thuyền viên đi trên tàu ông Mai Phụng Lưu) sẽ trở về đất liền, chị Phạm Thị Lành (28 tuổi, vợ anh Minh) cùng 3 đứa con thơ cứ khắc khoải đợi chờ. Nhưng đến chiều 14-10, chị Lành vẫn bặt tin chồng từ biển khơi. 3 đứa con, đứa lớn nhất mới 8 tuổi, đứa nhỏ nhất mới được 1 tuổi được chị Lành bồng bế qua nhà hàng xóm để nghe tin tức của chồng.
“Mấy đêm liền tui chẳng ngủ được, cứ phải qua nhà chị Tươi để nghe điện thoại xem có tin gì mới không. Nhà chỉ có ảnh là lao động chính mà ảnh đi biệt luôn nên 3 mẹ con phải đi mượn gạo của làng xóm để về ăn đỡ” - chị Lành buồn nói. Hằng ngày, 4 mẹ còn chị Lành dắt díu nhau xuống nhà bà Tươi ngồi chờ đợi chồng con.
Cũng như chị Lành, bà Võ Thị Tươi (42) tuổi có con là Bùi Văn Hải (20 tuổi) cũng đang đi trên tàu mà phía Trung Quốc đã thả. Anh Hải mới lập gia đình hồi tháng 7 và hay tin vợ có bầu được 2 tháng. “Biết vợ có bầu là Hải lên thuyền đi biển để lấy tiền về lo sinh nở cho vợ sau này. Ai ngờ 1 năm mà nó bị phía Trung Quốc bắt đến 2 lần, chẳng biết sống chết ra sao” - bà Tươi lo lắng.
Từ ngày nghe tin anh Hải được thả, chị Mai Thị Huệ (vợ anh Hải) dù bụng mang dạ chửa nhưng đêm nào cũng cùng mẹ chồng chạy xe ra cảng ngóng tin chồng từ biển khơi. Bà Tươi nghẹn giọng: “Mỗi lần đi là một lần thất vọng và lo sợ. Trước ngày 2 đứa nó chuẩn bị đám cưới, Hải cũng bị Trung Quốc bắt nên vợ nó lo lắm. Đêm nào nó cũng ôm bụng bầu khóc sợ con sinh ra sẽ…”.
Đêm 12-10, bà Tươi và con dâu cũng 5 lần chạy xe ra cảng để đón anh Hải nhưng đều vô vọng. Chồng chưa về và cũng không biết tính mạng sẽ ra sao nên mỗi khi có người thuê đi trồng tỏi, chị Huệ cũng gắng gượng đi làm để sau này mua sữa, mua áo quần cho con cái. Bà Tươi sợ sệt nói: “Nếu không nói đã thả ra còn đỡ lo, đằng ni nói thả rồi mà mãi không thấy về, giữa biển trời biết nơi mô mà lần”.
Cách đó không xa, nhà anh Dương Dũng (thuyền viên trên tàu QNg 66478 TS) thật ảm đạm. Vợ anh Dũng là chị Bùi Thị Trang phải gửi đứa con đầu lòng cho bà ngoại nuôi rồi đi bán khoai lang nướng dạo. Bà Cười (mẹ chị Trang) phải thay con cái chăm sóc cho cháu Dương Tấn Phát (3 tuổi). Bà nói: “Dũng nó đi chuyến này nữa về là nghỉ mấy tháng đông và đến mãi tháng 12 mới đi lại. Nó nói gắng đi một chuyến hy vọng thắng lớn để về lo cho vợ con. Ai ngờ”. Mấy ngày qua, bà Cười ôm cháu ngoại cứ mỏi mòn nhìn về phía đại dương xanh ngắt, bà nói: “Nó đi biển mà bị bắt liên tục 3-4 lần nên gia cảnh cũng kiệt quệ rồi”.
Suốt những ngày qua, bà Phạm Thị Lan (vợ của thuyền trưởng Mai Phụng Lưu) cũng héo hon đợi chồng con. Nghe tin tối 12-10 chồng con sẽ về, bà lấy số tiền đi làm thuê cho người ta về mua mấy khúc xương heo và cân thịt lợn nạc để bồi bổ cho chồng con. Nhưng từ khi chồng con không về, nồi cháo xương và nồi thịt kho bà cũng để nguội lạnh trên bếp…
Diễn biến vụ việc
- 11-9 phía Trung Quốc bắt giữ tàu cá số hiệu QNg-66478 TS cùng 9 ngư dân - Sau khi xác minh, các cơ quan chức năng Việt Nam khẳng định tàu cá trên chỉ mang theo ngư cụ đánh bắt thông thường như lưới, đèn soi cá và hoạt động tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. - Bô Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này ở nhiều cấp khác nhau ở Hà Nội và Bắc Kinh, trong đó có bốn lần ở cấp Thứ trưởng với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, 1 lần gửi Công hàm tới Đại sứ quán nói rõ việc bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam trong khi họ đang hoạt dộng nghề cá bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc thả ngay và vô điều kiện tàu cá QNg-66478 TS và chín ngư dân bị bắt giữ. - Ngày 9-10, phía Trung Quốc thông báo đã quyết định thả tàu cá QNg-66478 TS. - Chiều 11-10, phía Trung Quốc thông báo vào 13g cùng ngày, chín ngư dân và tàu cá Việt Nam đã lên đường về nhà - Sáng 13-10, khi chưa thấy tàu về, Bộ Ngoại giao đã gặp Đại sứ quán TQ yêu cầu phía TQ phối hợp tìm kiếm tàu cá và ngư dân Việt Nam và đồng thời đề nghị phía Trung Quốc kiểm tra xem khi được thả, tàu QNg-66478 TS có được cung cấp đầy đủ nhiên liệu, trang thiết bị cần thiết, đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân không. - Tối 13-10, đại diện Đại sứ quán Trung Quốc thông báo cho đại diện Bộ Ngoại giao là khi đã quyết định thả, phía Trung Quốc có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân Việt Nam, phía Trung Quốc đã cung cấp đủ nhiên liệu và trang thiết bị cho tàu cá Việt Nam trước khi thả tàu. 13g ngày 11-10, tàu đã lên đường trở về song quay trở lại đề nghị cấp thêm nhiên liệu và được phía Trung Quốc đáp ứng. Do đang có áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông nên phía Trung Quốc đã khuyến cáo ngư dân Việt Nam có thể ở lại thêm một vài ngày nữa nhưng ngư dân Việt Nam đã quyết định về ngay và ký cam kết tự chịu trách nhiệm về quyết định này. - Tối 11-10: tàu cá và ngư dân Việt Nam đã lên đường trở về - Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc nói đã báo cáo về nước ý kiến của Bộ Ngoại giao Việt Nam đồng thời sẽ thông báo các cơ quan chức năng của Trung Quốc phối hợp tìm kiếm tàu cá và ngư dân Việt Nam. - Chiều 14-10, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi Công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc một lần nữa yêu cầu phía Trung Quốc phối hợp tìm kiếm tàu QNg-66478 TS và chín ngư dân, nếu có thông tin gì thì kịp thời thông báo cho phía Việt Nam. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận