09/09/2021 12:05 GMT+7

GWEC: 6,7 tỉ USD đầu tư cho điện gió ở Việt Nam gặp rủi ro do COVID-19

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Những trở ngại và đình trệ do đại dịch COVID-19 gây ra có thể làm phần lớn các dự án điện gió trên bờ đang triển khai ở Việt Nam không thể hoàn thành kịp hạn chót ngày 1-11 để hưởng cơ chế ưu đãi giá điện cố định (FIT).

GWEC: 6,7 tỉ USD đầu tư cho điện gió ở Việt Nam gặp rủi ro do COVID-19 - Ảnh 1.

6,7 tỉ USD đầu tư cho điện gió ở Việt Nam gặp rủi ro do COVID-19 - Ảnh minh họa: TNG

Dịch COVID-19 tại Việt Nam đã gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành điện gió như tắc nghẽn chuỗi cung ứng trang thiết bị điện gió, nhân công không thể di chuyển tới công trường dự án để làm việc và thực hiện công tác nghiệm thu, hạn chế di chuyển với chuyên gia nước ngoài…

Theo kết quả khảo sát của Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC), tính tới hết tháng 8-2021, ước tính có tới 4.000MW dự án điện gió trên bờ tại Việt Nam gặp những thách thức nghiêm trọng do COVID-19, và do đó có nguy cơ lỡ hạn chót cho giá FIT vào tháng 11-2021.

Dựa trên giá trị trung bình của quốc tế và Việt Nam, 4.000MW điện gió tại Việt Nam tương đương với 6,7 tỉ USD vốn đầu tư. Khoản này bao gồm 6,51 tỉ USD chi phí tài sản cố định và 151 triệu USD chi phí vận hành trong 25 năm vòng đời của các dự án điện gió.

Nếu không có biện pháp cứu trợ COVID-19 bằng việc cho giãn thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm ít nhất 6 tháng, những dự án này sẽ chịu những tổn thất ngoài dự kiến do đại dịch gây ra.

Chính quyền địa phương sẽ mất đi các khoản đầu tư và khoản thu ngân sách quan trọng, cản trở tiến độ hoàn thành các mục tiêu về năng lượng tái tạo được đặt ra trong nghị quyết 55/NQ-TW và xuất hiện một chu kỳ "phá sản" khiến thị trường điện gió Việt Nam phải mất rất nhiều năm mới có thể phục hồi.

Do đó, GWEC kêu gọi Chính phủ Việt Nam cho giãn thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm ít nhất 6 tháng, đến hết tháng 4-2022 để hỗ trợ cho ngành điện gió.

GWEC ủng hộ áp dụng những tiêu chí rõ ràng để lựa chọn các dự án đủ điều kiện lùi thời hạn. Biện pháp này phù hợp với thông lệ quốc tế về cứu trợ trong đại dịch. 

Tháng 5-2020, Mỹ ân hạn một năm cho các dự án điện gió để hoàn thành và hưởng ưu đãi tín dụng thuế. Tháng 6-2020, Ấn Độ giãn thời hạn vận hành thương mại thêm 2,5 tháng với các dự án năng lượng tái tạo để giảm thiểu tác động của các biện pháp phong tỏa do COVID-19.

Ông Mark Hutchinson, chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của GWEC, chia sẻ: "Việt Nam là một trong những thị trường điện gió có tiềm năng lớn nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn cực kỳ quan trọng cho ngành điện gió trên bờ".

"Chính phủ cần lùi thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT để tạo điều kiện cho 4.000MW dự án điện gió có hiệu quả kinh tế và khả năng hiện thực hóa hoàn thành trong thời hạn hợp lý. Nếu mất đi khối lượng dự án điện gió này, môi trường đầu tư năng lượng tái tạo sẽ bị giáng một đòn mạnh, thị trường điện gió Việt Nam có thể mất nhiều năm để phục hồi" - ông Hutchinson cảnh báo. 

Nhà đầu tư điện gió than khó khi chính sách COD điện gió thay đổi Nhà đầu tư điện gió than khó khi chính sách COD điện gió thay đổi

Các nhà đầu tư đang dồn dập chạy đua tiến độ để kịp hoàn thành quy trình thử nghiệm và công nhận ngày vận hành thương mại (COD) trước 31-10-2021. Thế nhưng, nhà đầu tư đang lo sốt vó và gặp khó vì quy định mới liên quan đến COD của EVN.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: điện gió