Cô Mỹ Hằng và các học trò nhỏ trong một buổi đứng lớp - Ảnh: My Lăng |
Căn nhà lọt thỏm trong góc cùng của con hẻm, ngộp và bức bí. Người dân ở thị trấn Dương Đông (huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) gọi địa danh này là xóm Cồn vì nó vốn là một cồn cát ven biển. Đường ngập cát, lại dốc và nhỏ, taxi không thể vào. Còn đi xe đạp nếu không cẩn thận sẽ đâm thẳng vào bất cứ bờ tường nào của những căn nhà mọc bất thình lình từ những hẻm hóc bên đường.
Căn nhà của vợ chồng cô giáo Dương Thị Mỹ Hằng - thầy Đặng Văn Hải chỉ có vách tường ngăn giữa phòng khách và khu vực nhà sau là xây ximăng, còn lại “tường nhà” là vách gỗ chắp vá bằng những mảnh tôn. Kẽ ván gỗ được chủ nhà lót bao nilông để tránh mưa gió ghé qua. Đó là nơi vợ chồng cô Hằng và hai con ở từ ngày ra đảo.
25 năm dạy học ngoài đảo, vợ chồng cô Hằng giờ đã 50 tuổi, đều là giáo viên ở thị trấn Dương Đông.
Nhiều bữa sáng mình thấy 3 - 4 thằng con trai đứng dòm qua cửa sổ nên ra hỏi, tụi nó nói: "Con nhớ cô quá nên lên thăm cô. Cô mắc dạy nên con đứng dòm chút xíu rồi về!". Mình cười mà rớm nước mắt... |
Cô MỸ HẰNG |
Những mẩu chuyện về học trò của đảo
“Học trò ở đảo hồn nhiên lắm, nhà có chuyện gì kể hết. Có nhiều chuyện cô biết mà cha mẹ chưa biết. Sáng nay có đứa vô khóc, hỏi sao khóc nó kể cha con hồi tối đi nhậu thấy người ta đánh lộn, cha con vào can bị người ta đánh luôn, lấy búa đập bể đầu. Mẹ con vô Rạch Giá nuôi cha con rồi. Con ở nhà một mình sợ lắm. Rồi có bữa học trò nam vô lớp, lên bàn bỏ nhỏ với cô: “Cô ơi bữa nay cô đừng kiểm tra bài con nha”. Hỏi sao vậy, nó kể tối qua cha mẹ con đánh lộn: Ba con đập đồ xèng xèng. Con sợ trúng em con nên ôm em chạy. Con sợ quá không học bài được” - cô Hằng bật cười khi kể lại một vài mẩu chuyện về những cô cậu học trò của mình.
Có một điều mà cô đúc kết bao năm nay: “Nghiêm khắc quá, chúng sợ không dám nói, không dám chia sẻ gì. Mình gần gũi, biết lắng nghe, tụi nhỏ sẽ tin tưởng chia sẻ lại. Đứa nào lì, ít nói cũng bị “dụ”, kể hết. Khi trò có lỗi thì đừng rầy trước mặt các bạn, nó quê mặt phản ứng lại. Hồi trước lớp mình có em thường xuyên đánh lộn, tôi kêu lên bàn nói nhỏ: “Dạo này con còn đánh lộn nữa không? Cô nghe nói con đánh lộn dữ lắm. Còn đánh là cô không thương nữa nha”. Em nào bỏ học mình gọi lên bảo cô không muốn em như vậy, cô không muốn buồn vì em nữa... Nói nhỏ nhẹ vậy mà dần dần tụi nhỏ thay đổi, còn la mắng, đánh roi chưa chắc đã nghe. Nhưng cũng có đứa phải cho một roi. Ra chơi, gọi nó lại hỏi biết tại sao cô đánh đòn không, nó khoanh tay dạ, tại vì em sai. Khi rầy phải nghiêm khắc nhưng lát sau phải dỗ ngọt lại, làm sao để tụi nhỏ nhận ra cái sai của chúng”.
Rồi cô Hằng kể về cậu học trò tên Thắng khá đặc biệt. Ngày trước Thắng rất lì, đi học không bao giờ chịu mang tập vở, ngày nào cũng phải ăn một roi vô mông. Bị ăn đòn riết, tới nỗi cái roi bị gãy. Cô dặn bữa sau mang cho cô cái roi khác.
Cu cậu mang roi mảnh hơn, dài hơn. Hỏi tại sao, cu cậu lém lỉnh trả lời: Cô hổng đánh con nữa đâu nên con mang roi nhỏ. “Bây giờ Thắng học lớp 8 rồi. Ba năm nay, ngày 20-11 nó đều tới nhà thăm cô dù không học mình nữa” - cô Hằng bồi hồi nói.
Ký ức 25 năm
Năm 1990, đang dạy học ở Gò Công Đông (Tiền Giang), khi hay tin ngành giáo dục Phú Quốc đang thiếu giáo viên, cô giáo trẻ Mỹ Hằng xung phong đi ngay không một chút đắn đo.
“Cha mẹ tôi không cho đi vì sợ xa xôi, con gái khổ. Thuyết phục riết cha mẹ cũng chiều lòng. Cha sợ không có điện đài, không có thông tin liên lạc, cho cái radio mang theo. Ông tưởng đảo hoang sơ nên dặn dò đủ thứ” - cô Hằng nhớ lại.
Chuyến đi tàu (bằng tàu cá) đầu tiên ra biển gặp bão, bị say sóng ói ra mật xanh mật vàng, cô giáo trẻ Mỹ Hằng ngồi rớt nước mắt. “Tôi đã nghĩ đi lần này cho biết, hết thời gian là về” - cô Mỹ Hằng thật thà kể. Vậy mà cô ở đảo tới giờ, đã 25 năm.
Chẳng thể nào kể hết những gian nan thời đó. Thiếu cơ sở vật chất nên một trường vừa có tiểu học, vừa có trung học. Không đủ phòng học nên phải chia ra: hai ca đầu là tiểu học, ca sau cùng là trung học. Chưa đủ trường, lớp nên cứ học trộn. Một ngày cô Hằng dạy hai ca.
Cô Mỹ Hằng kể: “Ngày đó đảo rất thiếu giáo viên, người dân quý lắm gọi ông thầy, bà cô rất trọng. Không đủ sống với lương nhà nước, thầy cô phải nhờ người dân hỗ trợ nhiều. Chúng tôi 4 - 5 cô giáo ở nhờ nhà dân. Nhà lót bằng gỗ nhum, mát nhưng chông chênh lắm. Khu này toàn kiểu nhà sàn, dưới là cát. Dân biển thương lắm, có con cá, con mực, con khô đều cho thầy cô. Sáng ra cửa thấy chùm cá treo toòng teng không biết ai cho. Nấu cơm không có than chạy qua xin. Mỗi lần ra chợ, bà Mười bán thịt heo thấy mặt, ngoắc vô cắt cho một miếng về mấy cô giáo kho ăn. Tết về đất liền, phụ huynh xẻ khô mực cho các thầy cô. Đám cưới con cháu dân cũng mời thầy cô. Con học bài không hiểu, dân qua nhờ chỉ bài cho con. Sống gần gũi, tự nhiên và quan tâm thầy cô như người trong nhà. Mỗi lần ra đảo mình lại xách trái cây biếu mỗi người một chút. Không nhiều nhưng người ta vui lắm. Vậy mà thành lưu luyến, đi không đành”.
Quyết tâm ở lại đảo của cô giáo trẻ Mỹ Hằng đã giúp đảo có thêm một thầy giáo nữa. “Quen ảnh hồi hai đứa học Trường trung học Sư phạm Tiền Giang. Ảnh kêu về mình không về. Mình bảo nếu anh không ra đây với em thì khỏi cưới. Ra đây em mới chịu cho cưới.
Cuối cùng, ảnh kêu về... làm đám cưới rồi ảnh chuyển ra đảo. Ba năm sau khi mình ra đây dạy thì tổ chức đám cưới. Hai bên cho tiền mua được miếng đất 36m2 ngoài đảo cất nhà” - cô Mỹ Hằng tâm sự.
Những giai đoạn khó khăn nhất đã qua đi. Con trai lớn của vợ chồng cô Hằng hiện là sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Cô con gái Đặng Dương Huyền đang là học sinh lớp 6 Trường THCS Dương Đông 1. Huyền sáu năm liền là học sinh giỏi.
Tò mò đi theo cô Hằng ra phía sau nhà, vô tình nhìn vào tủ lạnh mới thắc mắc sao cô làm nhiều bịch đá vậy. Cô cười bảo làm để bán kiếm thêm ít đồng.
Mấy tháng trước mắt còn khỏe, cô Hằng nhận ráp áo đồng phục học sinh. Mùa hè ráp suốt ngày. Một tháng ráp được 400 - 500 cái áo, có thêm được 4 - 5 triệu đồng gửi cho con ăn học ở Sài Gòn...
Ghiền món cơm chiên của cô Tụi nhỏ khoái nhất là những lần đi dã ngoại, cắm trại, liên hoan cuối năm - hết cấp được cô Hằng nấu ăn. Tiền tiết kiệm của lớp mỗi tháng được bốn năm chục ngàn, lớp trưởng gửi cô, ghi sổ. Cô chiên cơm, làm bún, mua trái cây, nước ngọt... làm liên hoan chia tay. Cô Hằng cười bảo: “Có đứa giờ học lớp 9 mỗi lần xuống thăm đòi cô chiên cơm ăn hoài. Nó kêu ghiền món cơm chiên của cô. Ngày 20-11 tụi nó kéo xuống, từ nhà trên tới nhà dưới không có chỗ mà đi. Đông quá tụi nhỏ kéo ra biển chơi rồi vô dần dần. Học trò ở đây mến tay mến chân thầy cô dữ lắm. Nhằm bữa mình bệnh cũng ráng đi dạy, tụi nhỏ hỏi: "Cô, sao cô mệt hả?". Để ý, quan tâm cô ghê lắm. Biết mình về đất liền thăm nhà, sáng tụi nhỏ xuống xách giỏ phụ cô ra bến xe. Học trò nữ kéo áo, nắm tay nắm chân nói cô nhớ ra lại, mình kêu tụi bây lì quá cô không ra nữa đâu. Tụi nó nhao nhao nài nỉ: con không lì nữa đâu rồi khóc. Cô cũng khóc. Vì tụi nhỏ mà mình ở đảo tới giờ. Có đứa mình dạy tới giờ dạy tiếp con nó. Có đứa đi biển chạy ù về mang bịch cá tặng cô mà mình không nhớ nổi tên”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận