24/06/2012 08:50 GMT+7

4 bài học từ tuyển Đức

VŨ CÔNG LẬP
VŨ CÔNG LẬP

TT - Chúng ta vốn nghĩ rằng một trận đấu theo kiểu “khoan bêtông” thì chỉ thắng với một vài bàn thắng đã là may mắn lắm rồi. Nhưng trận Đức - Hi Lạp cống hiến cho khán giả những sáu bàn thắng và bàn nào cũng đẹp, đẹp dữ dội và tinh tế.

Biểu đồ tuổi trung bình của tuyển Đức qua các kỳ Euro

0p8ZmyyJ.jpgPhóng to

Trong 11 lần dự Euro (ba kỳ đầu không có thống kê), tuyển Đức năm nay trẻ nhất. Cầu thủ Reus 23 tuổi đã chơi xuất sắc trong lần đầu xuất trận - Đồ họa: VĨ CƯỜNG - Ảnh: AFP

Đây là trận thắng thứ 15 liên tiếp của Đức trong các trận đấu giải chính thức, từ năm 2010 đến nay. Một kỷ lục có giá trị thừa nhận một đẳng cấp.

Sau trận đấu này, không khỏi bật ra một loạt câu hỏi: Không hiểu tiềm năng trong lối đá của Đức còn dồi dào đến đâu, còn biến đổi đến đâu? Và nữa, vì sao Đức có nhiều cầu thủ trẻ như thế? Vì sao Đức có lối đá ấy, với sức mạnh ấy?

Tx8ETlDt.jpgPhóng to
Cựu danh thủ Sammer (bìa trái) và các cầu thủ xuất sắc của U-17 Đức. Ông là nhân vật số 1 trong việc đào tạo cầu thủ trẻ hiện nay tại Đức - Ảnh: AFP

1 Tất cả bắt đầu từ đào tạo trẻ. Người đảm nhận công việc này là M. Sammer, cầu thủ nổi tiếng về tài năng, khát vọng và tầm nhìn. Yêu cầu thứ nhất: bất cứ trẻ em Đức nào, từ năm 6 tuổi, nếu muốn đá bóng thì phải tạo cho các em điều kiện để đá bóng. Lúc đầu để các em chơi một cách tự nhiên. Sau đó dạy các em về kỹ thuật để các em chơi bóng hay hơn và vui hơn. Lớn lên chút nữa dạy các em thêm chiến thuật, nghĩa là chơi đúng cách hơn. Tới năm 16 tuổi, các em được huấn luyện theo hướng chuyên nghiệp, được chuẩn bị để nếu có thể thì bước vào nghề đá bóng. Và nếu các em đã chọn nghề mà không thành công, do tài năng không phát triển, do chấn thương..., các em vẫn có thể trở về với đời thường, với các nghề nghiệp khác một cách thành công. Thực hiện nhiệm vụ ấy là các trường học thông thường, các trường học năng khiếu, các trung tâm đào tạo theo khu vực, ở các CLB và trong phạm vi quốc gia. Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) và Hiệp hội Bóng đá nhà nghề Đức (DFL) cùng đảm bảo kinh phí, đầu tư.

"Ba trận thắng đầu tiên khiến tôi không hài lòng vì lối chơi quá mỏng manh. Tôi biết Hi Lạp sẽ có kế hoạch đối phó với chúng tôi nên quyết tâm tạo ra sự thay đổi để gây bất ngờ. Tôi tin tuyển Đức đủ các tài năng trẻ để lên ngôi vô địch"

HLV Joachim Loew (Đức)

2 Tất cả phải gắn bó với xã hội. Xã hội Đức hiện nay là một xã hội đa văn hóa. Chính sách hòa nhập khối dân nhập cư trong xã hội đóng vai trò rất quan trọng. Trẻ em có nguồn gốc nhập cư đó mang theo những phẩm chất có tính truyền thống, lại hấp thụ được những giá trị Đức vốn được thử thách và công nhận. Cộng lại sẽ là một nguồn bổ sung mới cho xã hội Đức hiện đại, có những yếu tố sức mạnh mới, thể hiện rõ ngay cả trong bóng đá. Những Khedira (Tunisia), Ozil (Thổ Nhĩ Kỳ), Boeteng (Ghana), Gomez (Tây Ban Nha)... là sản phẩm của chính sách đào tạo đó, trong xã hội đa văn hóa được hiểu như vậy.

3 Triết lý bóng đá Đức cũng đã thay đổi. Lẽ đương nhiên, thắng lợi trên sân cỏ vẫn là tiêu chí cuối cùng, là mục tiêu trên hết của bóng đá. Nhưng để đến đích có thể có nhiều con đường, và Đức đã thay đổi khá nhiều con đường đi của mình. Năm 2010, ở Nam Phi, Đức đá phóng khoáng, ào ạt.

Suốt vòng đấu loại, Đức chơi tấn công dồn dập, phủ đầu. Tại Euro 2012 lần này, khi không còn không gian thoáng đãng nữa, khi bị đối thủ đối phó thận trọng hơn, Đức cho chúng ta thấy một lối đá biến ảo, thay đổi nhịp điệu, thay đổi khu vực và hướng tấn công, thay đổi cách dứt điểm.

Trong những thay đổi đó, HLV Loew đặc biệt thành công trong nghệ thuật dùng người, để rồi mỗi trận đấu lại xuất hiện những gương mặt mới, những phương án mới, làm tất cả bị bất ngờ. Ngay cả khi gặp một vài thất bại tạm thời, Loew vẫn khẳng định hướng đi của mình: chiến thắng, nhưng phải đem lại niềm vui cho khán giả. Đó cũng chính là niềm vui cho cầu thủ.

4 Bóng đá Đức hôm nay không tách rời những cuộc cách mạng khoa học công nghệ, mà trước hết là công nghệ thông tin và công nghệ y sinh. Tất cả các CLB thuộc Bundesliga, hạng nhất và hạng hai đều được trang bị hệ thống theo dõi và ghi đo cho từng cầu thủ.

Tất cả tham số về y sinh và về kỹ chiến thuật của từng cầu thủ, trong từng trận đấu, được biểu thị qua con số hay bản đồ, đều được trao cho HLV sau mỗi trận đấu để đánh giá, để xác định khối lượng huấn luyện, để đề ra các nhiệm vụ chiến thuật, và để giáo dục cầu thủ.

Đấy là một thứ bóng đá định lượng. Các phương pháp luyện tập thể lực cũng không còn như xưa, kể từ lúc Klinsmann nắm đội tuyển năm 2004. Nhiều thiết bị ngăn ngừa chấn thương và chữa trị chấn thương ra đời. Dinh dưỡng thể thao chi li đến mức có đội bóng phân ra cách ăn cho hậu vệ phải khác tiền đạo. Uống nước cũng trở thành vấn đề mới... Rõ ràng bóng đá là sự tích hợp của rất nhiều ngành nghề khác.

Không từ bỏ con đường đã chọn

HLV Joachim Loew tuyên bố: ”Chúng tôi khát khao trở thành vô địch châu Âu, và là một trong những đội có khả năng đạt được mơ ước đó. Nhưng trong bóng đá, không có gì đảm bảo cho thắng lợi cả. Và dù thất bại có xảy ra, chúng tôi cũng sẽ không từ bỏ con đường của mình”.

Đó là con đường khiến bóng đá Đức được công nhận, tôn trọng và mến mộ. Là con đường giàu suy tưởng, gian truân và cũng lắm nhọc nhằn. DFB đã gia hạn hợp đồng với HLV Loew đến năm 2014, như một đảm bảo rằng những chính sách phát triển bóng đá trong toàn quốc gia Đức sẽ tiếp tục đi con đường mà họ đã lựa chọn. Con đường ấy có rất nhiều bài học.

_______________

Chúng tôi cùng tụ họp ở nhà một người bạn đêm thứ sáu để xem trận Đức - Hi Lạp qua truyền hình. Hình ảnh ấn tượng nhất với nhóm CĐV chúng tôi trong trận đấu không phải là hai bàn thắng đẹp như tranh vẽ của Philipp Lahm và Sami Khedira, mà lại là cảnh bà Thủ tướng Đức Angela Merkel đứng bật dậy, vỗ tay reo hò ăn mừng sau mỗi bàn thắng của tuyển Đức.

Dân Đức không lạ khi xem hình ảnh ăn mừng bàn thắng của bà Merkel, bởi đây không phải là lần đầu tiên bà Merkel ăn mừng bàn thắng của đội tuyển Đức theo kiểu “phản xạ tự nhiên” như vậy. Bà vốn là người yêu bóng đá, một công dân Đức nên chắc chắn phải ủng hộ đội tuyển nhà tuyệt đối. Cảnh bà ăn mừng bàn thắng được chúng tôi đánh giá đơn giản là bà “hâm nóng tinh thần” cầu thủ nhà.

Thế nhưng tôi đoán dân Hi Lạp đã “ghét cay ghét đắng” khi xem hình ảnh của bà Merkel vì mối quan hệ đang “dầu sôi lửa bỏng” giữa Đức và Hi Lạp liên quan đến sự kiện nền kinh tế Hi Lạp đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Bỏ qua những chuyện chính trị, đội tuyển Đức đã làm chúng tôi sướng rơn vì họ đá quá đẹp. Dân Đức vui nhưng không phải ai cũng tin tưởng tuyệt đối đội nhà sẽ vô địch Euro 2012. Trên các mạng bình luận dành cho người hâm mộ Đức, một số CĐV bình luận: “Đội Đức tốt, nhưng cần toàn diện hơn”.

_______________

xbP9uGSQ.jpgPhóng to
Người Đức tưng bừng mừng chiến thắng - Ảnh: AFP

Tuy chỉ là một chiến thắng ở tứ kết nhưng cách chơi quá hay của tuyển Đức đã khiến cổ động viên nhà phấn khích. Chỉ riêng khu “Fan Mile” tại trung tâm thủ đô Berlin đã có hơn 400.000 người cùng xem trận đấu. Khi tiếng còi kết thúc trận vang lên là lúc không khí lễ hội bắt đầu thâu đêm tại Đức.

Báo chí Đức dĩ nhiên cũng ca ngợi đội nhà lên tận mây xanh. Tờ Deutsche Welle (Đức) dùng hình ảnh “xé toạc” để nói về chiến thắng đội nhà như mãnh hổ xé toạc chú cừu non Hi Lạp. Cây bút bóng đá Matt Hermann hả hê: “Tuyển Đức trình diễn một bộ mặt hoàn toàn mới để vào bán kết”. Đồng thời, Hermann ca ngợi HLV Loew ở hai điểm: luôn đổi mới và có giải pháp cho từng trận đấu.

Tờ Bild lại đá xéo chuyện Chính phủ Đức bàn kế hoạch viện trợ Hi Lạp: “Tạm biệt Hi Lạp. Hôm nay chúng tôi không thể cứu các bạn”.

Cộng đồng mạng cũng hết lời ca ngợi tuyển Đức. Đặc biệt, thủ môn lừng danh Peter Schmeichel thông qua Twitter của mình tán thành ý kiến của cựu danh thủ Gary Lineker rằng: “Tuyển Đức mạnh kinh khủng”. Cộng đồng mạng xã hội Facebook Việt cũng nóng với trận đấu này. Sau khi trận đấu kết thúc, nhiều fan của tuyển Đức đã bày tỏ niềm vui trên và Hội cổ động viên cuồng nhiệt của đội tuyển Đức - We love Mannschaft.

Trong khi đó, hậu vệ tuyển Hi Lạp Sokratis Papastathopoulos (đang khoác áo CLB Werder Bremen) than thở: “Chúng tôi không có gì phải xấu hổ. Hi Lạp đã phải đối đầu với một trong những đối thủ mạnh nhất trong vòng năm năm qua”.

______________

Hai tiền vệ trẻ của tuyển là Đức Marco Reus và Andre Schurrle đã chơi rất hay và được các chuyên gia bóng đá châu Âu chấm điểm rất cao ở trận Đức thắng Hi Lạp 4-2 tại tứ kết...

JE0BnMuz.jpgPhóng to
Marco Reus (21) - Ảnh: AFP

Reus sẽ gây nhức đầu cho Loew!

Sau trận thắng Hi Lạp, Reus được các chuyên gia của kênh ESPN chấm 8 điểm, bằng với cầu thủ xuất sắc nhất trận này là tiền vệ Mesut Ozil. Kèm theo đó là lời nhận xét: “Marco Reus đã kiên nhẫn, rình rập xung quanh vòng cấm đối phương và chớp thời cơ rất tốt. Dù vẫn còn hơi chậm trong vài tình huống xử lý nhưng tiền vệ này luôn rất nguy hiểm với những pha bóng tốc độ ở hai bên sườn. Sự xuất sắc của Marco Reus sẽ khiến HLV Joachim Loew đau đầu trong việc lựa chọn đội hình chính cho các trận đấu tới”.

Marco Reus có vẻ khá lạ lẫm với người hâm mộ bóng đá thế giới, nhưng ở Giải vô địch Đức (Bundesliga) tiền vệ này đã nổi lên như một tài năng trẻ cách đây ba năm. Đó là ngày 28-8-2009, Marco Reus thi đấu cho Borussia Monchengladbach đã thực hiện một pha độc diễn khi dẫn bóng từ giữa sân, trước khi tung cú sút rất căng làm tung lưới Mainz 05, ghi bàn thắng đầu tiên của anh ở Bundesliga. Kể từ đó, tiền vệ này càng chơi càng hay và trở thành trụ cột không thể thiếu trong màu áo Borussia Monchengladbach. Trong ba năm chơi cho Borussia Monchengladbach, Marco Reus đã thi đấu tổng cộng 109 trận, ghi 41 bàn và có 24 pha kiến tạo cơ hội - những con số ấn tượng đối với một cầu thủ mới 23 tuổi.

Riêng mùa giải vừa qua, Marco Reus là chân sút số 1, đồng thời là tiền vệ kiến thiết số 1 của Borussia Monchengladbach với 21 bàn thắng và 10 đường chuyền thành bàn trong tổng số 37 trận ra sân. Bị chinh phục bởi những trận đấu quá hay của Marco Reus, nên nhà vô địch nước Đức Borussia Dortmund đã bỏ ra 17,5 triệu euro để chiêu mộ anh từ Borussia Monchengladbach và chấp nhận ký bản hợp đồng có thời hạn đến năm năm.

0dIvASM4.jpgPhóng to
Andre Schurrle (9) - Ảnh: AFP

Chelsea muốn có Schurrle

Còn tiền vệ 21 tuổi Andre Schurrle cũng được báo điện tử Goal.com chấm điểm 8 với đánh giá: “Tốc độ của Schurrle thật tuyệt vời đã khiến tiền vệ Torosidis (Hi Lạp) trở thành con rối. Trước khi kết thúc hiệp một, anh ấy đã ba lần khiến khung thành Hi Lạp điêu đứng”.

So với Marco Reus, Schurrle trẻ hơn hai tuổi nhưng lại nổi lên sớm hơn khi chơi xuất sắc trong màu áo U-19 Đức với 10 bàn thắng sau 11 trận. Trong màu áo CLB, tiền vệ này cũng chơi rất hay cho CLB Mainz 05 trong hai mùa giải 2009-2010, 2010-2011, trước khi chuyển đến đầu quân cho Bayer Leverkusen mùa hè năm 2011 với giá chuyển nhượng 6,5 triệu bảng Anh. Ở mùa giải vừa qua, Schurrle đã chơi cho Bayer Leverkusen 40 trận và ghi được 9 bàn thắng.

Còn ở đội tuyển Đức, Schurrle lần đầu tiên được gọi vào năm 2010 và đến giờ anh đã có được bảy bàn thắng sau 16 trận. Hiện tiền vệ này đang được ông chủ Roman Abramovich (Chelsea) chào mời với giá 16,5 triệu bảng Anh. Tuy nhiên Bayer Leverkusen vẫn đang phân vân chưa muốn bán đi “viên ngọc quý” này.

VŨ CÔNG LẬP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Đức Euro 2012