04/02/2019 10:51 GMT+7

2019: Năm bản lề của thế kỷ 21

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTO - Thế kỷ 21 dường như nay mới bắt đầu, từ cuối thập kỷ thứ hai, với sự suy vong của siêu cường duy nhất còn sót lại của thế kỷ trước và sự nổi lên không cưỡng nổi của những siêu cường mới.

2019: Năm bản lề của thế kỷ 21 - Ảnh 1.

“Chuyện gì cũng sẽ phải qua thôi. Mọi chuyện đều phải cáo chung. Hoàng hôn rồi cũng tắt khi ngày tàn!”. 

Đó là suy ngẫm của George Harrison, một trong bốn “tứ quái” The Beatles cách đây đúng 50 năm, tháng 2-1969. Nhà nghiên cứu âm nhạc Elliot J. Huntley gọi ca khúc All Things Must Pass đấy là “một ca vịnh ám ảnh bởi sự cáo chung của vạn vật”.

Một kỷ nguyên cáo chung 

Thật trùng hợp, cựu tổng thống Mỹ George Bush “bố” qua đời (30-11-2018) giữa lúc đương kim Tổng thống Donald Trump đang hô hào làm cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nước Mỹ đã bết bát tới mức nào để ông Trump phải hô hào như vậy? 

Cái trật tự thế giới mới mà ông Bush “bố” đã xác lập được vào đầu năm 1991 bằng một liên quân 35 nước tham gia cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất, sau đó là sự tan rã hoàn toàn của Liên Xô và khối Đông Âu, thay vào đó là các nền dân chủ phổ thông đầu phiếu cùng chủ nghĩa thị trường tự do, từ mấy năm qua đã suy yếu trầm trọng, ở nhiều nơi hầu như chỉ còn là một xác biết đi.

Năm năm trước, nhà tỉ phú Trump ta thán về tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama trong một tin nhắn Twitter đề ngày 30-8-2013: “Nhà “lãnh đạo” của chúng ta đã làm chúng ta xấu mặt trong vấn đề Syria! Tránh xa Syria ra, chúng ta không có khả năng lãnh đạo để có thể thắng các cuộc chiến tranh, thậm chí để có được một chiến lược ở đó!”. 

 Năm năm sau, Tổng thống Trump tiếp tục quở trách người tiền nhiệm: “Nếu tổng thống Obama vượt qua lằn ranh đỏ đã tuyên cáo của ông thì thảm họa Syria đã kết thúc từ lâu rồi! Assad đã là lịch sử rồi!”.

Có vẻ như ông Obama sợ “bàn tay vấy bẩn” (như một nhân vật trí thức của Jean-Paul Sartre, được trao quả lựu đạn, được bảo ném đi, nhưng rồi không ném vì cứ nghĩ ngợi “ném rồi làm sao?”). 

Đã thế, ông Obama và bộ máy cận thần lại quen với kiểu hành động qua các kênh tình báo cố hữu, bởi ông từng thành công với cách làm đó: trợ lý ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland từ tháng 12-2013 tới tháng 2-2014 mấy lần sang Ukraine, gặp các phe đối lập, kết thúc bằng việc truất phế tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych hôm 22-2-2014.

Ông Obama đâu ngờ rằng chỉ năm ngày sau, cờ Nga được một nhóm người “lạ” vũ trang hạng nặng, treo lên ở trụ sở Quốc hội Crimea! Hai ngày sau, tân Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov chính thức kêu gọi Nga “trợ giúp để đảm bảo hòa bình và yên ổn”. 14 ngày sau nữa, trưng cầu ý dân: Crimea “trở về với đất mẹ”. 

Hôm sau, 18-3-2014, là ngày ký kết hiệp ước sáp nhập Cộng hòa Crimea vào Nga. Xem ra, “lối chơi” của CIA vẫn quá nhẹ nhàng so với KGB, mà sau này là FSB! Chưa hết, mới hôm 11-11-2018 vừa rồi, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đang ở Paris dự kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến I, thì hai tỉnh miền đông Ukraine bỏ phiếu bầu chủ tịch Cộng hòa nhân dân Donetsk và Cộng hòa nhân dân Lugansk! Tất cả tạo cảm giác Hoa Kỳ và NATO chỉ “giỏi cái miệng”. 

NATO càng tan tác dưới trào Trump khi ông này đòi các đồng minh phải đóng thêm tiền. Đằng sau sự từ chối đóng thêm phí cho NATO là câu hỏi ngầm của châu Âu với ông Trump: Đóng thêm tiền liệu có chắc ăn được bảo vệ, hay là tốn tiền vô ích?

2019: Năm bản lề của thế kỷ 21 - Ảnh 2.

Hết rồi “tứ hải giai huynh đệ”

Cuối năm 2018, ồn ào vụ Nga bắt giữ 3 chiếc tàu của Ukraine từ cảng Odessa về cảng Mariupol trong biển Azov, nội hải của Ukraine và Nga, vì bị cho là các tàu này “khiêu khích Nga”. Nếu quả thật như vậy thì đúng là “châu chấu đá xe”, bởi những cái gọi là “tàu chiến” kia chỉ là những chiếc tiểu đĩnh lượng giãn nước 52 tấn, vũ khí là cặp pháo Katran-M 30 li cổ lỗ. 

Biển Azov từ nay coi như “đóng cửa”. Với những ai có chút ký ức về cảng Odessa hay biển Đen, nếu không qua những ngày tháng từng trải ở đó thì cũng qua âm nhạc. 

 Cách đây đúng 50 năm, ban nhạc lừng danh xấp xỉ The Beatles, Bee Gees, đã soạn một ca khúc (và đĩa nhạc) mang tên Odessa, than khóc “ngày 14 tháng 2, năm 1899, con tàu Veronica của Anh mất tăm...”. (Fourteenth of February, eighteen ninety nine. The British ship Veronica was lost without a sign...). 

 Cũng trong đĩa nhạc này còn có bản giao hưởng đề cao tình “tứ hải giai huynh đệ”, tựa đề là Bản giao hưởng thất hải (Seven Seas Symphony), mà với phương Tây là bảy đại dương: Bắc Băng Dương, Nam Băng Dương, Bắc Thái Bình Dương, Nam Thái Bình Dương, Bắc Đại Tây Dương, Nam Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.

Thời nay, chẳng mấy ai còn nghe Seven Seas Symphony để rung cảm trước tiếng piano dồn dập ở cuối bản giao hưởng nữa, cũng như không còn mấy ai tin vào cái khẩu hiệu “Tứ hải giai huynh đệ” - một tinh thần na ná của phương Đông. 

Các đại dương không còn an bình nữa, thậm chí tàu nước lớn rượt cả tàu nước lớn. 

2019: Năm bản lề của thế kỷ 21 - Ảnh 3.

Bưu Điện Hoa Nam (SCMP) 7-12-2018 kỷ niệm “40 năm cải tổ và mở cửa” ở Trung Quốc bằng một viện dẫn bất ngờ: “Khi cố lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình ra lệnh cho hơn 300.000 quân đội Giải phóng nhân dân từ Tây Nam Trung Quốc tấn công Việt Nam vào tháng 2-1979, vấn đề không chỉ là sự cạnh tranh khu vực”, mà là để “Trung Quốc phát triển thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và quân đội trở thành một cỗ máy đa chức năng, với tham vọng trở thành lực lượng hải quân viễn dương có khả năng tấn kích và bảo vệ lợi ích quốc gia trên toàn cầu”.

Tờ báo thừa nhận rằng “bằng cách mở rộng phạm vi quân sự của mình, Trung Quốc đã làm dấy lên những ngờ vực về ý định của họ với khu vực và toàn cầu”. 

 Nay là thời đại của những liên minh mới. SCMP 19-8-2018 bình luận về cuộc tập trận khổng lồ Vostok của Trung Quốc với Nga vừa chấm dứt: “Nếu (nhà binh pháp) Carl von Clausewitz đã có lý khi phán rằng “chiến tranh là sự nối dài của chính trị bằng các phương tiện khác”, thì một cuộc tập trận quân sự giống như phần mở rộng tự nhiên của sự “xích lại gần nhau” chính trị của các nước liên quan”. 

2019: Năm bản lề của thế kỷ 21 - Ảnh 4.

Sự “xích lại gần nhau” này càng nóng bỏng đến nỗi báo cáo mới nhất gửi Quốc hội Mỹ trong tháng 11 “la làng”: Hoa Kỳ có thể thất trận trước Trung Quốc và Nga. Sự “dựa lưng vào nhau” này không chỉ về binh bị mà cả về kinh tế, được thể hiện vào lúc cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã bước vào giai đoạn khốc liệt. Sputnik 22-11- 2018 chạy tít: “Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể thúc đẩy Trung Quốc vào thị trường Nga”.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã cảnh báo tại Diễn đàn hòa bình Paris: “Thế giới chúng ta hầu như hỗn loạn trong khi đang phát triển theo hướng đa cực. Song sẽ là sai lầm nếu xem tính đa cực này là một giải pháp tự thân. 

Nếu không có một hệ thống đa phương và không tôn trọng các quy tắc quốc tế thì rủi ro sẽ là mọi chuyện được giải quyết dựa trên tương quan lực lượng, các cơ chế kích động/trừng phạt và một vòng xoáy xung đột tiềm ẩn”.

Những lời khuyên can như trên cứ như “mơ giữa ban ngày” khi mà trong thực tế, Liên Hiệp Quốc hầu như đã không ngăn được cuộc chiến nào, như lời ca khúc Daydream Believer của ban nhạc Mỹ The Monkees vào năm 1967, lúc chiến tranh Việt Nam sắp bước vào giai đoạn tổng lực: “Vui lên đi, hỡi nàng Jean ngái ngủ... 

Ồ, cứ mơ giữa ban ngày và trở thành một nữ hoàng đang trở về quê nhà, cũng có sao đâu?”.

Thế hệ "Yolo", thế hệ thiên niên kỷ - Millennial - là ai? Thế hệ 'Yolo', thế hệ thiên niên kỷ - Millennial - là ai?

TTO - Đó không chỉ đơn thuần về mặt số học là những người sinh ra khoảng từ năm 1980-1995.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên