Đường phố TP.HCM lung linh trong đêm giao thừa 2015-2016 - Ảnh: Thanh Tùng |
Tuổi Trẻ đã tiến hành cuộc khảo sát ý kiến 210 người dân thuộc các ngành nghề, trình độ học vấn khác nhau ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Đắk Lắk và Cần Thơ.
1 Việc làm, làm ăn - kinh doanh khó hơn dù cuộc sống có cải thiện
Về cuộc sống của gia đình trong năm 2015 so với năm trước, kết quả khảo sát cho thấy có 48,6% số người được hỏi cho biết cuộc sống gia đình của họ “được cải thiện hơn”, trong khi có 36,6% cho biết “không có thay đổi gì” và 14,8% “có chiều hướng kém hơn”.
So sánh giữa các địa phương, kết quả khảo sát cho thấy Đà Nẵng là nơi người dân cho rằng cuộc sống của họ trong năm 2015 được cải thiện hơn so với năm trước - chiếm tỉ lệ cao nhất với 61,1%, kế đến là Cần Thơ với 53,3%, Hà Nội với 52,4% và TP.HCM với 48%.
Có thể thấy kết quả này phản ánh tương đối chính xác thực trạng bởi vì thông thường người dân ở các địa phương đang phát triển (Đà Nẵng, Cần Thơ) sẽ cảm nhận cuộc sống của gia đình họ thay đổi nhiều hơn so với cảm nhận của người dân ở các địa phương đã phát triển trước (Hà Nội, TP.HCM).
Kết quả khảo sát cũng cho thấy Đắk Lắk là địa phương mà người dân cho rằng cuộc sống của họ có chiều hướng kém hơn so với năm trước, chiếm tỉ lệ cao nhất với 30%.
Mặc dù cuộc sống nhìn chung có cải thiện hơn so với năm trước, tuy nhiên vấn đề việc làm, làm ăn - kinh doanh trong năm 2015 lại được đa số người dân cho rằng khó khăn hơn so với năm 2014.
Cụ thể, chỉ có 26,2% số người được hỏi cho rằng việc làm, làm ăn - kinh doanh năm 2015 “thuận lợi hơn”, trong khi có đến 32,4% cho rằng “khó khăn nhiều hơn”. Như vậy, cảm nhận chung về việc làm và làm ăn - kinh doanh của người dân trong năm 2015 là khó khăn nhiều hơn thuận lợi.
Khi so sánh ý kiến của người dân ở các địa phương, người dân tại TP.HCM có nhận định về sự thuận lợi trong việc làm, làm ăn - kinh doanh, chiếm tỉ lệ cao nhất với 34%, đứng thứ hai là Hà Nội với 23,8%.
Hai địa phương mà người dân cho rằng việc làm và làm ăn - kinh doanh khó khăn hơn là Nha Trang và Đắk Lắk, với tỉ lệ lần lượt là 52,4% và 45%.
2 Vấn đề người dân quan tâm trong năm 2015
Kết quả khảo sát cho thấy người dân quan tâm những vấn đề rất sát sườn với cuộc sống hằng ngày của họ.
Cụ thể, 66% số người cho biết họ quan tâm việc “sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo quản thực phẩm”, thứ hai là “tình hình Biển Đông” và “chuyện kiện cáo liên quan đến sản phẩm lỗi” (chẳng hạn vụ Tân Hiệp Phát) cùng có tỉ lệ 56%, thứ ba là “những vụ án oan” với tỉ lệ 44%.
3 Mong đợi và kỳ vọng năm 2016
Khi được hỏi về những mong muốn và kỳ vọng năm 2016, có 75% số người được hỏi cho biết họ mong muốn “cuộc sống an toàn hơn, tội phạm, cướp giật giảm”.
Có lẽ những vụ án giết người hàng loạt gây chấn động trong thời gian vừa qua đã khiến người dân cảm thấy lo ngại cho sự an toàn nhiều hơn, như ý kiến của chị Vy Thị Hoa (công nhân, 44 tuổi, TP.HCM): “Tôi mong công an sẽ xử lý nghiêm những vụ trộm cắp, cướp giật, dù tài sản có giá trị nhỏ đi chăng nữa. Hệ thống giao thông sẽ tốt hơn, giảm kẹt xe và ít tai nạn giao thông”.
Anh Khuất Văn Đông (công nhân, TP.HCM) cho biết: “Giảm tỉ lệ tội phạm, các thành phần cướp giật cần phải có biện pháp phạt nặng, giảm tệ nạn trên đường phố”. Mong đợi đứng ở vị trí thứ hai là “được sử dụng thực phẩm sạch” với tỉ lệ 67%.
Kết quả này phù hợp với sự quan tâm của người dân là việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo quản thực phẩm ở trên. Ý kiến của ông Trần Trung Thành (64 tuổi, TP.HCM): “Tôi mong sản phẩm tiêu dùng tốt hơn, đặt lợi ích của người tiêu dùng ở hàng đầu, luôn bảo vệ người tiêu dùng”.
Bạn Đỗ Phước Quý (sinh viên, Cần Thơ) mong muốn: “Mong không còn sản phẩm nhiễm bẩn, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng”. Đứng ở vị trí thứ ba là mong muốn “tình hình kinh tế được cải thiện” với tỉ lệ 63% và có 60% mong muốn “chất lượng giáo dục được cải thiện”.
Năm 2016 cũng là năm Việt Nam sẽ có một thế hệ lãnh đạo mới, nhiều hiệp định thương mại đã ký kết sẽ có hiệu lực, vì vậy nhiều ý kiến đã thể hiện kỳ vọng rằng nền kinh tế đất nước sẽ phát triển nhanh hơn, lãnh đạo mới sẽ có những quyết sách thúc đẩy đất nước tiến lên.
Chẳng hạn như ý kiến của chị Nguyễn Xuân Quyền (giáo viên, Cần Thơ): “Cuộc sống công bằng hơn, Việt Nam giữ vững được độc lập chủ quyền và hòa bình. Các cấp lãnh đạo thanh liêm, biết lo cho dân và không còn nạn tham nhũng, nợ công được kéo giảm”.
Ông Vũ Đình Ánh (cán bộ nghiên cứu, Hà Nội) có ý kiến: “Người lãnh đạo đất nước, nhất là những lãnh đạo trẻ, phải có tài và có tâm, nói ít làm nhiều”.
Chị Nguyễn Thị Yến (kinh doanh, Hà Nội) thì nói: “Thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh”.
Bạn Nguyễn Minh Thùy (sinh viên, TP.HCM) băn khoăn: “Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức như bất đồng ngôn ngữ, lao động Việt Nam thiếu kinh nghiệm và kỹ năng so với lao động các nước, văn hóa khác nhau nên sẽ khó khăn trong hội nhập và thích nghi”.
|
|
Anh Lê Văn Mến (24 tuổi, kỹ sư xây dựng, Q.4, TP.HCM): “Năm mới, hi vọng Việt Nam sẽ tìm được những lãnh đạo đủ đức, đủ tài để đưa đất nước ngày càng phát triển bền vững, kinh tế ổn định, tránh xa lạm phát”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận