21 loại thuốc giả, có 4 loại giả thuốc đã được cấp phép lưu hành

Trong số 21 loại thuốc giả vừa bị công an thu giữ, có 4 loại được xác định là giả mạo thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Những loại thuốc giả dùng để điều trị bệnh tiềm ẩn hiểm họa khủng khiếp đến người bệnh.

thuốc giả - Ảnh 1.

Cơ quan công an kiểm tra kho thuốc giả - Ảnh: CACC

Thuốc giả nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, gây nguy hiểm cho người bệnh. Thuốc trị bệnh thành thuốc hại người, phải làm sao?

Làm giả loại kháng sinh phổ biến

Cục Quản lý dược cho biết trong số 21 sản phẩm thuốc giả bị Công an tỉnh Thanh Hóa thu giữ có 4 loại được xác định là giả mạo thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, gồm: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion. Còn lại là một sản phẩm chữa xương khớp giả và hàng ngàn hộp thuốc "bảo vệ sức khỏe" thuốc nhập khẩu với công dụng phòng bệnh khác, không thuộc danh mục thuốc đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành.

Tại xưởng sản xuất và cất giấu sản phẩm, cơ quan chức năng đã thu giữ 44 hộp thuốc Tetracyclin, 40 hộp thuốc Clorocid, 49 hộp thuốc Pharcoter, 52 hộp thuốc Neo-Codion - những loại thuốc làm giả đã được Bộ Y tế cấp phép cho mục đích chữa bệnh.

Từ năm 2021 đến nay không biết đã có bao nhiêu người bệnh "mua nhầm" sản phẩm giả này, bị ảnh hưởng cũng không biết. Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, nhóm làm thuốc giả đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, số tiền thu lời bất chính ước tính gần 200 tỉ đồng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Mạch máu Việt Nam, cho hay 2 trong số 4 loại thuốc giả này đều là thuốc điều trị các bệnh lý đường hô hấp, trong đó có những loại kháng sinh phổ biến. Thực tế, những bệnh lý đường hô hấp người dân thường có thói quen tự mua kháng sinh - đây cũng là nguyên nhân khiến các đối tượng sản xuất hàng giả các loại kháng sinh này.

Uống thuốc giả này nguy hiểm thế nào?

Theo bác sĩ Mạnh, đơn cử viên nén Tetracyclin TW3 (Tetracyclin hydroclorid 250mg) là kháng sinh nhóm tetracyclin, có tác dụng kìm khuẩn, đôi khi diệt khuẩn với vi khuẩn nhạy cảm. Dùng để điều trị các nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm như nhiễm khuẩn đường hô hấp (viêm phổi, viêm phế quản); nhiễm khuẩn da (mụn trứng cá, viêm mô tế bào); nhiễm khuẩn đường tiết niệu, tiêu hóa, hoặc do Rickettsia (sốt rét rừng) và một số bệnh lây qua đường tình dục (lậu, giang mai nếu dị ứng penicillin).

Còn viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg) là kháng sinh kìm khuẩn, có thể diệt khuẩn ở nồng độ cao với vi khuẩn nhạy cảm. Thuốc được dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn nhạy cảm.

"Nguy cơ nếu dùng hai loại thuốc giả đầu tiên là không có hiệu quả điều trị dẫn đến thất bại trong điều trị nhiễm khuẩn, đặc biệt nguy hiểm với các bệnh nặng như viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết.

Bên cạnh đó, thuốc giả có thể chứa tạp chất độc hại, gây tổn thương gan, thận hoặc phản ứng dị ứng nghiêm trọng (phản vệ, sốc). Thuốc cũng có thể làm tăng tình trạng kháng kháng sinh bởi dùng thuốc giả với hàm lượng hoạt chất không đủ có thể làm vi khuẩn kháng thuốc, khiến việc điều trị sau này khó khăn hơn.

Hậu quả nghiêm trọng với bệnh lý cấp tính, bỏ lỡ thời điểm điều trị vàng có thể dẫn đến biến chứng nặng hoặc tử vong", bác sĩ Mạnh nêu rõ.

Đối với viên nén Pharcoter (Codein base 10mg; Terpin hydrat 100mg) và Neo-Codion đều là thuốc giảm ho, long đờm, dùng trong các trường hợp ho khan, ho do kích ứng (như cảm lạnh, viêm họng). Hỗ trợ làm thông thoáng đường thở bằng cách làm loãng đờm (nhờ terpin hydrat). Codein là chất gây nghiện nhẹ, có tác dụng giảm ho và giảm đau nhẹ, chỉ được dùng theo đơn bác sĩ.

Nguy cơ nếu dùng phải thuốc giả sẽ khiến người bệnh không kiểm soát triệu chứng. Thuốc giả không chứa codein hoặc terpin hydrat, dẫn đến ho dai dẳng, khó chịu, ảnh hưởng chất lượng sống. Nguy cơ từ tạp chất có thể chứa chất gây nghiện giả hoặc độc chất, gây rối loạn thần kinh, tim mạch, hoặc tổn thương nội tạng.

Rủi ro lạm dụng nếu thuốc giả chứa chất gây nghiện không kiểm soát, có thể gây nghiện hoặc quá liều (nguy cơ suy hô hấp). Biến chứng gián tiếp là gây ho kéo dài không được điều trị có thể làm nặng thêm các bệnh lý nền (viêm phổi, viêm phế quản mạn).

"Đặc biệt một số thuốc giả, nhất là thuốc xương khớp, có thể chứa corticoid (như dexamethasone) không rõ nguồn gốc, gây loãng xương, tăng huyết áp, loét dạ dày, suy thượng thận, hoặc hội chứng Cushing nếu dùng lâu dài. Người bệnh mất niềm tin vào điều trị, tốn kém chi phí mà bệnh không cải thiện", bác sĩ Mạnh nói.

Không nên mua thuốc hàng xách tay hay mua qua mạng xã hội

Ông Tạ Mạnh Hùng, phó cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, khuyến cáo người dân nên mua thuốc tại các nhà thuốc hợp pháp, có đăng ký hoạt động, thay vì qua mạng xã hội hoặc qua tay người quen.

21 loại thuốc giả có 4 loại được cấp phép lưu hành - Ảnh 2.Thuốc giả tràn lan, cách nào nhận diện?

Việc sử dụng thuốc giả không chỉ ảnh hưởng về kinh tế mà còn tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: thuốc giả