Ảnh minh họa: Sagecounselingomaha
Tác giả Thảo Vi đang làm việc tại một công ty fintech (công nghệ tài chính) ở TP.HCM. Trong bài chia sẻ gửi về cho Tuổi Trẻ Online, cô cho biết thời gian để cô vượt qua được nỗi buồn thất tình tỉ lệ thuận với độ dài mối quan hệ. Ví dụ, cô mất khoảng 2 tháng để "quên" được mối quan hệ kéo dài 6 tháng, và cứ thế nhân lên.
Hiện tại tôi đã quay về nhịp sống trước kia. Thi thoảng vẫn nhớ chuyện cũ, tôi nghĩ trừ khi mất trí, chứ không cách gì bôi xóa chuyện đã xảy ra. Tôi cũng không cố làm vậy vì sẽ chỉ khiến mình chật vật hơn với ký ức mà thôi.
Tôi bước tiếp và tin rằng bọn mình đều là những người tuyệt vời, chỉ là bọn mình không phù hợp.
Thế nên vượt qua với tôi không phải quên hết, mà là thừa nhận, biết mình đã trải qua và học được gì từ đó để bước vào mối quan hệ sau bằng một phiên bản xịn hơn.
Dưới đây là những dòng tôi viết ghi lại những cách tôi làm sau chia tay, mong cũng sẽ có ích cho ai đó, những người vừa đi qua đổ vỡ như tôi đã từng.
1. Thừa nhận nỗi đau của mình
Đừng nghĩ mình không sao. Nếu buồn, hãy khóc. Hãy tâm sự với ai đó về đổ vỡ của mình.
Buồn là phản ứng bình thường trong quá trình hồi phục, là tín hiệu rằng bạn đang sống. Hãy cho phép mình buồn dứt cơn, rồi vui trở lại.
2. "Đắp mộ cuộc tình"
Hãy dọn dẹp hết đồ của người cũ. Đó là kỷ niệm, nhưng lúc này đừng để trước mặt mình, khiến bạn khó vượt qua, đặc biệt là khi bạn bước ra khỏi mối quan hệ với tâm trạng tiếc nuối.
Hãy cất chúng đi, hoặc đem cho ai đó. Đừng trưng hình người yêu cũ trước mặt rồi mỗi ngày khóc thương cuộc tình không may.
3. Vận động
Chạy, bơi, đạp xe, dọn dẹp nhà cửa, bất cứ gì khiến bạn toát mồ hôi.
4. Chơi với trẻ con
Bọn nhỏ tuổi này có tác dụng tài trợ tinh thần rất tốt. Dành thời gian với các bé, vẽ tranh tô màu cùng nhau, rồi quan sát các bé tận hưởng những niềm vui đó, bạn sẽ thấy lòng mình trong veo trở lại.
Hãy gói ghém kỷ niệm về người cũ, cất vào một góc - Ảnh minh họa: Scottdistillery
5. Đi vào "tâm bão"
Hãy nhìn vào nỗi đau của mình để xem thứ gì khiến mình đau nhất, khiến mình buồn mỗi lần nghĩ đến: là những dự định sẽ làm cùng nhau, những lúc vui vẻ bên nhau, những kỷ niệm từng có, những chốn từng qua...
Hãy thẳng thắn nhìn nhận và trả lời câu hỏi đó. Muốn trị bệnh phải biết gốc rễ.
6. Dọn dẹp lòng mình
Nhìn nhận xem mình sai ở đâu? Mối quan hệ vì sao đổ vỡ? Bài học là gì? Hãy làm những chuyện này một cách khách quan, không để cảm xúc chen vào. Đừng cay đắng, đừng đổ lỗi. Dẫu gì đó cũng từng là người bạn yêu.
Đây như một bước review trước khi bạn đóng chương này lại và sang trang mới. Do đó, hãy minh bạch và thành thật với chính mình.
Hãy biết rằng cuộc sống không dừng lại sau một lần đổ vỡ. Đó là trải nghiệm, là bài học để bạn đi tiếp vững vàng hơn. Hãy tin rằng sẽ có người khác phù hợp hơn, và người sau sẽ xịn hơn người trước.
7. Gặp gỡ người mới
Đừng mang nỗi buồn cũ vào mối quan hệ mới. Hãy gặp gỡ và vui vẻ như những người bạn.
Đừng vội bước vào mối quan hệ mới khi bạn chưa vượt qua được chướng ngại cũ.
Khi bạn sẵn sàng, bạn sẽ thấy mình tỏa sáng trong mối quan hệ mới, thay vì dùng nó chỉ để khỏa lấp những khoảng trống mối quan hệ cũ để lại.
Chúc trái tim bạn mau khỏe lại, và chúc bạn may mắn ở cuộc tình tiếp theo.
Bạn đã trải qua những ngày tháng thất tình ra sao? Điều gì giúp bạn vượt qua thời gian đó? Mời bạn gửi bài chia sẻ về hòm mail hongtuoi@tuoitre.com.vn. Vui lòng cung cấp thông tin tài khoản để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi đăng bài. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận