12/09/2018 14:28 GMT+7

64 tuổi và từ điển đa phương tiện

TƯỜNG HÂN
TƯỜNG HÂN

TTO - Dành một đời chữa bệnh, bác sĩ Nguyễn Văn Bền (64 tuổi) khi về hưu lại nối dài sự học bằng công trình xây dựng trang từ điển đa phương tiện hỗ trợ việc học tiếng Anh.

64 tuổi và từ điển đa phương tiện - Ảnh 1.

Về hưu, bác sĩ Bền vẫn tất bật với công trình từ điển đa phương tiện - Ảnh: T.Hân

Đây là dự án khởi nghiệp được Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM thẩm định, cấp vốn 500 triệu đồng để tiếp tục phát triển.

Từng công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thỉnh giảng và hướng dẫn thực tập, bác sĩ Bền luôn ấp ủ niềm đam mê với ngoại ngữ. Ngay khi về hưu, ông bắt tay vào hệ thống kiến thức trọng âm trong tiếng Anh, xây dựng phần mềm, từ điển để việc học ngoại ngữ nhẹ nhàng và thú vị hơn.

100 từ vựng tiếng Anh mỗi ngày

Thuê kỹ sư và máy chủ, ông tập trung thiết kế nội dung cho kho từ vựng. 

Gõ từ "heart" (trái tim) trên trang từ điển mediadic.com của ông, kết quả trả về là 10 tệp dữ liệu, tương đương 10 nghĩa liên quan, từ hình động thể hiện mặt cắt khi tim người đập, hình chụp điện tâm đồ biểu thị nhịp tim, đến đứa trẻ đáng thương biểu thị cụm từ heart - breaking (đau lòng). 

Tương tự, các trường từ vựng khoa học được ông Bền lưu tâm phân loại như sinh học, vật lý, hóa học, nghệ thuật, y học, địa chất... Sau 4 năm miệt mài, cơ sở dữ liệu của từ điển đã vượt qua con số 17.000 từ bao gồm hình ảnh, âm thanh, phim ngắn. 

Tuy nhiên, do chỉ minh họa bằng hình ảnh nên từ điển gặp hạn chế khi diễn đạt loạt từ vựng trừu tượng. Bản thân ông Bền mong muốn tìm được chuyên gia, đối tác cùng đóng góp.

Dành toàn thời gian theo đuổi đam mê ngoại ngữ, ông Bền mỗi ngày tra cứu chất liệu để minh họa cho 100 từ vựng. "Từ điển còn mình còn làm. Làm sớm để đưa ra một kho thư viện đàng hoàng, tươm tất để học sinh, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, dùng sớm" - ông Bền từ tốn chia sẻ. 

Theo ông Bền, giáo viên, học sinh có thể dùng từ điển như chất liệu dạy học sinh động. Về bản quyền, từ điển chọn lọc hình ảnh đẹp trên các website trong và ngoài nước được phép chia sẻ miễn phí. 

Khi được giải thích từ bằng hình ảnh, người học không cần nhớ nhiều thông tin, đặc biệt người lớn tuổi sẽ thấy dễ ghi nhớ hơn, thời gian học ngắn hơn.

Mất 40 năm để tự tin dùng ngoại ngữ

Xuất phát điểm không giỏi ngoại ngữ, nhưng vì công việc, ông Bền tự nghiêm khắc với bản thân để học tốt hơn. 

Nhớ lại những năm 1980, vị bác sĩ về hưu vẫn cảm thấy hào hứng, thú vị khi lần đầu học tiếng Anh qua video do đài truyền hình nước ngoài thực hiện, có diễn viên, có khung cảnh dễ hình dung hơn kiểu học qua máy cassette. 

Chưa kể công việc yêu cầu ông Bền phải trình bày đề tài y khoa bằng tiếng Anh trước đám đông, chữ nghĩa đều biết nhưng không dễ gì đọc trôi chảy.

"Cảm giác sượng, ngại ngùng là không tránh khỏi - ông Bền kể lại - Khi mình nói mà chuyên gia nước ngoài khó hiểu, dần dần họ không quan tâm khiến mình xấu hổ. Vì vậy tôi phải chuẩn bị, chăm chút, tra cứu từng chữ trước khi thuyết trình. Làm nhiều tạo thói quen, bây giờ tôi vẫn làm bài tập, tự nghiên cứu trọng âm mỗi ngày".

"Yếu kỹ năng ngôn ngữ làm đánh mất nhiều cơ hội của tôi và nhiều người cùng hoàn cảnh. Đáng buồn hơn, có những từ tôi được học từ nhỏ nhưng tận 40 năm sau mới tự tin sử dụng trong nói năng. Thay vì học ngôn ngữ theo phản xạ nghe nói, trẻ em khi lớn lên, vào trường lại phải chú trọng văn phạm, chính tả". 

Đó là lý do khiến ông Bền ban đầu thiết kế phần mềm vui học trọng âm, nhưng sau đó nhận nhiều phản hồi tiêu cực như khô khan, khó hiểu. Không bỏ cuộc, ông tìm cách sinh động hóa trò chơi, dần dần hình thành ý tưởng từ điển đa phương tiện như hiện nay.

Ngoài 60 tuổi, ông Bền vẫn say sưa tìm ra quy luật trọng âm trong ngôn ngữ. Ông cho rằng nếu miễn cưỡng học thuộc một cách máy móc 1.000 từ, người trẻ may mắn có thể ghi nhớ hết. Nhưng nếu nhận ra quy luật, người trẻ hay người già đều có thể vận dụng vài chục quy tắc cho hàng ngàn trường hợp.

Dự án khởi nghiệp Media dictionary (ứng dụng giáo dục từ điển tiếng Anh đa phương tiện) của ông Nguyễn Văn Bền là một trong 14 dự án được Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM chọn từ chương trình SpeedUp để tiếp tục phát triển.

Trong năm 2017 có tổng số 122 hồ sơ dự án đăng ký nhưng phần lớn không được chọn là do ý tưởng chưa sát với thị trường, khả năng viết, trình bày dự án cũng chưa tốt.

Bên cạnh loạt dự án thương mại, dự án của ông Bền thuyết phục hội đồng xét duyệt bởi yếu tố vì cộng đồng, mục tiêu phục vụ miễn phí cho học sinh.

Giáo viên đang giảng dạy tại các trường học cũng được miễn phí 50% khi sử dụng phần mềm.

Chị Vương Thị Mỹ Trinh - giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - chia sẻ: "Từ điển miễn phí trên Internet hiện nay rất nhiều, lượng từ vựng do ông Bền xây dựng khó cạnh tranh. Ông Bền có thể tập trung từ vựng chuyên ngành như y học, sinh học, địa chất, môi trường... Đó là nhóm thuật ngữ khó hình dung với sinh viên trên thực tế và cũng là mong muốn của sinh viên".

"Từ điển" vui thời học sinh, nhà ngôn ngữ cũng phải... hết hồn 'Từ điển' vui thời học sinh, nhà ngôn ngữ cũng phải... hết hồn

TTO - 'Bộ từ điển' mà chỉ có 'nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò' mới nghĩ ra được và những ai đã đi qua tuổi học trò, đọc lại cũng thấy giật mình vì... đúng quá.

TƯỜNG HÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên