02/09/2015 10:13 GMT+7

40 tuổi, vẫn Đỏ - Trẻ - Sài Gòn

PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG, HUONGPVQ@TUOITRE.COM.VN - MAIHUONG@TUOITRE.COM.VN
PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG, HUONGPVQ@TUOITRE.COM.VN - MAIHUONG@TUOITRE.COM.VN

TT - Hôm nay 2-9, báo Tuổi Trẻ tròn 40 tuổi, “tuổi tứ thập nhi bất hoặc, chín chắn, lịch duyệt, vững vàng, nhận rõ mọi việc, có thể làm tốt nhiều việc” như lời ông Nguyễn Thế Kỷ - phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, nhận xét.

Các thành viên Câu lạc bộ truyền thống Thành đoàn (trong đó có nguyên tổng biên tập Lê Hoàng, phó tổng biên tập Vũ Văn Bình), dù tuổi đã 60 - 70, vẫn say sưa hát ca khúc Tự nguyện, Tổ quốc ơi ta đã nghe... - Ảnh: Thuận Thắng
Các thành viên Câu lạc bộ truyền thống Thành đoàn (trong đó có nguyên tổng biên tập Lê Hoàng, phó tổng biên tập Vũ Văn Bình), dù tuổi đã 60 - 70, vẫn say sưa hát ca khúc Tự nguyện, Tổ quốc ơi ta đã nghe... - Ảnh: Thuận Thắng

Trong lễ kỷ niệm được tổ chức chiều 1-9 tại Nhà hát TP.HCM, thông qua chương trình sân khấu hóa, các hiệu ứng tương tác, đội ngũ báo Tuổi Trẻ đã gửi đến các bạn đọc của mình lời cam kết: 40 tuổi, vẫn Đỏ - Trẻ - Sài Gòn.

Rất Đỏ...

“Rất truyền thống. Rất hiện đại. Rất Đỏ - Trẻ - Sài Gòn. Tôi đã phải chảy nước mắt...” là lời ông Kiều Xuân Long, nguyên trưởng ban khoa giáo Ban Tuyên giáo trung ương, phát biểu ngay sau khi chương trình kết thúc. Gặng hỏi thêm về khoảnh khắc “chảy nước mắt”, ông Long nói ngay: “Là đoạn biểu diễn về chất Đỏ.

Những hình ảnh của thế hệ chúng tôi được chiếu lại trên màn hình, cùng với những đồng đội tôi lên sân khấu bằng xương bằng thịt, những bài hát một thời ấy, không rớt nước mắt không được...”.

Nhiều người làm báo Tuổi Trẻ ngồi dưới khán phòng cũng rớt nước mắt trong trường đoạn ấy khi nhìn lên sân khấu, bên cạnh các diễn viên, ca sĩ là những thủ trưởng của mình như nguyên tổng biên tập Lê Hoàng, phó tổng biên tập Vũ Văn Bình vẫn say sưa với các ca khúc Tự nguyện, Tổ quốc ơi ta đã nghe...

Cả khán phòng vỗ tay theo nhịp, hòa vào điệu múa, nhịp hát của các diễn viên chuyên và không chuyên, nhiều độ tuổi, nhiều thế hệ trên sân khấu; hòa vào hình ảnh những phóng viên Tuổi Trẻ tác nghiệp trên công trường, nơi biên giới, hải đảo và cả giữa chiến trường, giữa biển khơi trên màn hình.

Lũy thép tuổi trẻ biên giới phía Bắc năm 1979, Tổ quốc ở nơi xa năm 1994, Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam năm 2003, Tháng ba biên giới năm 2013, Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1 năm 2008, Góp đá xây Trường Sa năm 2012, Chung sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông năm 2014... Tên những loạt bài tỏa rạng.

Các chương trình, công trình phía sau mặt báo như nhà kiên cố giữa Trường Sa, pin mặt trời trên nhà giàn, những ngôi trường, ngôi nhà trên đỉnh núi, bệnh xá Đặng Thùy Trâm cũng tỏa rạng không kém. Chất Đỏ đã được truyền lại và nuôi dưỡng trong lòng các thế hệ làm báo Tuổi Trẻ như thế, bằng sự dấn thân trong tác nghiệp, bằng những câu chữ nảy lửa, thấm tình.

Cùng với đất nước và vì đất nước, chất Đỏ trong lý tưởng ấy qua bao năm, bao biến động xã hội, bao thăng trầm của chính tờ báo chưa bao giờ phai nhạt.

Các vị khách mời và tổng biên tập Tuổi Trẻ các thời kỳ mừng sinh nhật lần thứ 40 báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Th.Thắng
Các vị khách mời và tổng biên tập Tuổi Trẻ các thời kỳ mừng sinh nhật lần thứ 40 báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Th.Thắng

... và rất Trẻ, rất Sài Gòn

Chất trẻ đã được hiện thực để đưa đến lời cam kết với bạn đọc bằng màn múa tương tác độc đáo giữa diễn viên và các hiệu ứng hình ảnh khiến người xem mãn nhãn, xuýt xoa, thích thú, vỗ tay không ngớt.

Những đột phá của Tuổi Trẻ như là tờ báo đầu tiên làm kinh tế báo chí, tờ báo đầu tiên có các hoạt động xã hội ngoài mặt báo, báo giấy đầu tiên có báo điện tử, truyền hình mạng, luôn đi tiên phong trong việc thực hiện phóng sự điều tra, đấu tranh với cái xấu, chống tiêu cực, luôn đồng hành cùng bạn trẻ trên các chặng đường đời: học hành, khởi nghiệp, dấn thân... lần lượt được trình bày trên màn hình.

“Đúng là chất Trẻ của Tuổi Trẻ, rất mới và nhạy cảm với cái mới. Nếu thể hiện theo cách cũ, chắc tôi sẽ phải thất vọng” - ông Nguyễn Chơn Trung, nguyên bí thư Thành đoàn TP.HCM, một trong những người phụ trách đầu tiên Tuổi Trẻ, vui vẻ nói sau khi xem màn trình diễn.

Tiếp ngay sau đó là chất hào sảng, nghĩa tình, bao dung của Sài Gòn. Theo những dấu chân của phóng viên, khán giả được gặp lại hình ảnh Trần Bình Gấm, cô bé bán khoai đã đậu một lúc ba trường đại học năm nào; Đào Thị Hằng, cô gái Quảng Trị đã ngồi trên chiếc thuyền nan mà mơ về biển lớn.

Cùng với những chương trình Vì ngày mai phát triển, Tiếp sức đến trường, Bạn tôi - người vượt khó, Chung một ước mơ, Ước mơ của Thúy... của Tuổi Trẻ, đến hôm nay đã hàng chục ngàn học sinh sinh viên được nhận học bổng, nhận nguồn động lực, thúc đẩy mạnh mẽ để đi đến ước mơ; hàng triệu lượt bạn đọc có cơ hội được chia sẻ tấm lòng, đóng góp tâm sức của mình vì một ngày mai phát triển.

Trần Bình Gấm đã trở thành bác sĩ, Đào Thị Hằng đã là một chủ doanh nghiệp và nhiều nữa những thành viên của đại gia đình Vì ngày mai phát triển đã thành đạt, đã thấy ước mơ của mình nên hình, nên vóc.

Dấn thân

Và tất nhiên không thể thiếu mảng đề tài là bản sắc, bản lĩnh của Tuổi Trẻ luôn được bạn đọc trông đợi và đòi hỏi: chống tiêu cực, chống tham nhũng, đấu tranh với cái xấu, cái ác. Những loạt bài rung động xã hội, có hiệu ứng cao được nhắc lại: nạn cơm tù trên quốc lộ 1, điện kế điện tử, heroin - cơn hồng thủy, mãi lộ...

Ông Nguyễn Thành Phong, phó bí thư Thành ủy TP.HCM, đánh giá: “Nhiều bài báo trên Tuổi Trẻ ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc, có tính phát hiện kịp thời, thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, chống cái ác, cái xấu.

Nghĩ về báo Tuổi Trẻ, bạn đọc sẽ nghĩ đến những thông tin phản ánh, phản biện xã hội kịp thời, những cảnh báo vấn đề dân sinh bức xúc do thủ tục hành chính, do sự nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ công chức...”.

Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Tăng Hữu Phong nhắc lại một lần nữa lời cam kết: “Điều đó đòi hỏi những người làm báo Tuổi Trẻ luôn sẵn sàng cho sự dấn thân để chống lại cái ác, cái xấu, cái tha hóa. Dấn thân để bảo vệ công bằng, lẽ phải, bảo vệ những giá trị nhân văn, hướng đến cuộc sống có lý tưởng và hoài bão”.

Kết thúc chương trình, nhiều điện thoại của các phóng viên, nhân viên báo Tuổi Trẻ đổ chuông, bạn đọc từ khắp nơi gọi đến chúc mừng và lại thêm bao lời yêu cầu, kỳ vọng về Tuổi Trẻ sau tuổi 40.

Ảnh: Quang Định
Ảnh: Quang Định

* Ông NGUYỄN THÀNH PHONG (ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phó bí thư Thành ủy TP.HCM):

“Khơi dậy trong tuổi trẻ ý chí dấn thân cho lý tưởng cao đẹp”

Nhiều bài báo trên Tuổi Trẻ ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc, có tính phát hiện kịp thời, thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, chống cái ác, cái xấu.

Tôi đề nghị Ban thường vụ Thành đoàn với vai trò là cơ quan chủ quản của báo Tuổi Trẻ tiếp tục quan tâm lãnh đạo toàn diện để báo hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong điều kiện mới.

Từ đó góp phần khơi dậy trong đoàn viên thanh niên, khơi dậy trong tuổi trẻ thành phố niềm tự hào dân tộc, khát vọng vươn lên, ý chí phấn đấu, dấn thân cho lý tưởng cao đẹp vì tự do, hạnh phúc của con người, vì sự phát triển bền vững của TP.HCM và đất nước.

Ảnh: Quang Định
Ảnh: Quang Định

* Ông NGUYỄN THẾ KỶ (phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương):

“Đừng bao giờ phai nhạt chất Trẻ”

Những năm gần đây, Tuổi Trẻ đã vươn vai lớn dậy, vượt tầm vóc của một đoàn thể, phạm vi của một địa phương, trở thành một trong những tờ báo tốp đầu của cả nước về lượng phát hành và khả năng chi phối thông tin đối với công chúng.

Tôi mong Tuổi Trẻ qua năm tháng chín chắn hơn, vững vàng hơn, vạm vỡ hơn nhưng đừng bao giờ mất đi chất TRẺ: Trẻ trong sức nghĩ, sức vươn; Trẻ trong khả năng thu hút, tập hợp những người trẻ và nhiều người không còn trẻ; Trẻ ở nội dung, hình thức, cách thức truyền tải thông tin; Trẻ trong các hoạt động xã hội. Và cũng mong và tin Tuổi Trẻ sẽ GIÀ hơn: già tay, già kinh nghiệm, già bản lĩnh khi xử lý những thông tin khó, phức tạp trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, thói vô cảm, lãnh cảm trong xã hội.

Tuổi Trẻ là niềm tự hào của Thành đoàn TP.HCM

40 năm qua sống cùng hơi thở của TP.HCM, Tuổi Trẻ chứng kiến và trải qua những cung bậc thăng trầm, khó khăn trên bước đường đổi mới. Mỗi ngày mới bắt đầu, Tuổi Trẻ đến với cơ quan, nhà máy, hòa điệu cùng cuộc mưu sinh của người lao động, hay trở thành đề tài bàn luận sôi nổi bên ấm trà nóng của những bác hưu trí.

Tuổi Trẻ thuyết phục và tạo sự tin cậy cho bạn đọc bằng tính trung thực - chính xác - kịp thời và tình người của một thành phố đôn hậu. Chất Đỏ - Trẻ - Sài Gòn luôn kiên định và bất biến. 

Tuổi Trẻ 40 tuổi đời cũng là bấy nhiêu năm những cán bộ Đoàn làm báo nâng niu, gìn giữ bản sắc tờ báo. Tuổi Trẻ không chỉ hướng đến người trẻ mà còn hữu ích với nhân dân thành phố; không những cung cấp, phản ánh thông tin cho thanh niên mà còn định hướng nhân cách sống, giá trị làm người cho họ.

Tuổi Trẻ không dừng lại ở phạm vi TP.HCM mà mở rộng khắp cả nước. Tuổi Trẻ không đơn thuần là những dòng chữ trên mặt báo, mà thấm đượm chất nhân văn từ các chương trình sau mặt báo. Có thể khẳng định báo Tuổi Trẻ là niềm tự hào của Thành đoàn TP.HCM, của các thế hệ cán bộ Đoàn TP.HCM.

Thắp lên ngọn lửa tuổi 40 - tuổi của sự trải nghiệm, chín chắn và trưởng thành. Nhưng với tổ chức thanh niên, Tuổi Trẻ luôn mãi thanh xuân, ấp ủ nhiều hoài bão.

Sự cạnh tranh gay gắt của nghề báo, sự bùng nổ của công nghệ thông tin luôn đặt Tuổi Trẻ vào những thử thách mới, nhưng tập thể Ban thường vụ Thành đoàn luôn tin tưởng vào đội ngũ những nhà báo “bút sắc - tâm trong”.

BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ĐOÀN TP.HCM

40 năm Tuổi Trẻ "Đỏ - Trẻ - Sài Gòn" - Ảnh: Thuận Thắng
PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG, HUONGPVQ@TUOITRE.COM.VN - MAIHUONG@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên