Chuyến du lịch ấy có thể “mất vui” chỉ vì bạn “sợ” những triệu chứng của việc “say tàu xe” như chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, nôn ra nước hoặc ra thức ăn, người mệt mỏi, vã mồ hôi, mặt tái xanh, sau chuyến đi có thể bị yếu sức nhiều ngày.
Hiểu rõ say tàu xe
Say tàu xe thường có nguyên nhân từ sự kết hợp các yếu tố:
- Hoạt động của cơ quan tiền đình (ở tai trong) quá mẫn cảm, làm cho cơ thể kém thích ứng với sự thay đổi tư thế, vị trí của cơ thể một cách đột ngột, kéo dài, không có quy tắc (theo sự chao đảo, lắc lư, thay đổi phương hướng, độ cao, thay đổi tốc độ khi nhanh khi chậm của phương tiện giao thông).
- Hoạt động của mắt và tai bị rối loạn khi ghi nhận các thông tin (hình ảnh chuyển động, tiếng ồn…), không đồng bộ với hệ tiền đình (là một bộ phận trong cơ thể giúp con người cảm nhận không gian, vị trí của cơ thể, giúp kiểm soát trạng thái cân bằng), gây ra chóng mặt, nôn mửa, nhức đầu...
- Tình trạng sinh lý của cơ thể: người mới ốm dậy, người suy nhược, mệt mỏi, mất ngủ kéo dài, ăn uống quá no hoặc quá đói.
- Tình trạng tâm lý: tinh thần căng thẳng, lo âu, phiền muộn, cáu giận…
- Phương tiện vận chuyển không đạt chất lượng chuẩn, dằn xóc nhiều, khói xăng dầu tỏa ra nhiều, vệ sinh trong phương tiện kém khiến gây ra mùi khó chịu, chỗ ngồi không thuận tiện, lái xe điều khiển nhanh chậm đột ngột, lạng lách, quay xe, gây ra nhiều chao đảo…
Để phòng tránh say tàu xe, cần có thời gian tập luyện để cơ quan tiền đình giảm mẫn cảm, cơ thể dần dần thích ứng với trạng thái di chuyển đột ngột, chao đảo, quay vòng, đồng thời có kết hợp với sự điều chỉnh bình thường lại những yếu tố bất lợi khác như đã nêu trên.
Luyện tập tăng cường chức năng điều khiển sự thăng bằng của cơ thể
1/ Ngồi thẳng lưng trên ghế có dựa lưng, ngẩng cao đầu và mắt nhìn theo lên trên, chú ý vào một điểm hay một vật nào đó (hít hơi vào từ từ), sau đó cúi gập đầu, cằm chạm ngực, mắt nhìn theo xuống dưới (thở hơi ra từ từ cho hết). Tiếp tục làm 10 lần, về sau nâng lên 15 - 20 lần.
2/ Ngồi thẳng lưng trên ghế, xoay đầu về bên trái, cằm chạm được mỏm vai trái càng tốt, mắt di chuyển theo và nhìn vào một điểm hay một vật nào đó ở phía vai trái, ra phía sau càng tốt.
Sau đó, xoay đầu về phía vai phải, cằm chạm vào mỏm vai phải, mắt cũng di chuyển theo về phía phải, nhìn vào một điểm hay một vật nào đó ở phía vai phải. Tiếp tục làm 10 lần, về sau nâng lên 15 - 20 lần. Hít vào, thở ra, chậm, sâu, đều.
3/ Ngồi thẳng lưng trên ghế, nghiêng đầu về phía vai trái, tai trái chạm vào mỏm vai trái càng tốt, mắt chăm chú nhìn vào một điểm hay một vật nào đó ở phía trước mặt, cách khoảng 40cm. Sau đó, nghiêng đầu về về phía vai phải, tai phải chạm vào mỏm vai phải càng tốt, mắt vẫn chăm chú nhìn vào một điểm hay một vật đó ở phía trước mặt. Tiếp tục làm 10 lần, về sau nâng lên 15 - 20 lần. Hít vào, thở ra, chậm, sâu, đều.
4/ Ngồi thẳng lưng trên ghế, để ngón tay trỏ ở phía trước, cách mắt khoảng 25 đến 30cm. Mắt chăm chú nhìn vào ngón trỏ, sau đó xoay đầu sang bên trái rồi chuyển sang bên phải. Tập xoay đầu từ chậm rãi đến nhanh dần, nhưng lúc nào mắt cũng phải chăm chú nhìn ngón tay trỏ. Tiếp tục làm từ 15 - 20 lần.
5/ Ngồi thẳng lưng trên ghế. Đảo mắt nhìn một số mục tiêu cố định ở bên trái, phía trên, bên phải, phía dưới, vẽ tầm nhìn thành một vòng tròn theo chiều kim đồng hồ. Đầu giữ yên, không xoay. Làm 15-20 lần, sau đó đổi chiều.
Sau khi tập thuần thục, thì xoay đầu theo chiều kim đồng hồ và mắt nhìn theo các mục tiêu. Làm 15-20 lần, sau đó đổi chiều.
6/ Ngồi thẳng lưng trên ghế, xoay đầu theo vòng tròn (phía trái, ra phía trước, qua phía bên phải, ra phía sau) trong khi mắt vẫn mở và nhìn theo hướng của đầu, mỗi lần xoay một vòng. Thực hiện 15-20 lần theo chiều kim đồng hồ. Sau đó đổi chiều, thực hiện từ 15-20 lần. Sau khi tập thuần thục, thực hiện lại động tác nhưng nhắm mắt.
7/ Đứng thẳng, hai chân dang bằng vai. Hai tay chống ở hông, mắt nhìn thẳng vào một điểm hay một vật cố định nào đó ở trước mặt, xoay phần thân trên (từ hông trở lên) theo một vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, tức từ trái sang phải. Không nghiêng khớp hông. Làm 15-20 lần. Sau đó xoay ngược chiều kim đồng hồ, ánh mắt không di chuyển. Làm 15-20 lần.
Lúc đầu xoay vòng tròn nhỏ, sau đó vòng tròn càng lớn dần. Hít thở chậm, sâu, đều, tập trung vào cảm giác của bàn chân trên mặt đất.
Với những người chưa quen, nên thực hiện động tác này ở nơi có sẵn vật dụng để vịn hoặc tựa vào, hoặc có người đứng phía sau, để đề phòng bị ngã vì chóng mặt.
Sau khi thực hiện thuần thục động tác này, tiếp tục tập luyện nhưng có thay đổi là nhắm mắt lại.
8/ Đứng thẳng, hai chân dang bằng vai, hai cánh tay duổi thẳng trước mặt, hai lòng bàn tay áp sát vào nhau, mắt nhìn thẳng theo tay. Xoay hai tay vẽ thành vòng tròn, theo chiều kim đồng hồ và mắt nhìn tay. Sau đó, đưa hai tay cao khỏi đầu, sau đó đưa xuống thấp phía dưới, động tác chậm nhưng liên tục. Làm từ 15 tới 20 lần. Đổi chiều xoay và lặp lại từ 15 tới 20 lần. Nếu trong lúc tập mà có cảm giác chóng mặt th nên ngừng lại, đến khi thấy bình thường trở lại mới tiếp tục tập.
Các động tác trên nên tập luyện mỗi ngày 2 đến 3 lần, cách xa bữa ăn từ 2 đến 3 giờ.
Trong thời gian luyện tập các động tác trên, cũng cần thực hiện việc ngồi tàu, xe nhiều lần để nâng cao khả năng thích ứng của cơ quan tiền đình đối với những tác động của sự chuyển động không có quy tắc. Tuy nhiên, các bạn cũng có thể rèn luyện thể lực thường xuyên (tập các môn xà đơn, xà kép, nhào lộn trên đệm, cầu trượt) để giúp cho việc điều tiết thăng bằng vị trí của cơ thể.
Một số điều nên lưu ý khi đi tàu xe
- Khi lên xe không nên ăn uống quá no, cũng không để quá đói, cần có tâm trạng thoải mái và nên nói chuyện vui vẻ với những người đồng hành. Có thể nghe những bài nhạc mà mình yêu thích.
- Nên mang theo vài trái quýt, bóc vỏ và bóp nhẹ cho tinh dầu tỏa ra, dùng ngửi liên tục trong chuyến đi. Có thể ngậm một lát gừng mỏng, mứt gừng, kẹo gừng hoặc uống trà gừng. Nếu mang theo bánh mì để ngửi mùi thơm của vỏ bánh mì cũng giúp giảm bớt cảm giác chóng mặt.
- Tránh không ngồi ngược với hướng chuyển động của tàu xe.
- Ngồi ghế càng gần kiếng chắn phía trước càng tốt, mắt luôn nhìn thẳng, xa về phía trước, không nên nhìn ra hai bên. Nếu xe rung lắc hoặc chao đảo nhiều thì hãy nhắm mắt lại, hít thở sâu, đều, thư giãn và đung đưa người theo chuyển động của xe.
- Không đọc các loại sách báo, hoặc nhắn tin điện thoại khi ngồi trên tàu xe. Không ngả ghế ra phía sau.
- Khi có cảm giác chóng mặt thì nên bấm huyệt nội quan (ở mặt trong tay, từ ngấn cổ tay ngược lên khoảng 4 -5 cm tùy người cao hay thấp, vị trí nằm giữa hai đường gân), bấm huyệt hợp cốc (giữa ngón cái và ngón trỏ) và day hai huyệt thái dương (sau đuôi mắt).
Tóm lại, cần tập luyện thể dục thể thao để có sức khỏe tốt, giữ tinh thần thoải mái, ăn uống bình thường, kết hợp tập luyện những động tác để cơ thể thích ứng với sự thay đổi vị trí, sẽ giúp cơ quan tiền đình hoạt động ổn định khi đi tàu xe, là phương cách tốt nhất để phòng tránh say tàu xe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận