Tư vấn nhóm kinh tế - tài chính - y dược, nông lâmNhóm ngành Khoa học Kỹ thuật Công nghệTư vấn nhóm ngành khoa học xã hội - luật - quân đội - công an
Hơn 3.000 học sinh từ các trường THPT trên địa bàn TP.Huế đã về dự.
Phóng to |
Nhiều học sinh ở Huế thắc mắc về việc xét tuyển nguyện vọng 2,3 - Ảnh: Nguyên Linh |
Phóng to |
Nhiều phụ huynh cũng đến lắng nghe ban tư vấn tuyển sinh - Ảnh: Nguyên Linh |
Như lời hẹn mỗi năm với các bạn thí sinh cùng các bậc phụ huynh, chương trình Tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ và Bộ Giáo dục - Đào tạo diễn ra tại Thừa Thiên - Huế - vùng đất học nổi tiếng, với sự phối hợp tổ chức của Sở GD- ĐT và Tỉnh Đoàn Thừa Thiên - Huế, cùng sự hỗ trợ của Trường THPT chuyên Quốc Học và Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Huế.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Minh Tự, đại diện Báo Tuổi Trẻ nói chương trình tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp là một trong những hoạt động của báo Tuổi Trẻ nhằm đồng hành với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Chương trình này sẽ đồng hành với thí sinh và các bậc phụ huynh ngay từ lúc khởi đầu: chọn lựa ngành nghề tương lai, chọn trường thi, khối thi, lập hồ sơ đăng ký dự thi; cho đến việc ôn thi, vào trường thi, giải bài thi, công bố kết quả, nhập trường và kết thúc bằng học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Mở đầu chương trình tư vấn tại Huế, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cung cấp những điểm mới của kỳ tuyển sinh năm nay.
Về cơ bản, kỳ thi tuyển sinh năm nay vẫn theo phương thức ba chung: chung đề, chung đợt và sử dụng chung kết quả để xét tuyển. Tuy nhiên, năm nay Bộ GD-ĐT bổ sung thêm khối thi A1. Khối thi này sẽ thi vào đợt 1 cùng với khối A, V. Các trường tùy điều kiện của mình có thể bổ sung khối A1 chứ không thay đổi các khối thi truyền thống trước đây. Đợt 1 diễn ra ngày 4 và 5-7 cho khối A, A1, V, đợt 2 ngày 9 và 10-7 cho khối B, C, D và các khối năng khiếu, đợt 3 ngày 25 và 16-7 thi CĐ cho tất cả các khối.
Năm nay Bộ GD-ĐT không in cuốn những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ. Thí sinh có thể tham khảo thông tin tuyển sinh của các trường qua website của các trường, báo chí và từ Bộ GD-ĐT. Năm nay mã ngành tuyển sinh của các trường thay đổi hoàn toàn so với các năm. Tất cả các trường có ngành đào tạo giống nhau thì mã ngành hoàn toàn giống nhau, chỉ khác nhau mã trường. Mã ngành mới gồm 1 chữ và 6 số. Thí sinh cần hết sức chú ý tìm hiểu mã trường của các trường đề khai hồ sơ cho chính xác.
Điểm mới nữa là năm nay Bộ GD-ĐT không qui định số đợt xét tuyển và thời gian của mỗi đợt xét tuyển. Các trường tự quyết định thời gian xét tuyển và số đợt xét tuyển của mình. Hạn chót xét tuyển các nguyện vọng là ngày 30-11. Thời gian xét tuyển, qui định xét tuyển của mỗi trường khác nhau nên thí sinh cần hết sức lưu ý để nộp hồ sơ xét tuyển cho phù hợp.
Thí sinh không trúng tuyển đợt 1, có điểm thi đạt từ điểm sàn trở lên và không có môn nào bị điểm 0 sẽ được các trường cấp hai giấy chứng nhận kết quả để nộp hồ sơ xét tuyển các đợt còn lại. Tùy trường, thí sinh có thể sử dụng bản photo giấy chứng nhận để xét tuyển.
Điểm mới nữa là học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào ĐH-CĐ. Học sinh đạt giải nhất, nhì, ba được tuyển thẳng vào ĐH, đạt giải khuyến khích được tuyển thẳng vào CĐ. Nếu học sinh đạt giải học sinh giỏi mà không sử dụng quyền tuyển thẳng mà dự thi thì làm hồ sơ và dự thi bình thường như những thí sinh khác. Nếu có kết quả thi ĐH từ điểm sàn trở lên, không có môn bị điểm không, các trường sẽ xét tuyển thẳng các em vào ngành mà em đăng ký. Trường chỉ tuyển thẳng thí sinh đạt giải vào ngành hoặc các ngành gần mà thí sinh có môn thi đạt giải.
Học sinh là người dân tộc thiểu số sẽ được ưu tiên xét tuyển vào các trường ĐH. Tuy nhiên, trước khi vào học chính thức, sinh viên sẽ được các trường bồi dưỡng kiến thức trong 1 năm.
Nghe tư vấn để thi lại năm 2 Vừa mới vào TP. Huế được 2 ngày, nhóm bốn bạn trẻ gồm Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Thị Trang, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Thị Chung đến từ trường thôn 7 (xã Hà Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã đến khu vực tư vấn tuyển sinh nhóm ngành Khoa học Xã hội - Sư Phạm - Công An - Quân Đội để nghe các thầy cô tư vấn. Nhóm bạn cho biết năm trước thiếu hụt thông tin về tỉ lệ chọi của các trường dự thi cũng như chưa xác định đúng năng lực để chọn đúng trường nên cả 4 em đều không đậu đúng ngành mình muốn học. “Biết báo Tuổi Trẻ có chương trình tư vấn tuyển sinh chúng em liền rủ nhau đi bộ từ nhà trọ đến đây để nghe các thầy cô tư vấn và xác định đúng đắn ngành học phù hợp với năng lực và sở thích của mình” - em Nguyễn Thị Thúy, cho biết. |
Xem tư vấn qua tivi
Tại khu vực tư vấn tuyển sinh nhóm ngành: Khoa học Xã hội - Sư phạm - Công an – Quân đội, mặc dù chưa đến giờ tư vấn tuyển sinh phân theo nhóm ngành nhưng có hàng trăm học sinh của các trường THPT trên địa bàn đã ngồi kín hội trường để xem truyền hình trực tiếp thông qua sóng của VTV Huế.
Bạn Nguyễn Thị Trang, học sinh trường THPT Quốc Học Huế cho biết: “Do em đến muộn nên ở hội trường chúng đã chật nên em phải qua khu vực tư vấn theo ngành này ngồi nghe tuyển sinh qua tivi để biết thông tin các nhóm ngành”.
NỘI DUNG TƯ VẤN
* Đến giờ em vẫn chưa định hướng mình làm nghề gì, nhưng em dự định sẽ về Huế làm để ở gần gia đình. Xin thầy cô cho biết em nên chọn học ngành gì, trường nào?
- TS Hoàng Hữu Hòa - trưởng Ban Khảo thí - đảm bảo chất lượng giáo dục - ĐH Huế: Để đáp ứng yêu cầu Thừa Thiên - Huế là thành phố trực thuộc trung ương, nên các em có nguyện vọng làm việc tại địa phương sau khi ra trường thì có hai nhóm ngành rất cần cho hiện tại và tương lai. Đó là nhóm ngành y dược và du lịch - dịch vụ. Hiện nay, Thừa Thiên - Huế đã và đang xây dựng hai bệnh viện ở phía Nam và Bắc của Thừa Thiên Huế.
Để có việc làm, các em lưu ý các điểm sau: Tham khảo điểm chuẩn của các ngành mọi năm, tùy theo năng của mình để chọn cho mình ngành yêu thích. Ý kiến của gia đình chỉ nên tham khảo. Không nên sĩ diện, chúng ta phải chọn ngành phù hợp khả năng, điều kiện kinh tế gia đình. Ở hai ngành này, nếu các em tốt nghiệp khá giỏi trở lên thì cơ hội việc làm rất cao.
* Em muốn dự thi vào các ngành kinh tế, nhưng em muốn học ngoại ngữ để làm kinh tế tốt hơn. Em nên học gì?
- TS Trần Thế Hoàng - trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM: Nếu các bạn học tốt kinh tế, thêm một số kiến thức, kỹ năng khác như ngoại ngữ thì chắc chắn cơ hội việc làm của các bạn rất cao. Hiện nay, theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường đều công bố chuẩn đầu ra. Chẳng hạn như tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, yêu cầu chứng chỉ TOEIC 550 dành cho các ngành kinh doanh quốc tế, du lịch. Các ngành còn lại quy định 450 TOEIC.
Các bạn có thể kết hợp bằng cách vừa học kinh tế, vừa học tiếng Anh thương mại. Hiện nay, học theo tín chỉ nên các em học ngành này cũng có thể đăng ký thêm những môn học yêu thích khác. Chúng tôi chia sẻ với các bạn thông tin, mỗi năm có 2.000 người học văn bằng hai chính quy tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Trong đó, rất nhiều người là kỹ sư, cử nhân ngoại ngữ...học thêm về kinh tế. Tôi đưa ra những ý trên để các bạn căn nhắc, và đưa ra quyết định cho mình.
* Em muốn thi vào Trường ĐH Y dược Huế. Các trường dược đều tuyển sinh khối B nhưng Trường ĐH Y dược Huế không tuyển khối B. Vậy trong tương lai trường có tuyển khối B hay không?
- TS Hoàng Hữu Hòa - trưởng Ban khảo thí - đảm bảo chất lượng giáo dục - ĐH Huế: Ngành dược của Trường ĐH y dược Huế chỉ tuyển khối A, các ngành còn lại sẽ tuyển khối B.
* Em muốn thi vào ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM). Sức học của em có thể đậu vào luật dân sự. Khi đậu em có thể chuyển sang ngành khác không?
- ThS Lâm Tường Thoại: Ngành luật dân dự có điểm chuẩn khoảng 16 điểm trong suốt 4 năm qua. Trường thi tuyển theo ngành, khi trúng tuyển vào ngành nào, sinh viên sẽ phải học đúng ngành đó suốt 4 năm. Tuy nhiên trường đào tạo theo tín chỉ nên sinh viên có thể học hai ngành, thời gian học hai ngành là 6 năm.
* Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM) năm nay sẽ nhân hệ số 2. Điểm chuẩn liệu có sự thay đổi nhiều không? Trường tuyển thêm khối A1, những ngành tuyển cả 3 khối thì chỉ tiêu phân thế nào, điểm chuẩn ra sao?
- ThS Lâm Tường Thoại: Năm nay trường sẽ nhân hệ số môn toán của tất cả các khối. Để kiểm chứng, học sinh cứ làm để thi của những năm trước, cộng tổng điểm 3 môn nếu bằng điểm các năm trước thì khả năng trúng tuyển sẽ cao. Điểm chuẩn các năm phụ thuộc vào số lượng thí sinh dự thi, kết quả thi của thí sinh. Để kiểm định được sức học của mình, nên làm đề của các năm trước.
Các ngành có tuyển nhiều khối, chỉ có chung một chỉ tiêu, hiện nay chưa phân chỉ tiêu. Chỉ tiêu phụ thuộc vào số thí sinh đăng ký vào mỗi khối. Điểm chuẩn phụ thuộc vào số thí sinh dự thi và kết quả thi của thí sinh của mỗi khối để có thể cân đối điểm chuẩn phù hợp cho mỗi khối. Hiện nay học sinh khoan quan tâm đến điều này. Học sinh cần làm thử đề thi và xem năng lực của mình đến đâu để có thể chọn ngành và trường phù hợp.
* Trong kỳ tuyển sinh 2012, thí sinh có thể thi hai khối ở hai đợt khác nhau được không? Ở các trường CĐ không tổ chức thi, chúng em có mượn trường thi được không?
- TS Nguyễn Bắc Nam: Các bạn không những thi được hai đợt mà thi được ba đợt khác nhau bao gồm hai đợt thi đại học và một đợt thi cao đẳng. Tuy nhiên, các bạn nhớ khối thi A, A1 là một đợt thi, các khối B,C,D1, H là một đợt thi. Còn việc trường không tổ chức thi, các bạn có thể xét tuyển theo kết quả chung từ đề thi của Bộ GD-ĐT.
* Em muốn theo các ngành về địa chất, dầu khí mà không biết trường nào tuyển?
- TS Nguyễn Văn Thư: Xin mời em đăng ký vào Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH quốc gia TP.HCM). Ngoài ra, nếu các em muốn học chuyên về dầu khí có thể đăng ký học tại Trường ĐH Dầu Khí. Trường này ở Vĩnh Phúc nhưng có cơ sở tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
- TS Nguyễn Kim Quang: Tôi xin bổ sung, trong dầu khí tuyển dụng rất nhiều ngành nghề khác nhau. Có một bộ phận cử nhân chuyên về địa chất, dầu khí. Những người này phụ trách tìm kiếm, khai thác dầu khí. Ngoài ra, để làm lĩnh vực này cần nhiều kỹ sư điện, hóa chất... Do đó, nếu học các ngành học kỹ thuật các, các bạn cũng có thể làm việc trong lĩnh vực này. Thậm chí, ngành kinh tế cũng có thể làm việc về dầu khí.
* Nếu em đăng ký khối A1 nhưng không trúng tuyển có thể xét tuyển vào các ngành khối A không?
- ThS Hứa Minh Tuấn: Thí sinh dự thi khối nào, nếu không trúng tuyển, nếu có điểm thi phù hợp với yêu cầu xét tuyển của các trường có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào các ngành có cùng khối thi. Năm nay khối A và A1 sẽ thi cùng đợt. Thí sinh thi khối A1, không trúng tuyển chỉ có thể đăng ký xét tuyển đợt hai vào các ngành, trường có xét tuyển khối A1. Tuy nhiên, năm nay nhiều trường thông báo chỉ tổ chức thi tuyển khối A, nhưng khi xét tuyển đợt 2 họ xét tuyển cả hai khối A và A1.
* Như thầy Hòa đã nói, nhóm ngành dễ kiếm việc làm là về du lịch. Em nên thi vào quản trị kinh doanh hay du lịch?
- TS Hoàng Hữu Hòa: Khi chọn ngành, các em tùy theo năng lực của mình và ngành nghề các em thích. Hai ngành em kể để có khối thi C, A, A1, D1,2,3. Các em xem thử một trong hai ngành đó là một trong hai ngành mà em thích. Bởi lẽ khi các em đã thích, các em sẽ phấn đấu học tốt và cơ hội việc làm sẽ cao hơn.
- TS Trần Thế Hoàng: Không có ngành nào có ưu thế tuyệt đối hơn ngành nào trừ một số ngành đặc biệt. Dễ xin việc phụ thuộc vào nhiều thứ như trang bị kiến thức, năng lực, sở thích cộng với như cầu địa phương. Trở lại nhu cầu địa phương, với mục tiêu đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Nếu các bạn chọn học tại Thừa Thiên Huế nên chọn nhóm ngành dịch vụ (du lịch, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ văn hóa), công nghiệp xây dựng, nông lâm thủy sản (nuôi trồng, chế biến...). Tóm lại, bạn thích ngành gì hơn và thế mạnh của địa phương là như thế nào để chọn ngành phù hợp.
- Th.S Hứa Minh Tuấn: Các em lưu ý, trong kỳ thi năm nay Bộ GD-ĐT quy định các trường đăng ký mã ngành khác. Do đó, các em cần tìm hiểu danh mục mã ngành rõ ràng, tránh nhầm lẫn. Tiếp theo, ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành khác nhau. Hai ngành này có hai mã ngành khác nhau nên em lưu ý. Điều này mới triển khai trong năm 2012, do đó các trường chưa thực hiện. Em phải lên website của các trường, của Bộ GD-ĐT để tìm hiểu.
* Ngành tài chính ngân hàng nhu cầu nhân lực như thế nào?
- Th.S Lâm Thường Thoại: Ở nước ta có khoảng 400 trường ĐH, CĐ thì hầu hết đều có đào tạo ngành tài chính ngân hàng. Em có thể thấy số lượng “cung” - tức người học khá lớn. Còn về lượng “cầu” - từ các ngân hàng có thể sẽ chững lại. Chẳng hạn như hai năm gần đây, ngành tài chính ngân hàng gặp một số khó khăn. Nhiều em băn khoăn về việc làm khi nghe những thông tin sát nhập các ngân hàng từ các phương tiện truyền thông.
Tuy nhiên, em có thể thấy là, bất kỳ quốc gia nào từ giàu nghèo, phát triển hay không đều quan tâm đến lĩnh vực này. Thêm nữa, em có thể thấy là các nước luôn giao dịch, buôn bán, chuyển tiền...thì đều phụ thuộc vào ngành này. Nếu em đam mê với ngành này thì nên thi vào, “nhất nghệ tinh” thì nhất thân vinh thôi.
* Các trường xét tuyển NV2 thế nào? Làm sao biết các trường xét tuyển NV2?
- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Tất cả chúng ta dự thi, ai cũng muốn mình trúng tuyển NV1. Như vậy, để xét tuyển NV2, thí sinh phải không trúng tuyển NV1 vá có điểm thi từ điểm sàn trở lên. Khi đó, trường thí sinh dự thi sẽ cấp cho thí sinh hai giấy chứng nhận kết quả tuyển sinh để xét tuyển NV2. Hai giấy chứng nhận này có giá trị như nhau.
Thí sinh cần theo dõi báo chí và vào website của các trường để biết trường nào xét tuyển NV2, bao nhiêu chỉ tiêu, điều kiện xét tuyển, thời gian xét tuyển. Nếu thấy mình đủ điều kiện, thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại các trường có xét tuyển.
* Sau khi có kết quả thi đại học, giấy báo điểm có đóng dấu đỏ của trường dự thi sẽ gởi về cho thí sinh bằng cách nào? Em có thể tìm thông tin các trường ở đâu?
- TS Nguyễn Văn Thư: Nếu em không trúng tuyển NV1, trường em dự thi sẽ gởi cho các bạn hai phiếu báo điểm về nơi các em đăng ký dự thi. Chẳng hạn em nộp tại trường THPT thì sẽ đến đó nhận. Thời gian gởi rất nhanh sau khi có điểm thi.
Về trang web của các trường ĐH em có thể tìm kiếm thông của tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Một cách đơn giản là đánh vào mục tìm kiếm của google. Một cách nữa là các em có thể theo dõi từ báo chí.
* Em có dự định thi vào ngành công nghệ thông Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, vậy cơ hội việc làm ra sao?
- TS Nguyễn Kim Quang: Trong kỳ thi “ba chung”, việc sử dụng chung kết quả thi có mục đích là tạo điều kiện cho những bạn thi không đạt vào ngành A nhưng điểm chuẩn cao hơn một số ngành khác. Ngoài ra, một số trường chuyển các em đó từ một ngành học này sang một ngành học khác do trường giới thiệu với các em. Chẳng hạn ở ĐH Bách Khoa TP.HCM, tuyển sinh theo ngành và độ chênh lệch điểm giữa các ngành rất lớn.
Do đó, khi không trúng tuyển vào ngành này thì thí sinh cũng có thể chuyển vào ngành khác có điểm chuẩn thấp hơn. Ở ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng có hình thức chuyển sang ngành có điểm chuẩn thấp hơn với ngành trong hệ thống đại học này. Trước hết, các em tập trung học để thi trúng tuyển NV1. Nếu chưa đạt, các em có thể xét vào các trường khác. Chủ trương của Bộ GD-ĐT luôn tạo điều kiện cho thí sinh học tập.
* Năm nay Trường ĐH Kinh tế TPHCM có tuyển khối A1 phải không ạ? Khối A1 thi những môn gì? Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM) sau khi học 3 học kỳ mới phân ngành phải không ạ?
- TS Trần Thế Hoàng: năm nay trường ĐH Kinh tế TPHCM sẽ thi khối A1, thi toán, lý và tiếng Anh. Trong đó, hai môn toán và lý sẽ thi chung đề với khối A, môn tiếng Anh sẽ thi theo đề riêng dành cho khối A1. Trường sẽ cân nhắc để xác định điểm chuẩn hai khối A và A1 sao cho hài hòa, tuy nhiên điểm chuẩn giữa hai khối có thể bằng nhau hoặc chỉ chênh lệch không nhiều.
- ThS Lâm Tường Thoại: Trường tuyển sinh theo ngành nên khi trúng tuyển vào ngành nào, sinh viên sẽ học ngành đó suốt 4 năm chứ không phân ngành sau khi trúng tuyển.
* Lịch thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay có nhiều thông tin khác nhau. Vậy lịch thi ĐH chính thức đã gút chưa?
- TS Lê Thị Thanh Mai: trước đây, Bộ GD-ĐT dự kiến 3 đợt thi, các ngày thi sẽ thi vào các ngày thứ 7, chủ nhật. Tuy nhiên thời gian thi quá dài, tốn kém cho thí sinh nên mới đây Bộ GD-ĐT đã quyết định ngày thi vẫn như các năm trước đây: Đợt 1 diễn ra ngày 4 và 5-7 cho khối A, A1, V, đợt 2 ngày 9 và 10-7 cho khối B, C, D và các khối năng khiếu, đợt 3 ngày 25 và 16-7 thi CĐ cho tất cả các khối.
Phóng to |
Từ trái qua, Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Thị Trang, Nguyễn Thị Chung nghe các thầy cô tư vấn để xác định đúng ngành thi theo năng lực của mình - Ảnh: NGỌC HIỂN |
Phóng to |
Nhiều học sinh ngồi nghe tư vấn tuyển sinh qua tivi tại khu vực tư vấn tuyển sinh nhóm ngành: Khoa học Xã hội – Sư Phạm – Công An – Quân Đội - Ảnh: NGỌC HIỂN |
Phóng to |
Toàn cảnh tư vấn tuyển sinh tại Huế - Ảnh: NGUYÊN LINH |
Danh sách ban tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2012 tại Huế Tư vấn chung: 1. PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM2. TS Nguyễn Văn Thư – hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM3. TS Lê Thị Thanh Mai – trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM4. TS Nguyễn Kim Quang – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHTN- ĐHQG TP.HCM5. TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM6. TS Trần Thế Hoàng – trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM7. ThS Lâm Tường Thoại – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế - luật ĐHQG TP.HCM 8. ThS Lê Văn Hiển – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM9. ThS Hứa Minh Tuấn – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính – marketing10. TS Hoàng Hữu Hòa - trưởng Ban Khảo thí – đảm bảo chất lượng giáo dục – ĐH Huế 11. ThS Nguyễn Bắc Nam – phó Ban đào tạo ĐH Đà Nẵng Tư vấn chuyên sâu: * Nhóm Kinh tế - tài chính – du lịch – y dược – nông lâm: 1. PGS.TS Trịnh Văn Sơn - trưởng phòng Đào tạo – công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế Huế2. TS Võ Viết Minh Nhựt – Phó trưởng khoa Khoa Du lịch - ĐH Huế 3. PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM4. TS Trần Thế Hoàng – trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM5. ThS Lâm Tường Thoại – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế - luật ĐHQG TP.HCM 6. ThS Hứa Minh Tuấn – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính – marketing * Nhóm Khoa học tự nhiên – kỹ thuật – công nghệ - y dược – nông lâm: 1. TS Hà Văn hành – phó hiẹu trưởng Trường ĐH Khoa học Huế2. TS Nguyễn Văn Thư – hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM3. TS Nguyễn Kim Quang – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHTN- ĐHQG TP.HCM4. ThS Nguyễn Bắc Nam – phó Ban đào tạo ĐH Đà Nẵng * Nhóm KHXH&NV – công an - quân đội – năng khiếu – sư phạm: 1. TS Hoàng Hữu Hòa - trưởng Ban Khảo thí – đảm bảo chất lượng giáo dục – ĐH Huế 2. PGS.TS Ngô Đắc Chứng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế 3. TS Lê Thị Thanh Mai – trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM4. ThS Lê Văn Hiển – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận