18/08/2013 09:31 GMT+7

5 phút Ký ức Việt Nam mỗi ngày trên VTV

THU HÀ
THU HÀ

TT - Ðúng ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám (19-8-2013), VTV1 sẽ phát tập phim tài liệu đầu tiên trong chuỗi phóng sự tài liệu Ký ức Việt Nam lâu nay vẫn nằm trong kho phim tư liệu khổng lồ thời chiến tranh của Hãng truyền hình Nhật Bản NDN.

UsnZLFdT.jpgPhóng to
Ảnh: do VTV cung cấp
Zv0oNFxV.jpgPhóng to
Ảnh: do VTV cung cấp
1PrguLhn.jpgPhóng to
Ảnh: do VTV cung cấp
0hm2FibV.jpgPhóng to
Ảnh: do VTV cung cấp

Sau ba năm thương thảo để có được bản phim nhựa màu duy nhất, hai năm mò mẫm đánh vật với kho ký ức hình ảnh chất đầy một căn phòng lớn, các phóng viên của Ban thời sự VTV1 cùng với đồng nghiệp đã cho ra mắt những tập đầu tiên của Ký ức Việt Nam.

Lịch sử khách quan nhưng lịch sử cũng có trái tim

Phim phát lúc 21g45 từ thứ hai đến thứ năm hằng tuần trên VTV1, phát lại lúc 11g45 ngày kế tiếp trên VTV3. Bạn đọc có thể xem lại clip và phản hồi thông tin, chia sẻ suy nghĩ tại kyucvietnam.vn.

Miền Bắc Việt Nam những năm 1960. Một nhóm các nhà làm phim của Hãng truyền hình Nhật Bản NDN đặt chân đến Hà Nội và xin được diện kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguyện vọng của họ là được đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý. Ðó là hãng truyền hình quốc tế duy nhất có văn phòng đại diện ở Hà Nội những năm tháng ấy.

Và với sự chấp thuận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NDN đã trở thành hãng truyền hình quốc tế duy nhất đưa toàn bộ thông tin, hình ảnh về miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn từ 1964-1981, đặc biệt là trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất: khi cuộc ném bom bắt đầu (tháng 2-1965) cho đến khi hòa bình lập lại trên toàn VN sau hiệp định Paris.

17 năm, đều đặn mỗi ngày, các nhà làm phim truyền hình Nhật Bản, với máy quay phim nhựa 16 li, vác máy đi khắp Hà Nội và những vùng lân cận để thu vào ống kính những gì họ nhìn thấy: Fidel với dáng người cao lớn được các em thiếu nhi VN ôm hôn, Bác Hồ ngồi bệt trước thềm Phủ chủ tịch trò chuyện thoải mái với một nhóm bạn bè nước ngoài, Tổng bí thư Lê Duẩn đi thăm một gia đình Hà Nội ngày giáp tết, hay một cuộc thi bơi của phong trào thể thao quần chúng ở bể bơi 10-10 (Ba Ðình), một cảnh ngoạn mục nhảy từ trên cầu Thê Húc xuống hồ Gươm xanh trong để tắm mát một chiều hè của những cậu trai phố cổ, một cảnh làm thủy lợi chống hạn của bà con nông dân miền Bắc, một cảnh tang thương đổ nát khi nhà máy ximăng Hải Phòng bị bom Mỹ giội xuống, nụ cười rạng rỡ của một chị hàng hoa trên phố Hàng Lược ngày tết...

Chừng mực, chỉn chu và khách quan như bản tính người Nhật, 1.510 phóng sự truyền hình với 6.000 phút phim suốt một chặng đường lịch sử được tính bằng thời tuổi trẻ của một con người. Phim được bảo quản rất tốt, không xước, không nhòe, không mốc, với nguyên bản lời dẫn tiếng Nhật được phát trên sóng NDN hoặc các đài phương Tây lấy lại vào thời điểm ấy.

"Một kho tư liệu vô cùng quý giá không chỉ với chúng tôi, những người làm truyền hình, mà với tất cả chúng ta, những người VN đã trải qua những năm tháng ấy hay hoàn toàn sinh ra sau chiến tranh. Nó quý vì chân thực và khách quan. Nhưng nó cũng quý vì đầy tình người, đầy sự đồng cảm và chia sẻ với chúng ta trong chiến tranh. Chính vì thế mà VTV muốn giới thiệu với tất cả công chúng của mình" - nhà báo Lê Quang Minh, trưởng phòng các vấn đề thời sự của VTV1, nói rất nồng nhiệt.

"Mong có nhiều người nhận ra mình trong Ký ức Việt Nam"

Một điều bất ngờ cho nhóm làm phim của VTV1 khi tiếp quản kho phim là họ không ngờ nó lớn đến thế, khối lượng công việc nhiều như thế, và nhất là những thứ họ... "không biết là gì" trong phim lại nhiều đến vậy. Ðơn cử: một khu nhà xưởng bốc cháy sau loạt bom, phóng sự có lời bình rất ngắn, không xác định được đối tượng. Và vì vậy, hẳn một ban cố vấn đã được thành lập: nhà quay phim kỳ cựu Nguyễn Hữu Tuấn, đạo diễn NSND Thanh Vân, nhà báo - nhà "bao cấp học" Nguyễn Ngọc Tiến, nhà văn "giai phố cổ" Nguyễn Việt Hà. Sứ mệnh của ban cố vấn thật giản dị nhưng không đơn giản: với mỗi khuôn hình "chưa xác định", phải chỉ rõ: Ai? Ở đâu? Như thế nào? Và nếu vẫn chưa xác định chắc chắn thì cần phải tìm ai nữa để hỏi cho bằng được.

Nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn nói: "Thật là một cuộc hội ngộ kỳ lạ. Năm 1968 tôi 20 tuổi, đang học lớp quay phim, chúng tôi đi thực tập bằng cách vác máy quay ra đường phố Hà Nội. Và chúng tôi gặp các nhà quay phim Nhật Bản - những người nước ngoài có thể nói là duy nhất ở Hà Nội thời điểm đó. Chúng ta đã không quay được nhiều như vậy vì không có nhiều phim nhựa để quay, chúng ta cũng không giữ được vì chiến tranh, vì khí hậu. Quá nhiều thứ đã mất đi theo thời gian, và nhìn những hình ảnh này càng thấy phải có cách nào lưu giữ lại ký ức cho chính xác. Có nhiều thứ mà thế hệ tôi đương nhiên ai cũng biết, nhưng các bạn trẻ thì cũng đương nhiên không thể biết, ví dụ như hình ảnh nhà máy ximăng Hải Phòng trong phim. Việc của chúng tôi là phải xác định rõ những điều tưởng như đã rõ ấy".

Các nhà báo Xuân Tùng và Gia Hiền đang khá lo lắng vì tiến độ "giải phim" của êkip mình: "Chúng tôi đã làm được 16 tập hoàn chỉnh và đang dựng 15 tập nữa, đủ gối đầu cho hai tháng. Lượng tư liệu cần được xử lý quá nhiều, các nhân chứng lịch sử xuất hiện trong phim cần được xác định tên tuổi và cần gặp lại cũng quá nhiều. Các nhà làm phim Nhật quay tư liệu để phát hằng ngày trên truyền hình Nhật ngày đó nên họ có rất ít những dẫn giải cần thiết cho "người trong cuộc" như chúng ta".

Cũng bởi thế, điều mà êkip làm phim mong mỏi nhất khi phim lên sóng là: sau chừng hai tuần đầu, mọi người bắt đầu quan tâm đến chương trình và sẽ nhận ra bản thân mình, hoặc cha mẹ, chú bác, họ hàng, anh em, hay ngôi nhà, khu phố, kỷ vật ngày đó của mình, và sẽ có phản hồi, câu chuyện Ký ức Việt Nam sẽ được nối dài vì bản thân series phim chưa hề kết thúc.

THU HÀ

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên