01/05/2025 08:00 GMT+7

50 năm - ngành điện TP.HCM “cất cánh” cùng đất nước

Trước nhu cầu dùng điện cho đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), Tổng công ty Điện lực TP.HCM cam kết túc trực từng giờ, đảm bảo cấp điện liên tục cho TP.

ngành điện TP.HCM - Ảnh 1.

Ông Phạm Quốc Bảo (giữa), chủ tịch HĐTV EVNHCMC - nhận biểu trưng “Doanh nghiệp tiêu biểu có thương hiệu và sản phẩm chủ lực của TP.HCM”

Ngành điện TP.HCM cũng là đơn vị gắn bó, phát triển cùng TP từ những ngày còn khó khăn sau giải phóng. Sau 5 thập kỷ, ngành điện TP.HCM đã được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Nhiều thành quả sau 50 năm

Tổng công ty Điện lực TP.HCM tiền thân là Sở Quản lý và Phân phối điện TP.HCM được thành lập ngày 7-8-1976. Trải qua gần 50 năm xây dựng và trưởng thành, EVNHCMC đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chủ động, sáng tạo góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển của TP.HCM anh hùng, đầu tàu kinh tế của cả nước.

Sau ngày đất nước thống nhất, hệ thống nguồn và lưới điện bị xuống cấp trầm trọng. Sở Quản lý và Phân phối điện TP.HCM lúc bấy giờ đã rất nỗ lực, đảm bảo nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt.

Giai đoạn hội nhập, đổi mới từ 1986 - 1995, EVNHCMC đã thực hiện thành công nhiều chương trình trọng điểm như: "Đưa lưới điện quốc gia về huyện Cần Giờ", "Điện khí hóa thí điểm xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi", Chương trình điện khí hóa nông thôn trên toàn bộ 6 huyện ngoại thành với 100 xã, thị trấn... Việc phủ lưới điện quốc gia về các vùng sâu, vùng xa của thành phố đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển của các địa phương cũng như của thành phố, đồng thời nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Giai đoạn năm 2003 - 2005, tổng công ty thí điểm ngầm hóa lưới điện trên các tuyến đường Lê Lợi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi với khối lượng thực hiện là 9,2 km lưới trung thế và 9,5 km lưới hạ thế, tương ứng tổng mức đầu tư gần 40 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc ngầm hóa này chưa triệt để do chỉ mới ngầm hóa lưới điện, chưa kết hợp được việc ngầm hóa dây thông tin và chiếu sáng nên tình trạng "mạng nhện" dây thông tin vẫn còn.

Năm 2009 - 2010, ngành điện TP.HCM thí điểm 5 công trình ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin tại các khu vực xung quanh Hội trường Thành ủy, chợ Bến Thành, các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn và Trương Định. Khối lượng thực hiện gồm 9,23 km lưới trung thế ngầm và 46,57 km hạ thế ngầm, với tổng kinh phí đầu tư hơn 115 tỉ đồng.

Nhờ ngầm hóa của ngành điện, TP.HCM trở thành địa phương đi đầu trong việc thu gọn cáp viễn thông và tiến tới ngầm hóa. Chương trình cũng đã lan tỏa đến các địa phương khác, nhiều thành phố lớn cũng bắt đầu thực hiện ngầm hóa, chỉnh trang đô thị.

Trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, năm 2012, EVNHCMC đưa vào hoạt động Trung tâm chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp đầu tiên của ngành điện cả nước, phục vụ liên tục 24/7; thí điểm thành công phát hành hóa đơn điện tử. Đến nay, đã cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến trên nền tảng số như: website https://cskh.evnhcmc.vn/, Cổng dịch vụ Công Quốc gia; email, ứng dụng EVNHCMC CSKH trên thiết bị di động; trang EVNHCMC trên Zalo; tổng đài 1900545454.

Từ đầu năm 2020, tổng công ty đã triển khai chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực: quản lý vận hành, viễn thông - CNTT, dịch vụ khách hàng, đầu tư xây dựng và quản trị nội bộ. Trong đó, mô hình nổi bật có thể kể đến là app Chăm sóc khách hàng - một nền tảng số tích hợp đầy đủ các tiện ích: từ theo dõi điện năng tiêu thụ, thanh toán không dùng tiền mặt, đến đăng ký, giám sát việc cung ứng các dịch vụ điện, theo dõi điện mặt trời trên mái nhà.

Đặc biệt, hệ thống đo đếm điện tử từ xa giúp xóa bỏ hoàn toàn thao tác ghi chỉ số thủ công, tăng tính minh bạch và tiện lợi cho khách hàng. Trung tâm dữ liệu ngành điện và nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã và đang được đầu tư hoàn thiện để tối ưu hiệu suất vận hành hệ thống và cung cấp dịch vụ.

EVNHCMC đã vinh dự là 1 trong 50 doanh nghiệp được UBND TP.HCM trao tặng danh hiệu "Doanh nghiệp tiêu biểu có thương hiệu và sản phẩm chủ lực của TP.HCM".

Trong 5 năm tới, EVNHCMC xác định mục tiêu trở thành doanh nghiệp dẫn đầu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực điện năng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng doanh nghiệp số toàn diện, phát triển hạ tầng điện hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả ngang tầm với các công ty điện lực tiên tiến nhất của thế giới.

Vươn tầm quốc tế

Năm 2024, theo kết quả đánh giá chỉ số lưới điện thông minh SGI (Smart Grid Index) của Tập đoàn Năng lượng Quốc gia Singapore, mức độ thông minh lưới điện của EVNHCMC đạt 80,4/100 điểm, xếp hạng 41/92 công ty điện lực có lưới điện thông minh trên thế giới. Vị trí này ngang bằng điểm với một số công ty điện lực trên thế giới như: Western Power (Úc), Dominion Energy (Mỹ), BC Hydro và Hydro Ottawa (Canada), TNB (Malaysia) và Westnetz (Đức).

Năm 2022, EVNHCMC đạt Giải thưởng Doanh nghiệp sáng tạo ASEAN trong khuôn khổ Hội thảo và Diễn đàn Kinh doanh IoT Châu Á với dự án "Phát triển Lưới điện thông minh tại EVNHCMC".

Năm 2023 và 2024, EVNHCMC đều được nhận Giải thưởng "Dự án Lưới điện thông minh của năm" tại tuần lễ Điện lực Châu Á - Enlit ASIA, đồng thời được nhận Giải thưởng hạng mục "Tự động hóa trong Lưới điện thông minh" của tạp chí Power Magazine, Mỹ và năm 2024.

Đảm bảo cấp điện phục vụ đại lễ 30-4

50 năm - ngành điện TP.HCM “cất cánh” cùng đất nước - Ảnh 2.

Kiểm tra công tác đảm bảo cấp điện dịp lễ 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025)

Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc không thực hiện công tác trên lưới có cắt điện, gây mất điện cho khách hàng. Trực lãnh đạo, trực vận hành sửa chữa điện 24/24h trong các ngày lễ trong tháng 4.

Ông Luân Quốc Hưng, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, cho biết tổng công ty đã yêu cầu tập trung đảm bảo điện tại các địa điểm diễn ra các hoạt động chính trị, văn hóa vào các ngày nghỉ lễ trong tháng 4 và 5. Bố trí phương thức vận hành nguồn, lưới điện hợp lý nhằm đảm bảo an toàn, tin cậy trong điều kiện bình thường. Đồng thời sẵn sàng phương án linh hoạt để xử lý nhanh chóng trong trường hợp xảy ra sự cố.

Theo ghi nhận, tại khu vực quận 1 và quận 3 nơi diễn ra các hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Công ty Điện lực Sài Gòn đã lắp đặt các trạm dự phòng, máy phát điện nhằm đảm bảo giữ điện ưu tiên, cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục.

Ngoài việc cấp điện xuyên suốt, ngành điện TP.HCM còn bố trí lắp đặt các thiết bị chiếu sáng, máy lạnh, âm thanh phụ trợ. Đồng thời, đơn vị còn cung cấp điện cho các màn hình LED, hệ thống âm thanh trên các tuyến đường có liên quan đến diễu binh, diễu hành.

Ông Trần Đức Linh - phó giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn - cho biết đơn vị đã thành lập các tổ công tác chuyên trách kiểm tra toàn diện hệ thống điện tại các địa điểm tổ chức sự kiện quan trọng, đặc biệt là trục đường chính Lê Duẩn, Hội trường Thống Nhất, Nhà hát thành phố, đường Nguyễn Huệ và các tuyến đường chính.

"Tất cả thiết bị cũ đã được bảo dưỡng hoặc thay thế. Chúng tôi cũng lắp đặt thêm tủ điện phân phối hạ thế, máy phát điện diesel công suất lớn và kiểm tra kỹ lưỡng các trạm biến áp quan trọng, nâng cấp để đảm bảo khả năng vận hành liên tục, tránh sự cố ngoài ý muốn trong ngày đại lễ này", ông Linh nói.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên