14/10/2007 01:15 GMT+7

40 năm "Mùa hè tình yêu"

HỮU NGHỊ
HỮU NGHỊ

TTCT - Hàng vạn người đã tham dự "Mùa hè tình yêu" lần 40 tổ chức hôm chủ nhật 2-9 tại công viên cầu Golden Gate từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều.

565mxnmi.jpgPhóng to
“Mùa hè tình yêu” tại công viên San Francisco

Các nhạc sĩ của 40 năm trước đã cùng tham gia như Ray Manzarek (của ban nhạc The Doors), Country, ban nhạc Canned Heat, ban nhạc The Charlatans Michael McClure (Beat poet), Nick Gravenites, David Laflamme, nhóm nhạc Alameda All Stars, Essra Mohawk (của ban nhạc Mothers of Invention)...

Đại diện của hàng trăm tổ chức như "Tổ chức chống chiến tranh", "Tổ chức người bản địa Mỹ", "Phong trào tự do ngôn luận", "Phong trào hòa bình"... cũng đã tham gia "sự kiện vì hòa bình, tình yêu và cảm thông này", nhằm kỷ niệm 40 năm "Mùa hè tình yêu" của thế hệ 1960 cùng nền văn hóa gọi là "phản - văn hóa" phát sinh từ San Francisco.

Mẩu tin trên đưa người đọc trở lại với 40 năm trước, về lại một giai đoạn nóng bỏng cả tại Hoa Kỳ lẫn tại Việt Nam và thế giới. Trong giai đoạn đó, chiến tranh Việt Nam đang bước vào giai đoạn quyết liệt: ở Mỹ, phong trào hippies hòa làm một với phong trào phản chiến và phong trào này lan tràn khắp thế giới, kể cả ở Sài Gòn (với những tụ tập hippies ở công viên Chi Lăng trên đường Tự Do, nay là Đồng Khởi, và cả với những đặc trưng riêng khác như nhạc phản chiến...).

Thế hệ hippies đó phát xuất từ Mỹ, với thế hệ thanh niên ra đời sau Chiến tranh thế giới thứ hai, muốn thay đổi lối sống "kín cổng cao tường" cũ, từ học hành đến âm nhạc, thời trang... Chiến tranh Việt Nam cùng những thương tổn và nạn bắt lính ồ ạt càng làm cho các thanh niên Mỹ phản ứng.

h8clyRk2.jpgPhóng to
Hoa như một sức mạnh
Trong âm nhạc, ngay từ đầu thập niên 1960, làn sóng rock n’ roll (với đại diện là Elvis Presley) và "sự xâm lược của làng nhạc Anh" (đại diện là The Beatles), với thành phần gồm ba guitar điện cộng dàn trống, vừa đàn vừa hát đã "đảo chính" phong cách biểu diễn cũ gồm dàn nhạc kèn trống đệm cho một ca sĩ hát, tạo thành một làn sóng trên khắp thế giới sang đến cả Sài Gòn. Những năm đầu đó tậu được guitar điện hiệu "Đức Thắng", ampli đàn hiệu Lâm Hào đã là "ghê gớm" rồi...

Chính thể loại nhạc rock này đã chuyển tải những rung động từ cuộc chiến đẫm máu. Năm 1967, đó là năm của những ca khúc như Leaving on a jet plane được rất nhiều ca sĩ thi nhau hát (Janis Joplin, John Denver, Peter, Mary & Paul...), kể lại tâm trạng một binh sĩ sắp lên máy bay rời nước Mỹ sang Việt Nam:

All my bags are packed

Túi xách anh đã đóng xong rồi

I’m ready to go

Sẵn sàng đi thôi

So kiss me and smile for me

Thôi hôn anh đi, cười với anh

Tell me that you’ll wait for me

Hứa rằng em sẽ đợi anh

Hold me like you’ll never let me go

Ôm chặt anh tựa chẳng muốn để anh đi

‘Cause I’m leaving on a jet plane

Bởi anh sắp lên máy bay đi rồi

Dont know when I’ll be back again

Chẳng biết khi nào về

Oh babe, I hate to go

Em ơi, anh thật chẳng muốn đi.

Tại sao lại không muốn đi? Ca khúc Requiem for the masses (Kinh cầu hồn tập thể của nhóm ca bè trứ danh The Asscociaton tại đại hội nhạc trẻ Monterey (tháng 6-1967), là một trong những câu trả lời:

Requiem aeternam, requiem aeternam

Yên nghỉ ngàn thu đi

Mama, mama, forget your pies

Mẹ ơi, thôi đừng nướng bánh nữa

Have faith they won't get cold

Hãy tin tưởng rằng họ sẽ chẳng lạnh lẽo đâu

And turn your eyes to the bloodshot sky

Mẹ hãy ngước mắt lên nhìn bầu trời đẫm máu

Your flag is flying full

Để thấy lá quốc kỳ nặng trĩu

Kyrie Eleison

Xin Chúa thương xót chúng con.

Chủ đề ai oán này sẽ còn lặp lại trong ca khúc He ain't heavy, he's my brother với tiếng kèn harmonica láy não nề như muốn diễn tả tâm trạng của một người lính đang cõng xác đồng đội:

The road is long

Con đường dài đằng đẵng

With many a winding turn

Đầy những khúc quanh lộng gió

That leads us to who knows where

Chẳng ai biết dẫn đến đâu

Who knows where

Ai mà biết được đến đâu

But I'm strong

Song tôi vẫn mạnh mà

Strong enough to carry him

Đủ mạnh để cõng anh ta

He ain't heavy, he's my brother

Anh ta không nặng đâu vì là người anh em của tôi.

Năm 1967 đó, những ai chưa phải lên đường nhập ngũ rủ nhau tìm về San Francisco bên bờ Tây, nơi mà cuộc tụ tập đầu tiên ngày 14-1 đã qui tụ 50.000 người đến nghe các diễn giả như Timothy Leary đòi cải tổ xã hội, Jerry Rubin kêu gọi hành động chính trị, Allen Ginsberg thuyết giảng đấu tranh ôn hòa bằng các đóa hoa trên tóc, trên áo... như một thứ sức mạnh (flower power) trước khi nghe các ban nhạc The Grateful Dead, Jefferson Airplane... biểu diễn. Tất cả đều miễn phí, kể cả thức ăn, thức uống... như một khởi đầu cho lối sống cộng đồng chia sẻ... Hòa bình, yêu thương, hoa, âm nhạc là phương châm của cộng đồng này. Tụ tập đó mang tên "Human Be-in" (Dấn thân làm người). Dư âm của ngày này càng thôi thúc người ta rủ nhau đến San Francisco.

Scott McKenzie hô hào trong ca khúc San Francisco của mình:

If you're going to San Francisco

Nếu bạn đến San Francisco

Be sure to wear some flowers in your hair

Hãy nhớ cài hoa trên tóc

Summertime will be a love-in there

Mùa hè này sẽ đầy yêu thương

In the streets of San Francisco

Trên đường phố San Francisco

Gentle people with flowers in their hair

Những con người khả ái tóc cài hoa

All across the nation such a strange vibration

Cả nước rung lên một cách dị thường

People in motion

Dân chúng chuyển mình

There's a whole generation with a new explanation

Một thông điệp mới của cả một thế hệ

People in motion people in motion

Dân chúng chuyển mình.

Dân chúng chuyển mình, thế hệ trẻ đó không chỉ đàn hát, hút xách, yêu đương mà ngày ngày phản kháng. Ngày 15-4 năm đó, cuộc biểu dương lực lượng vì hòa bình diễn ra trên toàn quốc. Ở bờ Đông, tại New York, hàng trăm ngàn thanh niên tuần hành từ công viên trung tâm đến tòa nhà trụ sở LHQ. Ở bờ Tây, tại San Francisco, hàng trăm ngàn thanh niên tập trung ở công viên cầu Golden Gate. Tất nhiên, cảnh sát ra tay. Ca sĩ Eric Burdon của ca khúc The house of rising sun sáng tác San Francisco nights với đoạn sau:

Walls move, minds do too

Các bức tường chuyển dịch, tâm trí cũng thế

On a warm San Francisco night

Vào một đêm ấm áp tại San Francisco

Angels sing

Thiên thần hoan ca

Old angel, young angel feel all right

Thiên thần già, thiên thần trẻ đều hân hoan

I wasn't born there, perhaps I'll die there

Tôi chẳng ra đời ở đây song có lẽ sẽ qua đời ở đó

There's no place left to go

Bởi lẽ còn chỗ nào để đi nữa đâu

Cop's face is filled with hate

Mặt mũi cảnh sát đầy hận thù

Heavens above

Đầu chạm thiên đàng

He's on a street called "Love"

Chân đạp đất tình yêu

When will they ever learn?

Đến chừng nào họ mới hiểu ra?

Trong một ca khúc khác, Eric Burdon còn xướng lên làn gió thay đổi:

Winds of change keep on blowing

Gió thay đổi vẫn cứ thổi

Bob Dylan sang about the winds of change

Bob Dylan hát vậy.

Vào thời điểm đó, Bob Dylan đã được xem như là thủ lĩnh phản chiến. Ngay từ năm 1963, mới 22 tuổi, Bob Dylan đã sáng tác ca khúc Masters of war (Những ông chủ của chiến tranh):

Come you masters of war

Hãy đến đây, các ông chủ của cuộc chiến tranh

You that build all the guns

Những kẻ nặn ra tất cả súng ống đó

You that build the death planes

Những chiếc máy bay gieo rắc tử thần

You that build the big bombs

Những quả bom bự tổ chảng

You that hide behind walls

Lại giấu mình sau các bức tường

You that hide behind desks

Sau các bàn giấy

I just want you to know

Tôi chỉ muốn cho quí vị hay rằng

I can see through your masks

Tôi nhìn thấy bản mặt quí vị xuyên qua lớp mặt nạ

Tháng sáu năm đó, một đại hội pop rock diễn ra trong ba ngày từ 16 đến hết ngày 18-6 tại Monterey, tiểu bang California, qui tụ hơn 200.000 người, thu vé vào cổng tượng trưng chỉ 1 đôla chi phí. Từ Monterey, cách San Francisco khoảng 125 dặm về phía nam, đám đông sẽ rủ nhau lên San Francisco để cùng sống "Mùa hè tình yêu". Ngày 25-6, sau khi xem thông điệp mới của The Beatles All you need is love trên tivi, hàng trăm ngàn người xuống đường hát vang:

Love, love, love

Yêu thương, yêu thương, yêu thương

There's nothing you can do that can't be done.

Chẳng gì có thể làm được lại không làm được

No one you can save that can't be saved

Chẳng một ai có thể cứu được mà không cứu được.

Câu chuyện 40 năm trước là như thế.

HỮU NGHỊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên