19/06/2019 12:31 GMT+7

30 năm nữa, thế giới chen chúc thêm 2 tỉ người

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc vừa công bố, dân số thế giới sẽ tăng từ 7,7 tỉ hiện nay lên 9,7 tỉ vào khoảng năm 2050. Nơi dân số tăng nhanh nhất, gấp đôi là khu vực châu Phi Hạ Sahara.

30 năm nữa, thế giới chen chúc thêm 2 tỉ người - Ảnh 1.

Số cuộc đám cưới ở Nhật tiếp tục giảm trong năm 2018 - Ảnh: AFP

Báo cáo mang tên "Triển vọng dân số thế giới 2019: Những điểm nổi bật" do Liên Hiệp Quốc (LHQ) công bố còn cho biết dự báo đến năm 2100, dân số thế giới sẽ lên đến 11 tỉ người. Điểm đáng lo trong đó là dân số sẽ già đi vì tuổi thọ nhìn chung ngày càng cao và tỉ lệ sinh con thấp đi.

Dân Trung Quốc sẽ ít đi

Số quốc gia bị giảm dân số sẽ tăng thêm theo nhận định của Ban Vấn đề kinh tế và xã hội thuộc LHQ, là cơ quan chấp bút báo cáo trên. Từ năm 2010, có 27 quốc gia và vùng lãnh thổ bị giảm dân số ở mức 1% do tỉ lệ sinh thấp. Chẳng hạn Trung Quốc được dự báo bị giảm 31,4 triệu người, tức khoảng 2,2% trong khoảng năm 2019 - 2050.

Trong khi đó, báo cáo nhận định dân số Ấn Độ sẽ tăng thêm gần 273 triệu người từ nay đến năm 2050 và Ấn Độ sẽ là nước đông dân nhất thế giới đến hết thế kỷ này. Hiện dân số của Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt là 1,43 tỉ và 1,37 tỉ người trong năm 2019, chiếm tương ứng 19% và 18% tổng dân số toàn cầu.

Báo cáo cho rằng có 9 quốc gia sẽ chiếm hơn 50% mức tăng dân số thế giới từ nay đến năm 2050 gồm Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, CHDC Congo, Ethiopia, Tanzania, Indonesia, Ai Cập và Mỹ. Tình trạng di dân cũng sẽ làm thay đổi kết cấu dân số của một số quốc gia. Báo cáo của LHQ dự báo trong thập kỷ tới, các nước Belarus, Estonia, Đức, Hungary, Ý, Nhật, Nga, Serbia và Ukraine sẽ phải tiếp nhận thêm người di cư, do dân số giảm sút vì tỉ lệ chết cao hơn tỉ lệ sinh.

30 năm nữa, thế giới chen chúc thêm 2 tỉ người - Ảnh 2.

Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Ảnh chụp tại một nhà ga xe lửa ở Ấn Độ - Ảnh: AFP

Tỉ lệ sinh tiếp tục giảm

Chỉ số sinh sản toàn cầu tiếp tục giảm sút từ mức 3,2 con/phụ nữ vào năm 1990 còn 2,5 con/phụ nữ trong năm 2019, và sẽ tiếp tục giảm xuống mức 2,2 con/phụ nữ vào năm 2050. Tỉ lệ này như vậy tiệm cận với mốc 2,1 con/phụ nữ cần thiết để đảm bảo dân số đủ duy trì tồn tại và tránh tình trạng dân số suy giảm về lâu dài, nếu không tính đến tình trạng nhập cư.

Nhật là một trong những ví dụ. Số liệu thống kê mới nhất của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 7-6 cho thấy số trẻ sơ sinh ở nước này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 918.397 trẻ trong năm 2018, tiếp tục dưới mốc 1 triệu trẻ trong liên tiếp 3 năm.

Theo Bộ Y tế Nhật Bản, tỉ lệ sinh con trung bình của một phụ nữ Nhật Bản vẫn duy trì trong khoảng 1,4 kể từ năm 2012, sau khi chạm mức thấp kỷ lục 1,26 vào năm 2005. Hiện độ tuổi trung bình sinh con đầu lòng của phụ nữ Nhật Bản ở khoảng 30,7 tuổi và số trẻ sơ sinh có mẹ trong độ tuổi 30 - 34 đã giảm hơn 10.000 trẻ.

Theo một cuộc thăm dò mới đây, có 73,5% số người trong gần 3.000 người được hỏi cho biết họ cảm thấy khó khăn khi sinh và nuôi dưỡng con thứ 2. Trong khi đó, một cuộc khảo sát trực tuyến khác được thực hiện hồi cuối tháng 5 cho thấy có 82% số ý kiến cho biết yếu tố kinh tế ảnh hưởng tới quyết định sinh con thứ 2 của các gia đình Nhật Bản.

Cũng theo một cuộc khảo sát của chính phủ, số cặp đôi kết hôn trong năm 2018 đã giảm 20.428 cặp so với năm trước đó, còn 586.438 cặp. Độ tuổi kết hôn trung bình là khoảng 31,1 đối với nam giới và 29,4 đối với nữ giới. Số liệu này không thay đổi kể từ năm 2014.

Về tuổi thọ, dân số ở các nước nghèo sẽ vẫn sống ít thọ hơn 7 năm so với mức trung bình của thế giới, vốn được thiết lập ở mức 77,1 tuổi vào năm 2050 so với 72,6 tuổi trong năm 2019 này. Cũng nên nhớ rằng vào năm 1990, tuổi thọ trung bình của con người chỉ là 64,2 tuổi.

Dân số đang già đi

Lần đầu tiên, báo cáo chỉ ra rằng trong năm 2018, số người trên 65 tuổi của toàn thế giới đã vượt số trẻ em dưới 5 tuổi và dự báo con số này sẽ tăng gấp 2 lần vào năm 2050. Khi đó, số người trên 80 tuổi cũng sẽ tăng gấp 3 lần, từ 143 triệu người vào năm 2019 lên 426 triệu người vào năm 2050. Tính từ năm 1990 đến 2019, tỉ lệ sinh đã giảm từ 3,2 còn 2,5. Dự kiến đến năm 2050, tỉ lệ này tiếp tục giảm còn 2,2.

Báo cáo chỉ rõ những tác động tiêu cực của tình trạng lão hóa dân số đối với thị trường việc làm, tăng trưởng kinh tế cũng như sức ép tài chính mà nhiều nước sẽ phải đối mặt trong những thập niên tới, liên quan hệ thống dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe, chế độ hưu trí và các chế độ bảo hiểm xã hội cho người già.

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên