19/12/2013 08:19 GMT+7

22 năm không thực hiện xong một quyết định

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Mảnh ruộng hương hỏa bị cháu bán trộm cho người khác, dù đã được UBND xã ra quyết định trả lại ruộng nhưng 22 năm rồi một người dân ở huyện Củ Chi, TP.HCM vẫn không thể nhận lại đất.

HKnCd11d.jpgPhóng to
Bà Phạm Thị Anh - Ảnh: Hữu Khoa

Bà Phạm Thị Anh (62 tuổi, tổ 6, ấp Phước Lộc, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi) kể năm 1976, bà cùng chồng đang công tác tại Phòng văn hóa huyện Củ Chi, được cha chồng để lại cho thửa ruộng rộng 4.084m2 tại ấp Bàu Điều Thượng, xã Phước Thạnh. Bởi cả hai vợ chồng đều đang công tác nên không thể canh tác được thửa ruộng, vợ chồng bà Anh cho bà Lương Thị Xẩm, cháu gọi chồng bà Anh là chú ruột, mượn để canh tác. Điều này đã được mọi người trong họ tộc thừa nhận. Tuy nhiên cuối năm 1990, vợ chồng bà Lương Thị Xẩm đã ủy quyền, bằng giấy viết tay cho ông Nguyễn Văn Nẩn (hiện đang ở tại tổ 6, ấp Bàu Điều Thượng) và giao thửa ruộng của vợ chồng bà Anh cho ông Nẩn được toàn quyền sử dụng vĩnh viễn.

Bỗng dưng mất ruộng

"Vụ việc đã được giao cho UBND xã giải quyết, dù xã báo cáo rằng việc hòa giải không thành nhưng huyện chỉ đạo xã tiếp tục hòa giải để thực hiện quyết định. Chúng tôi cũng muốn kết thúc sớm bởi vụ việc để lâu quá và kéo dài gây mệt mỏi cho người dân"

Ông Nguyễn Việt Dũng(phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi)

Bà Anh nói: “Khi tôi phát hiện và bảo ông Nẩn đất này của tôi, tôi không có bán nên ông phải trả lại đất cho tôi nhưng ông Nẩn không đồng ý”. Lý do là ông đã phải mua đất với giá 25 chỉ vàng, phải trả cho ông đủ 25 chỉ vàng thì ông mới trả đất.

Sau vài phiên họp do xã chủ trì có sự có mặt của ba bên liên quan đã đi đến thống nhất bà Xẩm phải trả cho ông Nẩn 25 chỉ vàng và ông Nẩn trả lại ruộng cho bà Anh. Thỏa thuận này đã được UBND cấp xã lúc đó ban hành quyết định số 19/QĐ-UB ngày 20-9-1991. Quyết định này nêu: bà Lương Thị Xẩm phải mang vàng đến UBND xã Phước Thạnh vào ngày 5-10-1991 để giao vàng và chuộc lại ruộng dưới sự chứng kiến của xã. Tuy nhiên đến ngày hẹn, bà Xẩm không đến, thậm chí sau đó bà Xẩm bỏ đi làm ăn xa.

Bao nhiêu năm nay vợ chồng bà Anh nhiều lần yêu cầu được chuộc lại ruộng nhưng ông Nẩn không đồng ý. Chồng bà Anh bệnh rồi mất, còn bà vẫn không ngừng khiếu nại đòi đất. Bà Anh cho biết UBND xã di chuyển trụ sở, làm thất lạc quyết định 19, họ yêu cầu bà trình bản quyết định bà được giao nhưng bà đã nộp Phòng tài nguyên - môi trường để làm giấy chủ quyền cho thửa ruộng. Gần đây, UBND huyện mới tìm thấy quyết định 19 nên ngày 12-8-2013, UBND huyện Củ Chi đã ra quyết định số 5946 về việc thi hành quyết định số 19 do ông Nguyễn Việt Dũng ký có nội dung: “Năm 1991, theo quy định của pháp luật, UBND cấp xã có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai. Do đó, UBND xã Phước Thạnh ban hành quyết định số 19/QĐ-UB ngày

20-9-1991 về giải quyết tranh chấp đất của bà Phạm Thị Anh. Tuy nhiên đến nay UBND xã Phước Thạnh chưa tổ chức thực hiện quyết định nêu trên. Nay UBND huyện giao UBND xã Phước Thạnh tổ chức thực hiện ngay quyết định số 19. Thời gian thực hiện là 30 ngày làm việc, báo cáo kết quả cho thường trực UBND huyện”.

Không thể thực hiện?

Từ đó đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Theo bà Anh, UBND xã Phước Thạnh đã tổ chức hòa giải hai lần nhưng vẫn không đi đến được thỏa thuận dù bà Anh đã chấp nhận bỏ tiền của mình bồi thường cho việc mua bán giữa bà Xẩm và ông Nẩn với số vàng tăng lên là 30 chỉ vàng. “Đây là ruộng hương hỏa của gia đình nên tôi không thể không lấy lại. Nhưng có quyết định của UBND huyện rồi mà vẫn không thực hiện được thì tôi buồn quá. Lý do ông Nẩn nói rằng công sức gia đình ông bỏ ra giữ gìn ruộng bao nhiêu năm qua nên ông không trả thì tôi cũng thấy rằng bao nhiêu năm qua ông ấy đã canh tác và thu hoa lợi trên đất ruộng của gia đình tôi không hợp pháp” - bà Anh nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nẩn vẫn canh tác thửa ruộng ấy và hiện dùng để trồng cỏ nuôi bò sữa cho trang trại bò sữa của ông. Ông Nẩn khẳng định: “Giờ thích kiện đến đâu thì tôi cũng theo kiện nhưng tôi nhất quyết không trả ruộng. 25 chỉ vàng giờ mua bán được cái gì?”.

Bà Võ Thị Khanh, chủ tịch UBND xã Phước Thạnh, khẳng định xã đang quản lý thửa ruộng đó và nguồn gốc đất này trước đây thuộc quyền sử dụng của ông nội rồi cha chồng bà Anh. “Nhưng hiện nay thửa ruộng ấy không ghi tên ai bởi vẫn còn đang diễn ra tranh chấp. Ở cấp độ chính quyền địa phương, chúng tôi chỉ có thể mời hai bên đến hòa giải, còn sau ba lần hòa giải không thành chúng tôi sẽ báo cáo lên huyện để xin ý kiến chỉ đạo của huyện. Vụ việc diễn ra lâu, đến sáu đời chủ tịch xã nhưng chúng tôi cũng không có quyền lực gì trong tay để bắt buộc ông Nẩn phải thi hành. Thậm chí tôi đã tham khảo bên tòa án xem có thể đưa sang bên ấy cho họ xét xử không nhưng tòa án cũng khẳng định không thể xét xử khi thửa đất chưa có bằng khoán” - bà Khanh nói.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên