13/04/2013 09:30 GMT+7

5 con đòi tử hình cha: "Không muốn đẩy cha đến đường cùng"

TRÀ GIANG
TRÀ GIANG

TT - Tất cả năm người con đều yêu cầu tử hình cha ruột dù viện kiểm sát chỉ đề nghị án chung thân. Một chuyện vô đạo hay là hậu quả của bi kịch gia đình chất chồng không lối thoát?

Nghi vấn chồng giết vợBắt đối tượng đánh chết vợ ở Quảng Ngãi

4lkHJnlm.jpgPhóng to
Bị cáo Trương Văn Thuận - Ảnh: Văn Trọng

Những ai có theo dõi phiên tòa lưu động xét xử ngày 5-4 tại trụ sở UBND xã Đức Hòa (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi), nghe những người hàng xóm, chính quyền địa phương và chính những người con ấy chia sẻ thì sẽ hiểu phần nào...

Ngày phiên tòa diễn ra, chị Th.D. (21 tuổi), một trong năm người con ruột của bị cáo, xin vắng mặt, viết giấy ủy quyền với những dòng chữ: “Tinh thần bị suy sụp sau cái chết của mẹ. Khi gặp ông Trương Văn Thuận, nỗi uất hận, nỗi đau trong lòng lại hiện về. Kể từ ngày mẹ mất, tôi xem ông Thuận như đã xử tử rồi và không muốn nhìn thấy hay nghe bất kỳ điều gì về ông nữa. Tôi vẫn còn đang rất sợ hãi. Tôi đề nghị tòa tuyên án tử hình đối với ông Trương Văn Thuận”!

Những chuyện kinh hoàng

Hàng xóm vẫn còn nhớ những cảnh hãi hùng xảy ra trong căn nhà ấy, những lần Trương Văn Thuận (49 tuổi) đập gãy mũi vợ, cắt vành tai, đổ cơm xuống đất trộn với cát và tro bắt bà N. phải hốt lên ăn. Rồi những lần ông Thuận nhốt bà N. trong chuồng heo, tạt nước liên tục vào mặt hòng làm cho bà N. chết ngạt, dùng dây điện châm vào người bà, bóp cổ bà N. đến ngạt thở, bắt bà N. cởi hết quần áo giữa trời giá lạnh...

Ngày 29-11-2012, sau khi khuyên bảo, năn nỉ vợ rút đơn xin ly hôn nhưng bà N. cự tuyệt, ông Thuận nói: “Bà bỏ tôi, tôi chết thì bà cũng chết”. Nói vậy, Thuận vừa bóp cổ vừa đập đầu bà N. vào tường, quật mạnh vợ xuống nền ximăng làm bà chấn thương sọ não, nứt hộp sọ, xuất huyết não, tử vong. Thuận bỏ trốn, bị bắt ba ngày sau đó. Tang vật thu giữ được còn có danh sách mà Thuận đã lập trước khi giết vợ, để sát hại thêm vài người nữa, trong đó có hàng xóm, một người em vợ và năm đứa con.

Ngày xét xử, bị cáo dáng người to khỏe đứng trước vành móng ngựa, trước hàng trăm người dân, trước những bằng chứng điều tra sắc bén, những cáo buộc của những đứa con... nhưng vẫn quanh co chối tội.

Những bằng chứng cho thấy hành vi của bị cáo có hệ thống, vô nhân tính” - tòa nói.

Bị cáo Thuận ấp úng “cũng có đánh nhưng không nặng như vậy”.

Tòa lại hỏi: “Như vậy là cơ quan điều tra, con cái, hàng xóm, trưởng thôn và chủ tịch xã đều nói oan cho bị cáo?”.

Im lặng một lúc, Thuận lại ấp úng: “Bị cáo thừa nhận có đánh, nhưng ở mức độ chứ không phải như vậy. Vợ bị cáo đã chết, bị cáo có tội, bị cáo không quanh co và sẽ chịu tội”.

Khi công tố viên đề nghị mức án chung thân, hàng trăm người dự khán đã đứng dậy phản ứng. Lúc tòa tuyên tử hình bị cáo, như đề nghị của năm người con, Thuận vẫn lạnh lùng điềm nhiên, không một ánh mắt ngoái lại nhìn các con.

Hạnh phúc một, đau khổ mười

“Làng Phước Xã từ khi nó (Trương Văn Thuận - PV) bị bắt giam mới trở nên yên bình, bà con ở đây mới làm ăn được. Chứ nó ở nhà quậy, trong người khi nào cũng lận con dao, gây gổ với ai là đem ra dọa giết” - bà Nguyễn Thị Thư, 73 tuổi, hàng xóm của Thuận, nói. Bà Thư bảo một tháng có 30 ngày thì Thuận đánh bà N. 28 ngày. Chỉ khi nào Thuận đi vắng mới không xảy ra cảnh đó. Đánh miết, dọa miết, dân can ngăn miết nhưng đều bị Thuận chửi bới, đánh đập lại nên bà con ngán, chẳng ai dám can ngăn nữa. “Bà N. là người phụ nữ chịu thương chịu khó, sớm hôm tần tảo nuôi con, chẳng mất lòng hàng xóm. Một người phụ nữ nhẫn nhục chịu đựng vì con cái. Người gầy ốm nhỏ bé lắm...” - bà Lê Thị Nhẫn, một người hàng xóm khác, thêm vào.

Từ ngày Thuận ngồi tù, căn nhà của họ trở nên lặng lẽ nơi cuối con hẻm lầy lội chỉ có tiếng tụng kinh văng vẳng từ chiếc đài nhỏ phát ra và mùi khói nhang thoang thoảng. Khuôn mặt bà N. qua di ảnh đặt trên bàn thờ hiện rõ sự khắc khổ, cam chịu. “Suốt quãng đời làm vợ của mẹ đã hằn sâu những nỗi đau cả tâm hồn và thể xác...” - Trương Văn Tr. (23 tuổi), con trai của bị cáo Thuận, ngậm ngùi.

“Chẳng người con nào muốn đẩy cha đến đường cùng, đau xót lắm chứ. Nhưng những việc làm của ổng với mẹ tôi chứng kiến từ nhỏ. Hết đánh vợ đến đánh các con. Có lần, đánh mẹ tôi nhiều quá, tôi cầm cây nói ổng đánh chết tôi đi, xem như tôi đổi mạng cho mẹ. Những tưởng ổng không đánh, nhưng ổng đánh thiệt, đánh túi bụi tối tăm mặt mày. Chị gái phải lôi tôi ra chứ sợ ổng điên lên đánh chết. Từ đó tình nghĩa cha con gần như đã hết” - mắt ầng ậc nước, Tr. chia sẻ.

“Mong trong ổng có một chút tính người trỗi dậy, như vậy cũng đã an ủi chúng tôi phần nào. Chứ đứng trước tòa, trước pháp luật mà ổng không hề hối hận” - chị Trương Thị H.T., con gái đầu của bị cáo Thuận, nói trong nước mắt.

“Cha thì tôi vẫn nhận, nhưng việc làm không thể tha thứ được, không chỉ tôi mà xã hội này cũng không chấp nhận được. Nhưng tôi sợ đến khi chết, ổng vẫn không nhận ra mình sai và oán trách tụi tôi vì đã đẩy ông đến bước đường cùng” - người con gái thứ hai của bị cáo Thuận trần tình.

Trương Văn Tr. nói: “Gia đình tôi hạnh phúc một mà đau khổ thì mười. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng lại rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như thế. Mang tiếng gián tiếp giết cha thì cũng đã rồi. Nhưng tôi mong ổng nhận ra sai lầm, dù đã quá muộn màng”.

TRÀ GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên