Phóng to |
Cựu quân nhân Mỹ Larry Colburn (phải) và anh Đỗ Ba, cậu bé 8 tuổi được Larry Colburn và viên phi công Hugh Thompson cứu thoát trong vụ thảm sát, đang thắp hương trước nấm mồ tập thể chôn chung chín người, trong đó có mẹ và hai em của anh Đỗ Ba. Ảnh: Na Sơn |
Cũng trong dịp này, những cựu binh Mỹ từng ở Quảng Ngãi đã lặng lẽ tìm về nơi đây. Hàng trăm câu hỏi về những cái chết tức tưởi và những bài học về chiến tranh vẫn còn trở đi trở lại vào mỗi dịp tưởng niệm.
Đối mặt với quá khứ
Đã mười năm qua, chị Đỗ Thị Tuyết mới từ Pleiku trở lại thăm nhà mình trong khu chứng tích Sơn Mỹ. Trong vòng ba ngày, chị ghé thăm căn nhà hai lần và lần nào cũng ôm chặt tấm biển trước cửa nhà mà khóc cho đến khi kiệt sức. Tấm biển đề tên mẹ chị và các em: 1. Lư Thị Quen, 42 tuổi; 2. Đỗ Thị Nhựt, 10 tuổi, 3.Đỗ Thị Nguyệt, 8 tuổi, 4.Đỗ Thị Hân 6 tuổi. 5. Đỗ Hùng, 4 tuổi.
Trên lưng chị Tuyết vẫn còn một vết sẹo dài bằng ngón tay, dấu tích của ngày kinh hoàng ấy. Vào buổi sáng cách đây 40 năm, tốp lính Mỹ lùa mẹ con chị ra đoạn mương ngay trước cửa nhà. Tổng cộng 170 người dân, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, không có vũ khí, đã bị giết ở đó. Những tiếng súng vang lên, những thân người đổ xuống, máu loang đỏ đoạn mương. Chị Tuyết sợ hãi nằm chúi đầu xuống giả chết, những xác người đè nặng bên trên đã che chắn cho chị. Một viên đạn sượt qua trên lưng và cuộc thảm sát còn đeo đẳng chị đến cuối đời.
Ông Phạm Đạt, năm nay ngoài 80 tuổi, người hiếm hoi thoát chết một cách thần kỳ khỏi những loạt đạn liên thanh của lính Mỹ, đã phải chứng kiến cảnh vợ đã bị bắn trọng thương, bế con gái nhỏ mới bảy tháng tuổi lết từ trong nhà đang cháy ra ngoài sân, cố gắng lăn về phía cửa hầm trú ẩn nhưng rồi bị lính Mỹ bắn cho chết hẳn, sau đó chất tranh lên trên và đốt cả hai mẹ con.
Ông Đạt và nhiều người nữa trong thôn đã không biết rằng một trong những cựu chiến binh từng tham gia toán quân giết chóc ngày hôm ấy đã trở về thăm lại Mỹ Lai. Đó là Kenneth Schiel. Đón tiếp vị khách đặc biệt Kenneth là giám đốc khu chứng tích Sơn Mỹ, anh Phạm Thành Công - người duy nhất sống sót trong căn hầm bị lính Mỹ giật lựu đạn nổ tung, cướp đi vĩnh viễn mẹ, chị gái và năm người em.
Anh Công đã thức trắng đêm trước khi gặp Kenneth. Cái bắt tay đầu tiên thật khó khăn. Và rồi cuộc gặp đã biến thành cuộc chất vấn suốt ba giờ đồng hồ. Phạm Thành Công hỏi: Tại sao ông đến đây giết người? Người cựu binh luôn miệng nhắc đi nhắc lại rằng ngày đó ông chỉ làm theo lệnh. Phạm Thành Công cật vấn: "Khi nhà điều hành làm sai, ông phải phản đối chứ?". Để đáp lại, Kenneth chỉ khóc.
Cuộc hội ngộ
Larry Colburn, tay súng máy trên chiếc trực thăng cùng phi công Hugh Thompson và Glenn Andreotta từng cứu sống một nhóm người dân Mỹ Lai thoát khỏi vụ thảm sát cách đây 40 năm, đã quay trở lại Sơn Mỹ để dự lễ cầu siêu và lễ tưởng niệm các nạn nhân. Hugh Thompson đã mất vì bệnh năm 2006, còn Glenn Andreotta đã chết trong chiến tranh sau vụ thảm sát Mỹ Lai ít lâu. Thật bất ngờ, sáng 15-3, Colburn gặp lại cậu bé đã từng được ba người lính Mỹ cứu mạng.
Họ phát hiện cậu, lúc ấy mới tám tuổi, từ con mương ngập ngụa xác người và máu, đưa cậu lên máy bay và chở cậu đến Bệnh viện Quảng Ngãi chữa trị vết thương. Cậu bé đó tên là Đỗ Ba. Sau khi được đưa vào bệnh viện, vì sợ bị bắt, Đỗ Ba trốn viện quay trở lại quê và sống với bà ngoại ở xã Tịnh Châu (cách Sơn Mỹ khoảng 4km), sau đó chuyển vào miền Nam sống với ông cậu, học nghề điện lạnh và xin đi làm tại Xí nghiệp cơ điện lạnh Hậu Nghĩa, Long An. Đỗ Ba mới lập gia đình cách đây hai năm và đã có con trai nhỏ 14 tháng tuổi.
Trả lời Tuổi Trẻ, Colburn cho biết: "Tôi ra khỏi quân ngũ ngay sau khi rời Việt Nam về Mỹ. Tôi mất 10 năm để thích nghi, chuyển từ cuộc sống căng thẳng cao độ trong chiến tranh trở lại với xã hội thường nhật. Tôi và Thompson đã đi nói chuyện tại nhiều trường học ở Mỹ về Mỹ Lai - biểu tượng cho sự sai lầm của chiến tranh. Vào năm 1998, Thompson đã quay trở lại Mỹ Lai và nói lời xin lỗi trước nhân dân ở đây. Khi trở lại, trong lòng tôi có bao nhiêu cảm xúc lẫn lộn. Tôi rất vui vì thấy nhiều người thăm viếng khu chứng tích. Đất ở đây đã thấm máu bao nhiêu người vô tội. Nơi đây đã trở thành một biểu tượng mà cả thế giới nên nhìn vào".
----------------------
Dư luận thế giới về vụ thảm sát Mỹ Lai: "Biểu tượng cuộc chiến tranh bẩn thỉu của Mỹ ở VN"
Nhân 40 năm diễn ra vụ thảm sát đẫm máu do binh lính Mỹ thực hiện ở Mỹ Lai (VN), nhiều hãng tin thế giới đã đưa tin nổi bật về sự kiện này, nhấn mạnh vụ thảm sát 504 thường dân vô tội ở Mỹ Lai là một biểu tượng của cuộc chiến tranh bẩn thỉu của Mỹ ở VN.
Nhật Báo Người Viên (AÁo) có bài viết khẳng định Mỹ Lai là hiện thân của một trong những tội ác ghê tởm nhất của binh lính Mỹ, là một "thất bại đạo đức của Mỹ trong cuộc chiến tranh VN". Các mạng tin "glaubeaktuell.net" và "suedwest-aktiv.de" (Đức) cũng đưa tin đậm nét về vụ tàn sát ở Mỹ Lai, cho rằng vụ thảm sát này đã có tác động rất lớn tới thế hệ trẻ hồi đó, tới hình ảnh nước Mỹ và góp phần khơi dậy phong trào thế giới phản đối cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở VN.
Hãng tin DPA (Đức) nói rằng đã 40 năm trôi qua nhưng nỗi hổ thẹn Mỹ Lai vẫn nhức nhối trong lòng nước Mỹ. Nó sống lại với cái tên "vụ Mỹ Lai của Iraq" khi lính Mỹ thảm sát 24 thường dân Haditha ở Iraq năm 2005.
Báo Los Angeles Times (Mỹ) sau khi kể lại diễn tiến sự kiện Mỹ Lai đã đưa ra cảnh báo người Mỹ sẽ không thể thắng với những cuộc chiến dã tâm: "Ngày 16-3 năm nay, chúng ta nên nhớ rằng chúng ta vẫn có thể thua trong các cuộc chiến vì quên rằng ta không phải lúc nào cũng là người tốt. Ta thua vì không đủ dũng khí đối mặt với con người xấu xa nhất bên trong chúng ta".
Phóng sự ảnh: Cầu siêu cho 504 thường dân bị thảm sát
Tưởng niệm 40 năm vụ thảm sát Mỹ Lai (16-3-1968 - 16-3-2008), sáng 15-3, tại khu chứng tích Sơn Mỹ, những người còn sống sót và hàng ngàn người dân huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, các gia đình có người tử nạn trong vụ thảm sát đã làm lễ cầu siêu cho các nạn nhân (đa số là người già, phụ nữ và trẻ em).
Buổi cầu siêu do khu chứng tích Sơn Mỹ, Sở Văn hóa - thông tin Quảng Ngãi tổ chức, ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Quảng Ngãi thực hiện đã diễn ra trang trọng, thành kính. Bốn mươi vị tăng ni đã tụng kinh siêu thoát cho các nạn nhân.
Phóng to |
Cầu siêu cho 504 thường dân vô tội bị thảm sát. Những người sống sót đội sớ trong buổi lễ, cầu nguyện cho các nạn nhân siêu thoát. Ảnh: Na Sơn |
Cựu binh Mỹ Kenneth Schiel, thuộc đại đội Charlie, người trực tiếp tham gia bắn giết thường dân vô tội ở ấp Mỹ Lai, Sơn Mỹ (nay là thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê), trở lại khu chứng tích Sơn Mỹ. Kenneth luôn cảm thấy bị ám ảnh bởi tội ác mình gây nên. Ảnh: Na Sơn |
1 tuổi, Bé có tội tình gì? Ảnh: Na Sơn |
40 năm sau, mầm sống lại hồi sinh từ quê hương Sơn Mỹ. Ảnh: Minh Thu |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận