11/07/2019 11:48 GMT+7

3 đề xuất tăng lương tối thiểu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Dù còn 'độ vênh" giữa các bên nhưng theo nhận định của các chuyên gia về tiền lương, nhiều khả năng trong phiên họp thứ 2 của Hội đồng tiền lương quốc gia chiều 11-7 sẽ 'chốt' được mức lương tối thiểu vùng năm 2020.

3 đề xuất tăng lương tối thiểu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - Ảnh 1.

3 phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2020 sẽ được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra Hội đồng tiền lương quốc gia chiều 11-7-Ảnh: Đ.BÌNH

So với phiên họp đầu tiên (ngày 14-6) chỉ với 2 đề xuất thì lần này, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa thêm đề xuất thứ 3.

Cụ thể, tại phiên họp trước, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 2 phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2020 với mức tăng bình quân 8,18% so với mức hiện hành, tức tăng 180.000-380.000 đồng tùy từng vùng và tăng 7,06% (tăng 160.000-330.000 đồng).

Phương án thứ 3 mà Tổng liên đoàn Lao động vừa bổ sung sẽ được đề xuất trong phiên họp chiều nay là điều chỉnh, tăng lương tối thiểu vùng 6,52%, tức tăng 120.000-320.000 đồng.

Lý giải về mức đề xuất trên, ông Lê Đình Quảng, phó ban quan hệ lao động Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia), cho rằng đây là mức tăng đã được cơ quan này tính toán kỹ, dựa trên số liệu thực tế về tình hình phát triển kinh tế, xã hội hiện nay như: GDP tăng khoảng 7%; CPI khoảng 4%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng trên 5%.

Đây là những tín hiệu có ảnh hưởng tích cực đến việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2020.

Bên cạnh đó là dựa vào tình hình xuất khẩu với tỉ lệ đơn hàng ngày càng tăng, đặc biệt ở các ngành sử dụng đông lao động.

Điều này cho thấy khả năng chi trả của doanh nghiệp sẽ ổn định. Đồng thời, số doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng hơn so với năm trước.

Ngoài ra, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết có tham khảo tỉ lệ chi phí lương thực thực phẩm của một số nước trên thế giới tương đồng với Việt Nam.

Kết quả cho thấy ở các nước như: Campuchia, Sri Lanka, Philippines, Ấn Độ, Mông Cổ, tỉ lệ chi cho phi lương thực thực phẩm đều cao hơn mức tính của Việt Nam.

Trước những đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động (người lao động), tại phiên họp lần thứ nhất, đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (doanh nghiệp) cho rằng lương tối thiểu vùng năm 2020 giữ nguyên như hiện hành, không cần tăng để "giữ sức cho doanh nghiệp", "tăng khả năng cạnh tranh".

3 đề xuất tăng lương tối thiểu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - Ảnh 2.

Phiên họp đầu tiên của Hội đồng tiền lương quốc gia ngày 14-6 - Ảnh: Đ.BÌNH

Trong khi đó, theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ Online, bộ phận kỹ thuật của hội đồng (Bộ Lao động, thương binh và xã hội - đại diện Chính phủ) lại đưa ra 3 phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2020.

Cụ thể, phương án 1 tăng bình quân 4,9% so với lương tối thiểu vùng 2019 (tăng 120.000-200.000 đồng); phương án 2 tăng bình quân 4% (tăng 70.000-170.000 đồng tùy từng vùng) và phương án 3 tăng bình quân 6% (tăng 140.000-240.000 đồng tùy từng vùng).

Đây không phải là lần đầu tiên mức đề xuất giữa các bên "vênh" nhau khá lớn vào mỗi mùa thương lượng lương tối thiểu vùng.

Lập luận của phía chủ sử dụng lao động trong những năm qua là tiền lương tối thiểu đã liên tục tăng và trên thực tế là hầu hết các doanh nghiệp đều trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng quy định.

Theo các chuyên gia về tiền lương và một số thành viên hội đồng tiền lương quốc gia, dù còn có quan điểm khác nhau nhưng nhiều khả năng trong tháng 7 này, thậm chí ngay cuộc họp chiều nay các bên sẽ thống nhất được để "chốt" mức lương tối thiểu vùng sẽ áp dụng từ 1-1-2020.

Cơ sở của nhận định này là nghị quyết của trung ương về cải cách chính sách tiền lương đã xác định "thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế, xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ".

Mức lương tối thiểu vùng năm 2019 đã đáp ứng trên 95% so với mức sống tối thiểu của người lao động.

Lương tối thiểu vùng hiện hành (áp dụng từ 1-1-2019) đã tăng bình quân tăng 5,3% so với 2018 (vùng 1 là 4,18 triệu đồng; vùng 2 là 3,71 triệu đồng; vùng 3 là 3,25 triệu đồng và vùng 4 là 2,92 triệu đồng).

Lương không đủ sống, có nữ công nhân chấp nhận Lương không đủ sống, có nữ công nhân chấp nhận 'bán mình', đẻ thuê

TTO - "Lương không đảm bảo đủ sống, người lao động sẵn sàng bán mình cho quỷ, và hiện ở các khu công nghiệp đã có hiện tượng nữ công nhân chấp nhận chửa thuê, đẻ thuê…"

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên