Kỹ sư hàng không vũ trụ Sergey Kravchinsky, 74 tuổi, nói về cái chết của Gagarin trong một buổi trả lời phỏng vấn hãng tin AFP tại Matxcơva, ngày 22-3-2018 - Ảnh: AFP
Đồng nghiệp của Gagarin khi đó, nhà du hành vũ trụ Vladimir Aksyonov nhớ lại: Buổi sáng ngày 27-3-1968, Yuri Gagarin đang chuẩn bị cho một buổi bay tập luyện thông thường tại sân bay Chkalovsky, gần thủ đô Matxcơva.
Trả lời hãng tin AFP, ông kể: "Tôi và Yuri được cùng một đội ngũ y bác sĩ kiểm tra sức khỏe, chúng tôi cũng đã cùng nhau nghe bản tin dự báo thời tiết, bởi vì theo lịch bay, tôi sẽ cất cánh sau anh ấy một tiếng đồng hồ".
Nhưng vào giờ chót, chuyến bay của Aksyonov, khi đó 34 tuổi, bị hủy vì chuyến bay của Gagarin và phi công phụ là Vladimir Seryogin, 45 tuổi, đã mất liên lạc vô tuyến sau khi thông báo họ chuẩn bị quay về căn cứ.
Một tốp trực thăng được huy động tìm kiếm và đã nhanh chóng gửi về thông báo là tìm được mảnh vỡ của máy bay gặp nạn ở vị trí cách sân bay 65 km. Ngày hôm sau thì họ tìm thấy thi thể Yuri Gagarin.
"Gagarin đã chết!"
Một kỹ sư trẻ trong ngành hàng không không gian lúc đó là Sergey Kravchinsky, năm nay đã 74 tuổi, nhớ lại cái ngày mà ông nhận được hung tin.
"Chúng tôi nghe tiếng la to ngoài hành lang: 'Mấy cậu ơi, Gagarin chết rồi'! Đó là một cú sốc thật sự, nhiều phụ nữ đã khóc".
Và sau đó, và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Liên Xô, nhà nước đã tổ chức một ngày quốc tang dành cho một người không phải là nguyên thủ quốc gia.
Các kỹ sư biết rằng trước chuyến bay định mệnh này ít lâu, Gagarin đã có lần gặp trục trặc lúc hạ cánh khi bay tập trên những chiếc MiG. Và khi ủy ban điều tra tai nạn công bố kết luận, họ tỏ ra phân vân, hoài nghi.
Theo bản tin chính thức, đội bay đã phải xử lý bất ngờ do xuất hiện một "nhiễu động không khí", dẫn đến tai nạn.
Kể lại với hãng tin AFP, sử gia về hàng không vũ trụ Xô viết Alexandr Glushko tiết lộ: "Báo cáo của ủy ban điều tra chính thức gồm 29 chương, nhưng chưa bao giờ được công bố. Chính điều này đã thôi thúc các đồng nghiệp và chuyên gia tự mình nghiên cứu để tìm hiểu vấn đề".
Tạo hình ảnh Gagarin với 3.500 cây hoa nhỏ tại TP Krasnoyarsk, Nga ngày 30-8-2016 - Ảnh: REUTERS
Vào thời đó, trong xã hội rộ lên nhiều tin đồn ly kỳ và "hấp dẫn" nhất về cái chết của nhà du hành vũ trụ đầu tiên, nào là Gagarin bị giết theo lệnh của điện Kremlin, nào là đã bị hạ sát do ghen tức vì quá nổi tiếng, nào là đang say xỉn trong khi bay, do bị người ngoài hành tinh bắt cóc, kể cả đồn đoán đây là một vụ dàn cảnh hiện trường giả để nhốt Gagarin vào trại tâm thần, v.v và v.v...
Năm 2011, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ vào ngày 12-4-1961, tài liệu lưu trữ của điện Kremlin thông báo đã vén được bức màn bí mật về cái chết của nhà du hành vũ trụ đầu tiên này.
Theo các kết luận mới nhất, "một trong những nguyên nhân khả dĩ nhất" của tai nạn máy bay Gagarin là do có một quả bóng thám không xuất hiện lúc đó khiến đội bay Gagarin và Seryogin đã cố gắng tìm cách tránh rồi máy bay bị mất kiểm soát và rơi.
Trong khi đó, sử gia Alexandr Glushko vẫn tỏ ra rất nghi ngờ: "Đó là một trong những nguyên nhân dễ lọt tai nhất mà! Diễn đạt này không có ý nghĩa gì cả! Và không có một tài liệu nào trong 29 chương của báo cáo điều tra được công bố hoàn toàn".
Theo sử gia này, sở dĩ những người có trách nhiệm không tiết lộ nguyên nhân thật của tai nạn chỉ là để che giấu "những khiếm khuyết trong khâu tổ chức và những bất cập trong khâu vận hành của ngành hàng không vũ trụ Xô viết", mà lúc đó đang là một biểu tượng cho những thành tựu vượt bậc của Liên Xô.
Do không biết được sự thật, nhiều tin đồn cứ rộ lên và tiếp tục lan truyền cho đến tận ngày hôm nay"
Alexandr Glushko - sử gia về hàng không vũ trụ Xô viết
Yury Gagarin cùng vợ Valentina và con gái Jelena đi nghỉ ở biển vào tháng 6-1960 - Ảnh: AFP
Lời kể của viên phi công
Alexandr Valadzko, một cảnh sát viên tại TP Novokuznetsk vùng Siberia, nhớ lại: "Cha mẹ tôi đều khẳng định rằng Gagarin chết là do ông ấy đang say rượu".
Alexandr ra đời sau cái chết của Gagarin một năm và khi đến tham quan Bảo tàng Chinh phục vũ trụ tại Matxcơva đã bày tỏ mong muốn muốn thấy "sự thật được công bố".
Alexandr không đồng tình với lý giải của cha mẹ mình và đã đưa ra một lập luận khác. Lập luận này đã được nhà du hành vũ trụ Alexey Leonov - thành viên của ủy ban điều tra tai nạn vào năm 1968, năm nay 83 tuổi, cho là đúng khi ông nêu lên vào năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ.
Theo nhà du hành vũ trụ Leonov, đã có một máy bay quân sự Sukhoi có mặt gần đó và lấn vào đường bay của chiếc MiG của Gagarin với khoảng cách chưa đầy 20 mét. Do máy bay Sukhoi vượt bức tường âm thanh nên đã tạo nhiễu loạn không khí mạnh gây tai nạn cho máy bay của Gagarin.
Tháng 6 năm ngoái, nhà du hành vũ trụ Alexey Leonov đã khẳng định với hãng tin RIA Novosti của Nga như sau: "Tôi đã xem một tài liệu được giải mật, trong đó khẳng định (giả thiết này)".
Ông cũng chắc chắn rằng ủy ban điều tra đã che giấu sự thật là để bảo vệ viên phi công của chiếc Sukhoi gây tai nạn khi không tiết lộ danh tính của phi công này mà chỉ thêm rằng ông ấy là một "người khá nổi tiếng" và hiện nay "già yếu và bệnh tật".
Nhà du hành vũ trụ Alexey Leonov kết luận: "Nhưng giờ đây có một chuyện này không còn là bí mật nữa: đó là những sai lầm cẩu thả và cả những vi phạm nguyên tắc hàng không".
Còn theo ý kiến của sử gia Alexandr Glushko, mãi chừng nào mà các tài liệu chính thức chưa được công bố thì "khẳng định (nguyên nhân tai nạn) này vẫn sẽ chỉ là một giả thiết mà thôi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận