Phi hành gia David Scott điều khiển chiếc LRV trên Mặt trăng năm 1971, chiếc xe 4 bánh đầu tiên của con người lăn bánh trên Mặt trăng. Ngay phía trước tay phải của ông là không ảnh nơi tàu vũ trụ hạ cánh được sử dụng như bản đồ hỗ trợ di chuyển - Ảnh: NASA
Ngày 31-7-1971, hai phi hành gia David Scott và Jim Irwin thuộc sứ mệnh Apollo 15 đã trở thành những người đầu tiên lái xe trên Mặt trăng, khoảng 2 năm sau khi con người đầu tiên đặt chân lên vệ tinh tự nhiên của Trái đất.
Xe đi trên Mặt trăng (LRV) đã giúp nhân loại tiến xa hơn trên Mặt trăng, theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sử dụng LRV, các phi hành gia đã đi được xa hơn, thu thập được nhiều mẫu vật hơn trên Mặt trăng và đem về Trái đất.
Lái xe trên Mặt trăng không phải trải nghiệm dễ dàng: không có đường, bụi bặm, trọng lực yếu và chẳng có bản đồ nào. "Bụi có thể xâm nhập vào bất kỳ chỗ nào", nhà sử học Brian Odom của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) viết trên trang Mashable.
"Apollo 11 chỉ đơn giản là đưa người ta lên đó. Họ chui ra và nhìn ngắm xung quanh rồi chui vào, trở về Trái đất", ông Odom mô tả. Trên thực tế, các phi hành gia Apollo 11 chỉ đi bộ được khoảng 800m và nhặt gần 23kg mẫu vật các loại.
Tuy nhiên, với NASA, con số này là chưa đủ. Do ngân sách dành cho các sứ mệnh khám phá Mặt trăng dần eo hẹp, cơ quan này muốn tận dụng tối đa mỗi lần phóng và thế là LRV ra đời để giúp con người đi xa hơn, thu được nhiều mẫu vật hơn trên Mặt trăng, theo nhà sử học NASA Odom.
Dự án LRV gặp khó khăn ngay từ đầu vì thiếu các điều kiện thực tế trên Trái đất để thử nghiệm. Vượt qua nhiều khó khăn, các nhà khoa học và phi hành gia của NASA đã chế tạo thành công 4 chiếc LRV.
Số tiền cho việc này cũng không hề rẻ: 38 triệu USD cho việc chế tạo 4 chiếc LRV (tương đương 249 triệu USD theo thời giá hiện nay). Chỉ có 3 xe được đưa lên Mặt trăng trong các sứ mệnh Apollo 15, 16 và 17. Chiếc thứ tư đã bị rã lấy phụ tùng sau khi sứ mệnh Apollo 18 bị hủy bỏ.
Phi hành gia Jack Lousma (ngồi) và Gerald Carr lái thử nguyên mẫu LRV trên một bãi biển ở Californina năm 1970. Dự án LRV được kích hoạt chỉ vài tháng sau khi sứ mệnh Apollo 11 thành công và mất 17 tháng để cho ra nguyên mẫu - Ảnh: NASA
Môi trường trên Mặt trăng khác Trái đất nên nhóm phát triển và các phi hành gia phải di chuyển xe đến nhiều địa điểm để thử nghiệm. Trong ảnh: phi hành gia David Scott và Jim Irwin điều khiển LRV tại sa mạc Mojave tháng 4-1971. Địa điểm này cũng là nơi NASA tiến hành một số thử nghiệm mô phỏng điều kiện trên Mặt trăng - Ảnh: NASA
Phi hành gia David Scott và Jim Irwin ngồi trên chiếc LRV đầu tiên và trả lời họp báo được tổ chức tại Trung tâm vũ trụ Kennedy tại bang Florida tháng 5-1971 - Ảnh: NASA
Do kích thước của một chiếc LRV quá lớn so với tàu vũ trụ nên nhóm phát triển quyết định tách rời các thiết bị. Phi hành gia sẽ lắp ráp sau khi hạ cánh xuống Mặt trăng. Chiếc xe được thiết kế không có mui che chắn để các phi hành gia ra vào dễ dàng, bảng điều khiển gồm nhiều công tắc, cần điều khiển tốc độ và hướng di chuyển bằng tay như máy bay do người điều khiển phải mặc các bộ đồ bảo hộ cồng kềnh - Ảnh: NASA
Chỉ huy sứ mệnh Apollo 11, phi hành gia David Scott thực tập lắp ráp và sử dụng LRV trên mặt đất trong trang phục đồ du hành vũ trụ. Để di chuyển, LRV sử dụng 4 động cơ điện cho tốc độ tối đa 13km/h - Ảnh: NASA
Ngày 26-7-1971, tên lửa Saturn V mang theo 3 phi hành gia David Scott, Jim Irwin và Alfred Worden của sứ mệnh Apollo 15 rời bệ phóng. Phải mất đến 4 ngày tàu vũ trụ mới hạ cánh thành công. Theo phân công, trong thời gian trên Mặt trăng, David Scott và Jim Irwin sẽ điều khiển LRV, trong khi Alfred Worden ở lại tàu vũ trụ để vận hành các thiết bị phân tích. Trong ảnh: Phi hành gia Jim Irwin ngồi trên LRV - Ảnh: NASA
Một pha "bốc đầu" của chiếc LRV trong lần di chuyển thứ hai trên Mặt trăng ngày 1-8. Phi hành gia Jim Irwin đã cố gắng giữ chiếc xe bị lăn xuống dốc, trong lúc chỉ huy David Scott thích thú chụp lại khoảnh khắc - Ảnh: NASA
Phi hành gia Jim Irwin cắm cờ Mỹ trên Mặt trăng sau khi hoàn tất chuyến đi thứ hai bằng LRV - Ảnh: NASA
Phi hành gia David Scott đã chụp bức ảnh này tại bãi đỗ vĩnh hằng của chiếc LRV sau khi hoàn tất chuyến đi thứ ba và cũng là cuối cùng trên Mặt trăng. Ông chôn xuống mặt đất một tấm bảng nhỏ khắc tên của 14 người không may qua đời trong các nỗ lực chinh phục vũ trụ của nhân loại và để lại một quyển kinh thánh trên bảng điều khiển LRV. Nhờ LRV, phi hành đoàn Apollo 15 đã di chuyển hơn 28 km trên Mặt trăng và thu về hơn 77 kg mẫu vật - Ảnh: NASA
Phi hành gia Eugene Cernan trên chiếc LRV được chế tạo cho sứ mệnh Apollo 17 năm 1972. Đây là chiếc LRV thứ ba được đưa lên Mặt trăng và cũng là chiếc cuối cùng, kết thúc kỷ nguyên "phượt" Mặt trăng của người Mỹ. Cả 3 chiếc LRV đều bị bỏ lại Mặt trăng sau thời gian ngắn phục vụ con người - Ảnh: NASA
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận