Đây là sự kiện mở đầu cho chương trình Tết Việt - Tết phố 2025. Sau 5 năm tổ chức, lễ rước đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi độ xuân về, giúp tái hiện không khí Tết cổ truyền và gắn kết cộng đồng.
Sáng 19-1, cả đoàn rước bắt đầu xuất phát tại số 50 Đào Duy Từ, đi qua các phố Chợ Gạo, Trần Nhật Duật, Ô Quan Chưởng, Đào Duy Từ, Hàng Buồm, đền Bạch Mã, Hàng Ngang, Hàng Đào, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục… cuối cùng dừng lại tại đình Kim Ngân.
Tiếng trống, tiếng nhạc rộn vang cả khu phố. Đoàn rước đi tới đâu, người dân, du khách chào đón tới đó. Có người đi theo đoàn rước suốt hành trình.
Những người tham gia đoàn rước đều mặc trang phục truyền thống của người Việt như: áo tấc, áo ngũ thân tay chẽn, áo giao lĩnh…
Các khối diễu hành lần lượt là đội múa nghê, múa sênh tiền, rước chúc văn, rước lễ, đoàn cách địa phương, đoàn hát xoan, khối áo ngũ thân tay chẽn, áo ngũ thân tay thụng, áo giao lĩnh, áo nhật bình, khối múa đánh bồng và khối áo dài hiện đại.
So với những năm trước, năm nay trang phục của từng khối được quy định chặt chẽ hơn. Số lượng các bạn trẻ tham gia nghi lễ truyền thống cũng ngày một tăng.
Nga Nguyễn - người sáng lập dự án "Bách hoa bộ hành" - chia sẻ những năm gần đây văn hóa Việt, đặc biệt là cổ phục ngày càng được các bạn trẻ quan tâm nhiều hơn.
"Việc tham gia các nghi lễ truyền thống cũng giúp những người trẻ như chúng mình thêm yêu, hiểu hơn về văn hóa, hồn cốt dân tộc", Nga bộc bạch.
Tình cờ được xem đoàn rước diễu hành qua phố Cầu Gỗ, anh Alex (du khách Anh) cảm thấy rất may mắn. Anh chọn Việt Nam là điểm đến trong kỳ nghỉ lần này của mình bởi mong muốn tìm hiểu về Tết cổ truyền của người Việt.
Sau các nghi thức quan trọng như lễ cáo yết Thành hoàng, cúng tổ nghề, dựng cây nêu tại đình, các nghệ nhân sẽ trình diễn thư pháp và biểu diễn các tiết mục âm nhạc dân gian, đưa người tham gia trở về với không gian Tết truyền thống.
Những ngày tới, nhiều hoạt động mang đậm bản sắc Tết Việt được tổ chức tại khu vực phố cổ. Các không gian đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc), Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây) và Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) sẽ được trang trí và sắp đặt thành không gian Tết cổ truyền, giúp du khách trải nghiệm không khí Tết Hà Nội xưa.
Bên cạnh đó, những triển lãm hội họa, thư pháp Việt, tranh lụa, sơn mài… đưa các nghệ sĩ và người dân có cơ hội giao lưu, tìm hiểu và yêu mến văn hóa truyền thống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận