21/04/2020 11:04 GMT+7

37 Seconds: Một cuộc đời khát khao tự do nhưng cơ thể lại là chiếc lồng quá chật

NỮ LÂM
NỮ LÂM

TTO - Mei Kayama ngồi trên chiếc xe lăn xuất hiện trên thảm đỏ là một trong những khoảnh khắc ấn tượng của mùa liên hoan phim Berlin lần thứ 69.

37 Seconds: Một cuộc đời khát khao tự do nhưng cơ thể lại là chiếc lồng quá chật - Ảnh 1.

Bạn sẽ làm gì nếu tâm hồn nhạy cảm của mình bị cầm tù trong chính cơ thể, khi những nhu cầu bình thường nhất cũng phải trả giá bằng những nỗ lực phi thường? Cô gái trẻ Yuma mang theo câu hỏi ấy trong suốt hành trình kỳ lạ mà cũng nhẹ bẫng của bộ phim Nhật Bản 37 Seconds.

Cũng giống như các phim Rolling to you, Me before you hay The Theory of Everything (bộ phim tiểu sử về thiên tài vật lý Stephen Hawking), 37 Seconds - bộ phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Hikari - có nhân vật chính gắn liền với chiếc xe lăn.

Điều khác biệt là nữ chính của 37 Seconds là một người bại liệt thật sự.

37 Seconds (2020) Japanese Movie Trailer English Subtitles

Khao khát tự do trong chiếc lồng cơ thể

Mei Kayama ngồi trên chiếc xe lăn xuất hiện trên thảm đỏ là một trong những khoảnh khắc ấn tượng của mùa liên hoan phim Berlin lần thứ 69. Điện ảnh không chỉ cho chúng ta mơ, nó còn cho chúng ta đôi cánh để bay qua những rào cản hình thể, vượt qua giới hạn bản thân.

Lựa chọn Kayama vào vai nữ chính dẫu làm tăng độ chân thật cho câu chuyện nhưng cũng mang đến thử thách cho đạo diễn khi chọn người chưa có kinh nghiệm diễn xuất, lại có vấn đề về sức khỏe.

Tuy nhiên, sự mạo hiểm này đã được đền đáp, tác phẩm đem lại cho khán giả cảm giác như xem thước phim tài liệu hơn là một bộ phim hư cấu.

Trong gần hai tiếng, Kayama đồng thời kể hai câu chuyện - câu chuyện của cô họa sĩ khiếm khuyết tên Yuma và câu chuyện của chính mình, một cuộc đời đầy khát khao tự do nhưng cơ thể lại là chiếc lồng quá chật.

37 Seconds: Một cuộc đời khát khao tự do nhưng cơ thể lại là chiếc lồng quá chật - Ảnh 3.

Cảnh phim 37 Seconds

Cô gái hai mươi ba tuổi không tình yêu, không tình bạn, chỉ sống quẩn quanh với người mẹ yêu thương một cách khắc nghiệt.

Cô dồn hết tình yêu và thời gian vào đam mê vẽ truyện tranh. Tài năng, nhưng lúc nào cô cũng sống sau cái bóng của người cộng sự, chỉ vì không xinh đẹp và không có một cơ thể lành lặn để có thể đến những buổi gặp mặt người hâm mộ.

Muốn vượt lên chính mình, Yuma quyết định chuyển sang vẽ truyện tranh người lớn nhưng bị biên tập viên nhận xét là thiếu cảm xúc và trải nghiệm. Để có "trải nghiệm", Yuma tìm đến "khu đèn đỏ" để rồi ê chề lại chồng chất ê chề.

Nhưng cũng chính ở đây, cô gặp những con người đặc biệt, những người chấp nhận cô và giúp cô khám phá cái thế giới rộng lớn ngoài kia, quan trọng nhất là khám phá chính nội tâm tưởng chừng giản đơn mà lại vô cùng phong phú của chính mình.

37 Seconds: Một cuộc đời khát khao tự do nhưng cơ thể lại là chiếc lồng quá chật - Ảnh 4.

Cảnh phim 37 Seconds

Không cam phận sống như một chiếc bóng

Đạo diễn Hikari không kể câu chuyện này bằng cách cố tình xoáy sâu vào bản năng tình dục hay chuyển sang một môtip đẫm nước mắt.

37 Seconds khiến người xem có thể cười nhiều hơn khóc. Phim khiến chúng ta sực tỉnh vì niềm hạnh phúc nhận thấy thật may mắn để có một cơ thể toàn vẹn - điều vốn dĩ vẫn được xem là hiển nhiên. Yuma nhắc ta, có những người mà chính việc thở thôi đã là một kỳ tích.

Một điều trùng hợp, Hikari trùng tên với người con trai cả bị tổn thương não của nhà văn đoạt giải Nobel Kenzaburo Oe.

Hikari Oe bị chậm phát triển, khiếm thị, động kinh, các bác sĩ đã cố thuyết phục vợ chồng Oe để đứa con trai mình chết nhưng họ từ chối. Về sau, Hikari Oe trở thành nhà soạn nhạc có lượng tiêu thụ đĩa lớn ở Nhật Bản.

37 Seconds: Một cuộc đời khát khao tự do nhưng cơ thể lại là chiếc lồng quá chật - Ảnh 5.

Cảnh phim 37 Seconds

Còn đạo diễn Hikari để cho nữ chính tài năng của mình dù được hâm mộ nhưng mãi chỉ là kẻ bên lề cho đến ngày cô không cam phận sống như một chiếc bóng lầm lũi.

Yuma được khắc họa luôn luôn di chuyển - ngồi trên tàu đến chỗ làm, trên taxi, cuộc bỏ nhà "đi bụi" đầu tiên, chuyến đi xa để đi tìm lại những người thân thiết...

Ba mươi bảy giây là khoảng thời gian Yuma không thể thở sau khi ra đời, chính ba mươi bảy giây ngắn ngủi ấy khiến cô sau này không thể đi lại được. Ở cuối phim, Yuma tâm sự rằng giá như cô có thể thở sớm hơn chỉ một giây thôi, rất có khả năng cô đã được "tự do".

37 Seconds: Một cuộc đời khát khao tự do nhưng cơ thể lại là chiếc lồng quá chật - Ảnh 6.

Cảnh phim 37 Seconds

Sự tự do dường như là điều Hikari muốn nói đến. Yuma không chỉ khao khát có một cơ thể tự do hoạt động theo ý mình, cô còn muốn một linh hồn tự do có thể sống như mình muốn, có thể nói mà không cần xấu hổ, có thể yêu mà không cần mặc cảm và cuối cùng có thể tự tin như bất kỳ người nào trên cuộc đời này.

Ba mươi bảy giây vì thế còn gợi lên khoảng thời gian để sống, để con người biết trân trọng từng giây còn được thở, từng sinh mệnh quý giá.

Có thể dùng hình tượng "chiếc áo lặn và con bướm" của Jean-Dominique Bauby để nói về Yuma.

Dù khiếm khuyết nhưng mang trong mình một tâm hồn hướng thiện, biết hi sinh; Yuma không phó mặc đời mình, không cam chịu. Và bằng cách đó, câu chuyện nhẹ nhàng nhưng tinh tế này trở nên có sức nặng.

Cảnh phim 37 Seconds

Cảnh phim 37 Seconds

Tự do trong tư duy xây dựng kịch bản, Hikari thông qua câu chuyện của một họa sĩ khiếm khuyết cũng đã nói lên một xã hội Nhật Bản hiện đại nhưng nhiều định kiến, nơi những cá nhân cô đơn chật vật tồn tại, đi tìm lẽ sống đời mình.

Lăn đến bên em - phim ngôn tình Pháp giữa rừng bom tấn Mỹ Lăn đến bên em - phim ngôn tình Pháp giữa rừng bom tấn Mỹ

TTO - Rolling to you gây ấn tượng khi dẫn đầu phòng vé hai tuần liên tiếp ở Pháp. Phim sẽ ra rạp Việt từ ngày 11-5 với những tình tiết hài đặc trưng kiểu Pháp.

NỮ LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên