17/05/2004 12:21 GMT+7

84% thị phần ĐTDĐ thuộc về Nokia và Samsung

Theo PCW
Theo PCW

Chỉ trong nửa đầu năm 2004, thị trường ĐTDĐ Việt Nam đã có nhiều biến động, và điều đáng mừng là đa số những biến động này xét trên khía cạnh người dùng là tích cực.

TcVoiVGz.jpgPhóng to
Khách hàng chọn mua ĐTDĐ tại Siêu thị Mobile - Ảnh: T.T.D
Chỉ trong nửa đầu năm 2004, thị trường ĐTDĐ Việt Nam đã có nhiều biến động, và điều đáng mừng là đa số những biến động này xét trên khía cạnh người dùng là tích cực.

Trên thị trường sản phẩm ĐTDĐ, mặc cho Samsung Mobile công bố việc họ quyết tâm qua mặt Nokia về thị phần ĐTDĐ tại Việt Nam trong năm 2004 nhưng trong quí I/2004, thị phần của Nokia và Samsung vẫn không thay đổi so với năm 2003.

Theo công ty nghiên cứu thị trường GFK, Nokia vẫn giữ vị trí dẫn đầu với 47% thị phần và Samsung là 37%, 16% thị phần còn lại thuộc về Motorola, Sony Ericsson, Siemens, LG, Huyndai, V-Fone, S-Fone, Panasonic...

Nhìn những con số trên chúng ta có thể tưởng tượng ra sự thống lĩnh thị trường của Nokia và Samsung, xem ra 16% thị phần còn lại là quá nhỏ bé cho trên dưới 10 nhãn hiệu khác. Vậy đối thủ trước mắt của hai người khổng lồ này trong thời gian tới là ai?

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ĐTDĐ, Sony Ericsson là đáng ngại hơn cả vì họ đang có một số sản phẩm khiến bất cứ người tiêu dùng nào cũng phải quan tâm. Trong những tháng đầu năm 2004, lần đầu tiên người dùng nghe đến khái niệm hai mặt (dual-front) của một chiếc ĐTDĐ.

Sony Ericsson chủ trương thiết kế những chiếc ĐTDĐ có hai mặt đều quan trọng như nhau không có khái niệm mặt trước và mặt sau như những chiếc ĐTDĐ trước đây, và thực tế những chiếc ĐTDĐ mới dual-front của hãng này đã tạo được ấn tượng tốt ngay trong những lần giới thiệu đầu tiên.

Kèm theo việc Nokia chiếm ưu thế trên thị trường là các ĐTDĐ không nắp (Bar) đang chiếm tới 64% thì phần (đa số các ĐTDĐ của Nokia là không nắp) tuy nhiên cũng lưu ý là số lượng người sử dụng ĐTDĐ không nắp đã giảm đến 9% vì cùng kỳ năm ngoài ĐTDĐ không nắp chiếm 75% thị phần. Và xu hướng trong thời gian tới ĐTDĐ có nắp ((bao gồm ĐTDĐ nắp gấp vỏ sò, nắp trượt, nắp đậy bàn phím) sẽ được tiêu thụ nhiều vì ưu điểm gọn, thời trang và tiện dụng của chúng.

Chưa bao giờ người Việt Nam mua nhiều ĐTDĐ như những tháng đầu năm 2004, quí I/2004 đã có khoảng 300.000 ĐTDĐ được bán ra, gần bằng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoài. Xu hướng tiêu dùng cũng đã thay đổi rất rõ ràng, các công nghệ mới đã được ứng dụng và tích hợp vào ĐTDĐ một cách nhanh chóng.

Những tháng đầu năm 2004 số lượng ĐTDĐ có màn hình màu chiếm tới 75% số lượng máy bán ra (cùng kỳ năm ngoái chỉ là 13% số lượng máy có màn hình màu). ĐTDĐ có máy ảnh chiếm 22% số lượng máy bán ra trong quí I/2004, trong khi cùng thời điểm năm ngoái chỉ có 2% ĐTDĐ bán ra là có tích hợp máy chụp ảnh.

Khi hầu hết các ĐTDĐ đếu có màn hình màu, tin nhắn MMS thì ĐTDĐ không thể không có máy ảnh. Vì bản chất tin nhắn MMS là công cụ cho phép người dùng gửi tin nhắn có kèm hình ảnh và âm thanh chính vì vậy một chiếc ĐTDĐ ngày nay không có máy ảnh mới là chuyện lạ.

Nhưng cũng phải nhấn mạnh rằng máy ảnh của ĐTDĐ dù có đạt tới độ phân giải megapixel như một số model được giới thiệu gần đây của Sony Ericsson và Nokia (nhưng chưa được bán ở Việt Nam) thì nó cũng chưa thể thay thế được một chiếc máy ảnh số thông thường.

Trong quí I/2004, vẫn theo GFK top 10 về số lượng ĐTDĐ được bán ra tại Việt Nam lần lượt thuộc về các nhãn hiệu và model sau (xếp theo thứ tự từ cao đến thấp): Nokia 6610, Nokia 6100, Samsung C100, Nokia 3100, Samsung A800, Nokia 1100, Samsung E700, Nokia 2100, Samsung S500, Samsung X430. Như vậy top 10 hoàn toàn thuộc về Nokia và Samsung. Đáng tiếc là sản phẩm Sony Ericsson T610, model đứng đầu top nhiều tháng qua tại châu Á - Thái Bình Dương lại không có một vị trí tốt tại thị trường Việt Nam.

Bảng so sánh số lượng ĐTDĐ bán ra trong quí I/2004 so với quí I/2003

Quí I/2004

Quí I/2003

Số lượng ĐTDĐ bán ra

300.000

170.000

Điện thoại không nắp

64%

75%

Điện thoại có nắp

36%

25%

Điện thoại có máy ảnh

22%

2%

Điện thoại có màn hình màu

75%

13%

(Nguồn GFK Vietnam)

Đương nhiên là trong nửa đầu của năm 2004, còn có nhiều sự kiện khác liên quan đến thị trường ĐTDĐ tại Việt Nam như việc người dùng ĐTDĐ của S-Fone và Mobifone đã có thể nhắn tin được cho nhau; Việc Mobifone và Ericsson thử nghiệm thành công dịch vụ ĐTDĐ thế hệ thứ 3 (3G) tại Việt Nam; CityPhone cung cấp dịch vụ nhắn tin; Thậm chí cả việc Mobifone và Vinaphone vẫn tiếp tục “dắt tay” nhau thử nghiệm dịch vụ GPRS trong suốt nhiều tháng qua mà không biết bao giờ mới tuyên bố kết thúc thử nghiệm...

Năm 2004 còn nửa chặn đường nữa và tin chắc rằng thị trường ĐTDĐ Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều biến động khác, tỷ như sự kiện Vietel sẽ chính thức khai thác dịch vụ ĐTDĐ trong thời gian tới. Người ta dự đoán sẽ tiếp tục có những quả bom giảm giá khác và người hưởng lợi lớn nhất một lần nữa lại thuộc về người dùng.

Theo PCW
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên