02/01/2005 15:01 GMT+7

5 biện pháp đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục

Theo Người lao động
Theo Người lao động

Nhận lãnh trách nhiệm Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM khoảng hai tháng nay trong bối cảnh ngành giáo dục bị “kêu ca” nhiều về chất lượng, ông Huỳnh Công Minh sẽ làm gì để vực dậy?

wifLUf1L.jpgPhóng to

Nhân dịp đầu năm 2005, ông Huỳnh Công Minh đã trao đổi về vấn đề này.

* Phóng viên: Trước hết, theo ông khái niệm chất lượng trong giáo dục nên được hiểu như thế nào?

- Ông Huỳnh Công Minh: Có nhiều khái niệm khác nhau về chất lượng giáo dục. Với nhiệm vụ chức năng của nhà giáo, chúng tôi xin đề cập đến một số khía cạnh của chất lượng là: Một, học sinh nắm được kiến thức và kỹ năng căn bản của chương trình, biết tự học, học tập có phương pháp, thích thú và sáng tạo. Hai, quan hệ tốt với thầy cô, bạn bè. Ba, có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và với cộng đồng, đất nước. Bốn, định hướng được nghề nghiệp, có sức khỏe, thẩm mỹ và sử dụng được những phương tiện kỹ thuật thông tin của thời đại (công nghệ thông tin, ngoại ngữ...).

* Muốn “trị bệnh” thì trước hết phải định được bệnh. Vậy thì ông đã định được bệnh trong ngành giáo dục hiện nay chưa?

- Phải nói rằng trong thời gian qua đông đảo thầy cô giáo đã làm tốt công việc của mình với tinh thần đầy trách nhiệm, đầy tâm huyết vốn có của nghề nghiệp. Ở đây chúng tôi xin phân tích một số lệch lạc của nhà trường như sau: Còn đối phó với thi cử, ít chịu chăm chút cho nền tảng căn bản một cách có hệ thống cho học sinh từ kiến thức kỹ năng đến tinh thần trách nhiệm; chưa thay đổi kịp cách dạy trong tình hình mới, khi mà sự chọn lọc tự nhiên cho số ít học sinh không còn, phương tiện thông tin của xã hội phát triển như vũ bão; chưa chú ý đúng mức đến khía cạnh tâm lý của học sinh trong quá trình giảng dạy.

* Chấn chỉnh những lệch lạc đó cần thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Để chấn chỉnh những lệch lạc của giáo dục phổ thông TPHCM một cách hiệu quả, theo tôi cần xây dựng và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của học sinh ngay từ trường tiểu học, chú trọng đến đến sức khỏe, năng khiếu, nề nếp, tình cảm và trách nhiệm; đặt những nền tảng căn bản cho trẻ một cách vững chắc về đọc, viết, tính toán và cung cấp những kiến thức về môi trường xung quanh một cách nhẹ nhàng, tự nhiên theo sở thích của trẻ. Ở bậc THCS, cần giúp học sinh phát triển những phẩm chất có được từ tiểu học, làm việc và học tập có phương pháp, có suy luận.

Đây là giai đoạn phải tập luyện cho học sinh hoàn thiện các yếu tố căn bản về tính cách, phương pháp học tập và tư duy độc lập để chuẩn bị tiếp nhận một khối lượng nội dung giáo dục cao hơn, nặng hơn ở cuối chương trình giáo dục phổ thông. Ở bậc THPT, không còn thời gian để chú trọng nhiều vào tính cách, phương pháp, năng khiếu và kiến thức cơ bản như các bậc học, cấp học trước đó mà tập trung vào việc thanh toán chương trình học tập với cường độ, tốc độ và trình độ cao hơn.

Học sinh phổ thông của chúng ta ngày nay có những em rất giỏi, nhưng cũng có không ít học sinh lười học - mất căn bản, trở thành gánh nặng cho việc dạy dỗ của thầy cô và sự lo lắng của xã hội, của gia đình.

Trong xã hội, có ý kiến cho rằng giáo dục phổ thông của nhà trường hiện nay quá lạc hậu - từ chương, áp đặt - trẻ em thiếu bản lĩnh trước bao điều phức tạp của cuộc sống đang diễn ra. Chúng ta phải làm gì trước tình hình chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay?”

Có thể mượn hình ảnh hoạt động của một con người làm hình tượng để phân biệt tương đối yêu cầu của 3 giai đoạn phát triển trong hệ thống giáo dục phổ thông là “đứng”, “đi” và “chạy”. Nếu đứng vững, đi đúng thì khi chạy, bao giờ cũng chạy tốt trên chính đôi chân và thể chất của mình.

* Nhưng thưa ông, có không ít giáo viên than phiền chương trình quá nặng nên không còn thì giờ rèn luyện các phẩm chất tốt đẹp cho các cháu?

- Vâng, giáo viên than phiền như vậy là có, nhưng trước hết cần nhìn lại bản thân mình. Hiện nay có tình trạng là cấp học nào, bậc học nào cũng chạy đua theo khối lượng kiến thức mà ít chú ý đến việc hình thành những phẩm chất tốt đẹp cho học sinh, trong khi nhiệm vụ trọng tâm của mỗi cấp, bậc học là khác nhau. Tôi nghĩ nếu bản thân người giáo viên đó xác định được trọng tâm công việc của mình trong cấp học, bậc học mà mình phụ trách thì sẽ tránh được tình trạng quá tải, tránh được việc dạy thiếu căn bản, lệch hướng.

* Như vậy, trước mắt trong năm 2005 ngành giáo dục TP sẽ có những “đột phá” gì để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện?

- Theo tôi, có năm biện pháp cụ thể phải thực hiện trước mắt là: Một, xác định đúng trọng tâm chương trình và bài dạy ở từng cấp học, bậc học để giao nhiệm vụ cho giáo viên. Hai, khẩn trương xây dựng ngân hàng đề làm công cụ kiểm tra đánh giá đúng chuẩn đến từng trường, từng học sinh. Ba, tổ chức bồi dưỡng, vận động thành phong trào thực hiện chất lượng rộng rãi trong giáo viên ở các bậc học, cấp học. Bốn, tăng cường thanh kiểm tra, đánh giá đúng chuẩn từng trường, từng giáo viên, từng học sinh. Năm, quan tâm chặt chẽ đến sự liên thông trong toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông.

* Xin cám ơn ông.

Theo Người lao động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên