![]() |
Cầu Hiền Lương những năm còn chia cắt |
Trở lại dọc bờ nam con sông giới tuyến, ở những làng Xuân Hòa, Xuân Mỵ ở Trung Hải, Cát Sơn ở Trung Giang, Hải Cụ ở Trung Sơn... chúng tôi gặp nhiều ông bà tuổi đã ngoài thất thập mà nỗi ngóng vọng khắc khoải của họ chỉ có dòng sông Hiền chứng kiến đằng đẵng 7.000 ngày...
20 năm nhìn nhau qua dòng nước...
Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Ngọc Châu ở thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải (huyện Gio Linh). Ngôi nhà nằm cạnh bờ sông, từ bến nước sau nhà nhìn lên chiếc cầu mới phục chế không đầy 100m, nhìn qua bờ bắc nơi có đồn công an vũ trang Hiền Lương và chiếc cổng chào “tiền đồn” cũng chỉ rộng khoảng ngần ấy, vậy mà suốt tuổi thanh xuân của vợ chồng ông đã đành đoạn chia biệt bên ni bên nớ...
Tham gia kháng chiến từ năm 1947 khi mới 15 tuổi, năm 1953 gia đình dạm hỏi cô Dĩnh người cùng làng. Ông Châu vượt sông về, vùng quê ông hồi đó còn tề ngụy, ngày đám cưới ông núp trên... trần nhà, nhìn xuống vợ một mình bái lạy trước bàn thờ gia tiên.
Bọn tề đánh hơi được ông về cưới vợ đã theo dõi rất chặt, đêm đó ông lên lại chiến khu mà chưa thấy rõ mặt vợ mình. Hơn một năm sau Hiệp định Genève ký kết, ông Châu chưa kịp tìm quê nhà thì cầu Hiền Lương đã chia làm đôi với hai màu sơn khác nhau.
Ông Châu được điều động về Công an vũ trang Hiền Lương phía bờ bắc, bà Dĩnh ở lại bờ nam để vừa làm cơ sở cách mạng, vừa phụng dưỡng cha mẹ già, nuôi em nhỏ.
Trên một đoạn sông vài cây số ở phía bờ nam nhưng có rất nhiều đồn cảnh sát, lính tráng ken dày, kiểm soát gắt gao. Dù biết được tin chồng mình đang ở bên ấy nhưng bà Dĩnh không thể nào gặp được chồng.
Bà nghĩ ra cách phải xuống bờ sông giả bộ giặt giũ áo quần để nhìn sang bên đó coi hình dáng chồng mình thế nào, thấp hay cao, béo hay gầy... Như biết được ý định của vợ, mỗi lần thấy bà xách xô áo quần xuống sông là ông giả bộ đi tuần. Đến đoạn đối diện nhau ông giả vờ đằng hắng để bà liếc mắt sang.
“Lúc đầu tui nghe thấy ông đằng hắng nhưng hôm đó cách nhau đoạn sông rộng nên chỉ thấy dáng người nhỏ bé, chớ có nhìn thấy mặt được mô”, bà Dĩnh kể lại. Lần sau bà Dĩnh thường chọn đoạn sông hẹp nhất (khoảng 50m) để nhìn mặt chồng. Nhưng cũng chỉ được vài lần thì bọn cảnh sát phát hiện nên những lần sau bà làm động tác lấy tay nghiêng vành nón để liếc mắt qua ông Châu.
Ông Châu cười hề hà bảo: “Lúc ấy ở bên ni sông tui ngắm nhìn bà thoải mái lắm, nhưng bên nớ bà mần răng mà nhìn tui được 1 phút...”. Nhiều hôm nhớ chồng bà Dĩnh lại tìm cách ra bờ sông vài lần, khi thì đi trồng sắn, tắm giặt, lúc đi mò cua, bắt ốc... để được nhìn thấy bóng dáng người chồng thân yêu.
Thương vợ, nhiều lúc ông Châu nhờ cơ sở khuyên bà đi lấy chồng nhưng bà Dĩnh thì một lòng chung thủy. Giọng ông Châu trầm xuống: “Thật ra lúc đầu tui nghĩ biết khi mô thống nhất nước nhà để gặp nhau sinh con đẻ cái, thôi thì hai người đành đoạn chia tay đi thêm bước nữa, nhưng nghĩ lại vợ mình sống trong vòng kìm kẹp, khảo tra, vượt qua biết bao cám dỗ, sự mua chuộc của địch để thủy chung với mình thì nỡ lòng nào mình lại phản bội tấm lòng ấy”.
Mãi đến cuối năm 1966 ông Châu nhận nhiệm vụ vượt tuyến vào Nam, hoạt động ở vùng thượng nguồn Bến Hải. Cơ sở cách mạng bố trí đưa bà Dĩnh lên chiến khu để được gặp chồng.
“Lần đầu tiên hai vợ chồng tui mới nhìn rõ mặt nhau, tui khóc, ông khóc làm cho nhiều người có mặt hôm ấy cảm động lắm, nhưng cũng chỉ nhìn được nhau, rồi tui nhận nhiệm vụ đi công tác” - bà Dĩnh nhớ lại giây phút hạnh phúc nhất của đời mình.
Cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi cơ sở đưa bà Dĩnh vượt tuyến ra Bắc. Trớ trêu thay, lần này ông Châu phải ở lại hoạt động ở miền Nam...
Cho đến khi đất nước thống nhất, vợ chồng ông Châu - bà Dĩnh mới được sống bên nhau.
Và niềm vui “tứ đại đồng đường”...
Khi chúng tôi tìm đến nhà, ông bà Trần Đình Biên và Hoàng Thị Dưỡng đang chơi cùng đứa chắt nội mới lên 1 tuổi của mình. Hình như cái khoảng thời gian xa nhau bao nhiêu năm ấy khiến ông bà sau ngày gặp lại nhau đã không rời nhau 1 phút, bởi hơn ai hết họ thấu được nỗi mất mát của tình vợ chồng cách xa ngần ấy tháng năm.
Ông Biên nay đã vào tuổi 78, bà Hoàng Thị Dưỡng cũng đã 75 tuổi, vậy mà cả hai vợ chồng vẫn không giấu được nỗi xúc động khi nhớ lại những ngày tập kết...
Cưới nhau xong vừa kịp có đứa con trai thì cũng vừa có Hiệp định Genève, ông Biên khi ấy đang tham gia bộ đội địa phương Vĩnh Linh được lệnh tập kết bờ bắc. Cũng chỉ nghĩ rằng hai năm thôi, và cũng không nghĩ bên này bên kia xa xôi lắm, có thể đêm đêm vượt tuyến về thăm vợ con.
Ông Biên tham gia lực lượng bảo vệ đầu cầu bờ bắc. Ông kể nhiều lần được anh em bố trí cho lên cầu để nhìn thấy người thân, họ hàng gia đình. Từ trên cầu nhìn xuống mảnh ruộng làng ông thấy rõ ràng bà con mình đang làm lụng, nhìn nhau vậy thôi nhưng bà con không dám nhận nhau vì những đôi mắt tề ngụy vẫn rình mò theo dõi. Nhưng ông không thể nào gặp được vợ mình bởi bà nằm trong nhóm bị địch đưa đi di dân vào tận Bình Tuy (nay là tỉnh Bình Thuận).
Vào đấy bà vẫn được cơ sở móc nối đưa đi học tập để hoạt động cách mạng. Mãi năm 1963, sau khi triều Ngô (Ngô Đình Diệm) bị đổ, bà và đứa con trai mới tìm về được làng cũ. Khi ấy người con trai của bà là niềm an ủi duy nhất để bà Dưỡng sống và hy vọng về ngày đoàn tụ với chồng.
Về làng cũ, dựng lại nhà trên nền cũ, bà hy vọng chồng sẽ vượt sông về tìm thăm vợ con. Bà không biết lúc ấy ông Biên đã chuyển công tác lên tận Cù Bai (một đồn biên phòng phía cực tây bắc Quảng Trị - giáp biên giới Lào).
Năm 1967 địch càn, biến các xã bờ nam thành vùng trắng, dồn dân lên khu tái định cư ở Cam Lộ hòng “tách cá ra khỏi nước”, hàng ngàn đồng bào chống cự chạy ngược phía bờ sông tìm cách ra Bắc.
Phía bờ bắc, khu ủy Vĩnh Linh đã kịp thời đưa được một số đồng bào ra được Vĩnh Linh, trong số đó có vợ con ông Biên. Ông đang công tác tại Bãi Hà, nhận được tin vợ con thoát ra được đất Bắc, mừng quá ông chạy bộ hơn 20km tìm về. Gần mười năm, gặp nhau một chốc ở nhà dân rồi bà theo tuyến đường đưa dân ra vùng Tân Kỳ (Nghệ An).
Ông cười hóm hỉnh: “Vợ chồng xa nhau cả chục năm, gặp nhau ở nhà dân “chẳng kịp làm gì” rồi lại chia tay...”. Rồi ông Biên được lệnh về lại quê nhà ở bờ nam hoạt động.
Tình chồng vợ của ông bà Biên như thể sao mai sao hôm như thế cho đến năm 1973, phần phía bắc Quảng Trị được giải phóng, ông bà mới gặp lại nhau. May mà ông bà còn có một người con trai để bây giờ có được bốn đứa cháu nội, và cháu nội gái của ông bà đã lập gia đình để ông bà lên đến chức “cố”.
Ngôi nhà của ông bà bên dòng Hiền Lương nay “tứ đại đồng đường”. Người con trai của ông bà - anh Trần Lương Hiệu - là cán bộ văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị, đã có cháu ngoại, từ nhà vào cơ quan hơn 20 cây số nhưng sáng sáng vẫn chạy xe vào, tối về với bố mẹ già. Vợ và con gái anh Hiệu cùng làm giáo viên dạy ở xã Trung Sơn cạnh đấy.
Ngôi nhà và niềm vui tứ đại đồng đường bên chân cầu Hiền Lương của vợ chồng ông Biên dường như đang mang một ngụ ngôn thâm hậu về mỗi ngày bình yên bên nhau của người miền giới tuyến...
Những ngày bình yên bên nhau ấy không đến với tất thẩy mọi đôi lứa đã chịu cảnh chia lìa. Hai năm, rồi 20 năm, rồi nhiều năm sau nữa, nước mắt cho ngày gặp mặt vẫn chảy trên gương mặt người đàn bà ấy...
Một câu chuyện kẻ ở - người đi buồn bã và tấm chăn hạnh phúc chật hẹp. Nhưng “lòng mẹ rộng vô cùng”...
-----------------
* Kỳ tới: Huyền thoại mẹ
----------------
Tin, bài liên quan:
* Kỳ 7: Bức tường áo nâu* Kỳ 6: Một chuyến tàu bão táp* Kỳ 5: Quy Nhơn, 300 ngày trong câu hát phân ly* Kỳ 4: Cà Mau: 200 ngày và 50 năm* Kỳ 3: Thời gian đệm - nhìn từ khoảng sâu ký ức* Kỳ 2: Đi và ở* Kỳ 1: Vì có lửa nên có khói
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận