Lòng rạch Xuyên Tâm chỉ thấy rác mỗi khi nước rút, nhiều năm qua con rạch đã hứng chịu không biết bao nhiêu tấn rác thải. Nếu đào xới lên có thể rác dày gần cả mét - Ảnh: LÊ PHAN
Được phê duyệt năm 2002 với kinh phí 123 tỉ đồng, sau 20 năm vốn dành cho dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã tăng lên 9.353 tỉ đồng nhưng vẫn chưa thể triển khai.
Rạch Xuyên Tâm là hệ thống gồm các rạch Cầu Bông, rạch Cầu Sơn, rạch Long Vân Tự, rạch Lăng đi qua hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp. Tuyến rạch chính bắt đầu từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật.
Theo người dân sống lâu năm tại khu vực này, trước đây rạch này rất sạch sẽ, có nhiều loại cá như cá bảy màu, cá rô phi. Chiều chiều vào mùa khô, khi đó nước còn trong xanh, có rất nhiều người xuống con rạch này để tắm, bơi lội vui chơi.
Những ngôi nhà lấn chiếm kênh rạch chủ yếu là tự phát, không có giấy tờ sử dụng đất đai, lợi dụng sơ hở của cơ quan chức năng để lấn chiếm, xây dựng nhà ở ngay trên rạch, từ đó trực tiếp xả thải xuống rạch gây nên tình trạng ô nhiễm hiện nay.
Đa số người sống trên rạch là người lao động, thu nhập thấp, vì vậy chính quyền gặp khó khăn trong việc giải tỏa di dời. Theo thông tin, nếu giải tỏa thì tổng số nhà sống trên rạch Xuyên Tâm hơn 1.000 căn.
Suốt thời gian dài, dự án liên tục gặp khó khăn chủ yếu do hạn chế về ngân sách. TP.HCM từng giao cho tư nhân nghiên cứu, tham gia nhưng cũng không khả thi. Sau cùng phải chuyển sang hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Đến năm 2020, Luật đầu tư công không còn hình thức đầu tư BT nên TP đã chuyển sang hình thức đầu tư công nhưng nguồn vốn đầu tư trung hạn của TP không đủ để bố trí cho dự án này. Do đó dự án lại tiếp tục nằm chờ vốn.
Đến năm 2021, TP.HCM cũng đã kiến nghị trung ương hỗ trợ 21.734 tỉ đồng làm 6 dự án trọng điểm, trong đó có 9.353 tỉ cho dự án nạo vét rạch Xuyên Tâm.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, Sở Kế hoạch và đầu tư đang hoàn tất thủ tục để trình HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, Gò Vấp) dài 8,2km.
Mục tiêu dự án là cải tạo thoát nước, môi trường rạch Xuyên Tâm kết hợp xây dựng đường giao thông mới dọc hai bên rạch nhằm cải thiện tình hình giao thông và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ dọc tuyến, thu gom nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung của TP.
Quy mô xây dựng gồm cải tạo, kè bảo vệ bờ, xây dựng tuyến đường giao thông từ 4 đến 6 làn đường ở hai bên rạch và trên cống bê tông. Đồng thời xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải của TP và đáp ứng nhu cầu thoát nước với phạm vi lưu vực 703 hecta.
Tổng mức đầu tư dự án là 9.353 tỉ đồng, trong đó phần bồi thường quận Bình Thạnh là 4.859 tỉ đồng và phần bồi thường quận Gò Vấp là 468,9 tỉ đồng, vốn xây lắp 4.492 tỉ đồng.
Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai. Mới đây nhất, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã thống nhất chủ trương thành lập tổ công tác nghiên cứu chuẩn bị thực hiện dự án rạch Xuyên Tâm.
Kênh rạch ô nhiễm chờ vốn
Sở Xây dựng TP vừa đề nghị Sở Kế hoạch và đầu tư tham mưu UBND TP ưu tiên đưa 25 dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Các dự án cấp bách này đều nằm trong danh mục kế hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị TP giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó nhóm ưu tiên số 1 gồm 3 dự án đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư. Đó là dự án nạo vét, cải tạo, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh và Gò Vấp) có mức vốn khoảng 9.350 tỉ đồng. Hai dự án tiếp theo là cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) với mức vốn khoảng 1.980 tỉ đồng và nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) với mức vốn khoảng 1.200 tỉ đồng.
Tuy nhiên 25 dự án cải tạo, chỉnh trang kênh rạch này vẫn còn đang chờ cân đối nguồn vốn.
Hàng chục năm qua, rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh) được coi là một trong những con rạch bị ô nhiễm nặng nề nhất TP.HCM. Khu vực này tập trung nhiều loại rác thải, dòng nước đen ngòm chảy quanh năm bốc mùi hôi thối, gây mất mỹ quan đô thị - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Môi trường sống ô nhiễm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống người dân. Theo khảo sát, những đứa trẻ sống tại khu vực này sẽ ảnh hưởng đến việc học tập, phát triển - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Rạch Cầu Sơn (đoạn có công viên, phía đối diện vẫn là nhà dân) tại quận Bình Thạnh. Bên dưới dòng kênh ken đặc cỏ, lục bình, nước tù đọng không thể chảy - Ảnh: T.T.D.
Những ngôi nhà lấn chiếm kênh rạch chủ yếu là tự phát, không có giấy tờ sử dụng đất đai, lợi dụng sơ hở của cơ quan chức năng để lấn chiếm, xây dựng nhà ở ngay trên rạch, từ đó trực tiếp xả thải xuống rạch gây nên tình trạng ô nhiễm hiện nay - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hai căn nhà chòi ra rạch Xuyên Tâm, có hàng ngàn căn nhà như vậy tại khu vực này - Ảnh: QUANG ĐỊNH
20 năm qua con rạch này hứng chịu ô nhiễm. Thời còn làm chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong đã phải thốt lên "kinh khủng" khi đi khảo sát con rạch này - Ảnh: CHÂU TUẤN
Dọc theo con rạch này về hướng cầu dân sinh (nối đường Nguyễn Xuân Ôn sang Điện Biên Phủ), tình trạng ô nhiễm càng trầm trọng hơn. Nơi đây giống như một “bãi tập kết rác” với bao ni lông, hộp xốp, chai nhựa, xác động vật... - Ảnh: CHÂU TUẤN
Phía bên trên cầu, dòng người qua lại tấp nập nhưng ai cũng cảm thấy ngán ngẩm khi ‘lỡ’ nhìn dòng nước đen ngòm kèm theo rác chất đống bên dưới - Ảnh: CHÂU TUẤN
Trở lại rạch Xuyên Tâm (đoạn gần đường Trường Sa) vào ngày 15-6, dù đã đeo hai chiếc khẩu trang nhưng chỉ hơn một phút sau, phóng viên cảm thấy khó chịu vì mùi hôi nồng nặc xộc thẳng vào mũi - Ảnh: LÊ PHAN
Anh Quốc Việt (người dân sống bên cạnh rạch Xuyên Tâm) cho biết: “Ở đây nắng hay mưa gì cũng hôi, nhất là vào mùa triều cường lên. Tôi có nghe thông tin chính quyền sẽ làm dự án nâng cấp, cải tạo môi trường nơi đây, nhưng mãi chưa thấy làm. Không biết khi nào mới thoát cảnh hôi thối, ngập rác” - Ảnh: CHÂU TUẤN
Rác từ rạch Xuyên Tâm cũng thường xuyên trôi ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè gây ô nhiễm cho con kênh này - Ảnh: T.T.D
Những căn nhà lấn rạch đã "bóp nghẹt" dòng chảy, dòng nước bị tù gây ra ô nhiễm, là nơi hình thành các ổ muỗi mòng - Ảnh: T.T.D
Đã có những chuyến phóng viên Tuổi Trẻ theo chân các công nhân môi trường đô thị đi vớt rác tại con rạch này. Lượng rác vớt hết đợt này thì đợt khác xuất hiện - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận